Làm gì để đưa điện gió Kê Gà vào quy hoạch điện?

20:36' - 05/07/2019
BNEWS Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhiều dự án điện đang chậm tiến độ, không thể đưa vào hoạt động trong nhiều năm tới.
Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu, đây là địa phương đã được Bộ Công thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió với công suất lắp đặt đến năm 2020 là hơn 400 MW và đến 2030 là 1.500 MW. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN ;

Trong bối cảnh đó, Dự án Điện gió Thanglong Wind (ngoài khơi Kê Gà – tỉnh Bình Thuận) với công suất 3.400MW có thể sẽ bù đắp được lượng năng lượng thiếu hụt này; đặc biệt tại khu vực phía Nam, tạo ra đột phá cho nền kinh tế.

Thế nhưng trên thực tế, dự án này vẫn chưa được đưa vào quy hoạch điện, mà mới đang ở công đoạn khảo sát.

Tại hội thảo về việc bổ sung dự án ThangLong Wind vào Quy hoạch phát triển điện Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030, do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Enterprize Energy tổ chức ngày 5/7, tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ những vấn đề liên quan đến hiệu quả dự án mang lại, cũng như vấn đề đấu nối và giá điện, để trình Chính phủ xem xét, sớm đưa dự án này vào quy hoạch.

Cần nghiên cứu đầy đủ

Mới đây, ngày 12/6, dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà đã chính thức được Bộ Công Thương cấp giấy phép khảo sát. Theo báo cáo của Tập đoàn Enterprize Energy (EE) - đại diện nhóm các nhà đầu tư dự án, hiện Tập đoàn này đã hợp tác chặt chẽ với Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 (PECC3) để xác định những hạn chế về lưới điện và sức chứa hiện có trong Quy hoạch phát triển điện quốc gia 7 hiện hành (đã hiệu chỉnh).

Theo kế hoạch sắp tới, từ ngày 19/7, Tập đoàn này sẽ cùng các đối tác triển khai lắp đặt hệ thống LIDAR khảo sát và đo gió trên không để thu thập số liệu gió.

Thời gian đo liên tục trong 12 tháng. Dữ liệu đo gió sẽ được thu thập từ cột khí tượng trên đảo Phú Quý và thiết bị đo gió lắp trên các giàn khoan khai thác dầu lân cận vùng dự án điện gió, thiết bị phao nổi đo gió.

Đến ngày 19/8, Tập đoàn Enterprize Energy sẽ tiếp tục khảo sát địa vật lý trong khu vực khảo sát tuyến cáp điện truyền tải vào bờ và khu vực phát triển điện gió ngoài khơi bao gồm đo độ sâu đáy biển, khảo sát địa hình đáy biển, đo địa chấn nông và khảo sát từ tính.

Ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn EE cho biết, khảo sát địa chất công trình bao gồm các bước: tiến hành khoan, lấy mẫu, thực hiện thí nghiệm hiện trường, thí nghiệm... để đánh giá điều kiện địa chất đáy biển.

Bên cạnh đó, phía nhà đầu tư cũng sẽ thực hiện nghiên cứu và khảo sát môi trường (khảo sát dưới nước, khảo sát sinh thái biển…).

Theo ông Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, dự án này với công suất tổng cộng 3.400MW được triển khai ngoài khơi nên mang lại hiệu quả giảm phát thải, sức gió lớn hơn các dự án trong bờ; đặc biệt là không chiếm đất, không ảnh hưởng gì về môi trường. 

Tuy nhiên, ông Duệ cho rằng, các đơn vị tư vấn dự án để trình dự án Chính phủ xem xét, đưa vào quy hoạch cần đưa cụ thể và phân tích thêm lợi ích kinh tế mà Việt Nam và cả các nhà đầu tư sẽ thu được qua dự án này.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Ông Trần Viết Ngãi cũng cho rằng, cần phải xác định rõ điểm đầu, điểm cuối của đường dây và trạm biến áp. Đây là vấn đề không hề đơn giản. Việc khảo sát, xây dựng dự án phải tiến hành đồng thời với hệ thống các trạm biến áp, đường dây 220kV hoặc 500kV, hoàn thành đồng thời để phát huy hiệu quả dự án này.

“Các con số phải chứng minh được trong các giai đoạn việc thi công như thế nào, kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia ra sao, về đường dây truyền tải, quy mô các trạm, bao nhiêu tổ máy... để Chính phủ xem xét. Rồi từ hồ sơ, khảo sát, thi công, xây lắp... mất bao nhiêu thời gian; không thể nói chung chung được”, ông Ngãi nói.

Ngoài ra, sau quá trình khảo sát như đã nêu, phía đơn vị tư vấn Công ty CP Tư vấn công trình điện 3 (PECC3) cũng cần nêu rõ tốc độ gió là bao nhiêu, hiệu quả mang lại như thế nào, đạt bao nhiêu giờ/năm, quy ra sản lượng bao nhiêu kWh điện để bổ sung vào lưới điện quốc gia phục vụ kinh tế - xã hội, ông Ngãi chia sẻ thêm.

Ông Trần Viết Ngãi cho hay, Hiệp hội sẽ có văn bản kiến nghị để gửi các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ để làm sao khuyến khích thu hút đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi vì tính sạch, hiệu quả mang lại.

Theo thông tin từ chủ đầu tư, hiện các cơ quan nhà nước như: Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và tỉnh Bình Thuận đã tiếp nhận và thông qua về dự án này. Các bước đi đó được xem là rất quan trọng để dự án được Chính phủ xem xét bổ sung vào quy hoạch điện.

Việc được Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch điện ngoài việc tạo thuận lợi cho dự án bước vào giai đoạn ký kết các hợp đồng điện và đầu tư, cũng sẽ giúp làm rõ việc đầu tư hệ thống truyền tải điện....

Làm rõ về giá điện

Dự án Thanglong Wind hiện đang trong quá trình khảo sát và theo tiến độ, giai đoạn I của dự án sẽ được hòa lưới điện vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Như vậy, dự án này chắc chắn sẽ “chậm chân” so với mốc 11/2021, hưởng giá ưu đãi 9,8 cent/kWh mà Chính phủ đưa ra trong Quyết định 39/2018/QĐ-TTg.

Theo ông Nguyễn Minh Duệ, sẽ cần kéo dài ưu đãi với mức giá điện 9,8 cent/kWh này trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, người dân cũng lo ngại, mức giá này được triển khai trong bao lâu để đảm bảo giá điện không ở mức quá cao khi dự án hoàn thành.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Ông Duệ cũng nói thêm, về vấn đề này, nhà đầu tư cũng cần chỉ rõ mức giá, thời gian ra sao để kiến nghị với Chính phủ Việt Nam có giá điện hợp lý, vừa có lợi cho nhà nước, cho phát triển kinh tế - xã hội, người tiêu dùng, nhưng cũng đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, cần chính sách đặc thù để kéo dài mức giá ưu đãi. Ông Ngãi ví dụ, khi triển khai 600MW đầu tiên hoàn thành bán lên lưới, nhà đầu tư có thể hưởng giá 9,8 cent cho tới khi hoàn thành 3.400MW. Dự án Thanglong Wind nên được hưởng mức giá điện gió ấy cho tới khi nhà đầu tư đạt được lợi nhuận trong việc khấu hao, thu hồi vốn để bù đắp cho quá trình đầu tư, sau đó mới tính chuyện điều chỉnh giá điện. Như vậy mới có thể khuyến khích các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

“Tất cả vấn đề này cũng cần đề xuất trong đề án trình Chính phủ và trong các kỳ họp tới. Đây là mấu chốt mà chúng ta không thể bỏ qua để có thể được Chính phủ xem xét đưa vào quy hoạch”, ông Ngãi nhấn mạnh.

Chủ tịch Tập đoàn EE – ông Ian Hatton cũng cho hay, Tập đoàn sẽ có trách nhiệm chứng minh về hiệu quả và các phương án liên quan đến đấu nối đường dây truyền tải điện trong hồ sơ...

“Riêng với vấn đề giá điện, chúng tôi sẽ không thể đạt trước hạn chót theo Quyết định 39 mà Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có kiến nghị về giá bán điện, dựa trên 2 nguyên tắc: thứ nhất là chi phí hợp lý, chi phí giảm dần nhờ các bước tiến công nghệ mà chúng tôi sử dụng. Cùng với đó là nâng cao tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam, giảm suất đầu tư dự án, từ đó đưa ra mức giá tốt hơn...”, ông Hatton nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục