Làm gì để tạo lực hấp dẫn?

11:31' - 26/10/2018
BNEWS Sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (1987 - 2017), đến nay, khu vực này đã góp phần đưa tỉnh Nam Định phát triển mạnh, trở thành khu vực kinh tế năng động.

Với phương châm không ngừng đổi mới, Nam Định đang tiếp tục hoàn thiện trên các lĩnh vực nhằm tạo lực hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thu hút trên cả 3 khu vực

Đại lý Toyota Giải Phóng – Chi nhánh Nam Định tọa lạc tại đường Nam Định – Phủ Lý, xã Lộc Hòa, thành phố Nam Định. Ảnh: TMV

Thời điểm tái lập tỉnh năm 1996, Nam Định gặp nhiều khó khăn trong việc huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Năm 1997, Nam Định mới chỉ có vỏn vẹn 1 dự án của nhà đầu tư Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất rau, củ, quả, với tổng vốn đăng ký khiêm tốn 4,5 nghìn USD. Đến nay, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào tỉnh Nam Định đã liên tục tăng qua các năm và đạt mức cao vào năm 2017 với tổng số vốn đăng ký trên 2,2 tỷ USD. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, lũy kế đến tháng 9/2018, toàn tỉnh có 98 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 3,3 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào cả ba lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; trong đó, lĩnh vực may mặc, da giầy và phụ trợ may chiếm đa số với trên 60 dự án, tổng số vốn đăng ký trên 850 triệu USD. Tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp chế tạo và nông nghiệp, thủy sản. Phần lớn các dự án tập trung vào lĩnh vực may mặc vì đây là ngành nghề truyền thống của tỉnh.

Nam Định có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp nhưng số lượng doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực này còn ít, chỉ có 7 dự án với số vốn đăng ký chiếm 0,8% tổng vốn FDI đăng ký của tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư. Liên tục trong nhiều năm Hàn Quốc, Trung Quốc... là những quốc gia có nhiều nhà đầu tư nhất. Dẫn đầu là Hàn Quốc với 29 dự án, tổng số vốn đầu tư 228,2 triệu USD. Những năm qua, Nam Định cũng đã bắt đầu thu hút được các dự án FDI từ Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Italy, Hà Lan, New Zealand.

Chia sẻ về hiệu quả hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng khẳng định: Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài với việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cụ thể, giai đoạn 2006 - 2010, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài của Nam Định chỉ đạt gần 5,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,49% giá trị sản xuất công nghiệp của cả tỉnh nhưng đến giai đoạn 2011 - 2016 đã tăng lên trên 36,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,16% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI giai đoạn 2011- 2016 đạt trên 2,1 tỷ USD, chiếm hơn 57% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Các doanh nghiệp có vốn FDI đã thu hút, giải quyết việc làm cho khoảng 43,5 nghìn lao động tỉnh Nam Định. Thu nhập bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp FDI đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Nhằm thu hút đầu tư, tỉnh Nam Định chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng cách chủ động cung cấp thông tin về đầu tư, chính sách ưu đãi, địa bàn, lĩnh vực đầu tư. Cùng với đó, Nam Định cũng đặc biệt quan tâm đến quy hoạch, xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp, tạo môi trường thân thiện để thu hút đầu tư.

Tạo lực hấp dẫn

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN 

Những nỗ lực của chính quyền và các ban ngành địa phương thời gian qua đã được các doanh nghiệp trong và ngoài nước ghi nhận. Thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, các kênh thông tin, ngày càng có nhiều nhà đầu tư ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Nam Định.

Ông Kenny Tang, Giám đốc Công ty TNHH Santa Clana, chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc chất lượng cao đóng tại xã Yên Bình, huyện Ý Yên (Nam Định) nhìn nhận, các cấp chính quyền địa phương tại Nam Định đã tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, các thủ tục đầu tư, do đó chỉ trong khoảng 1 năm, doanh nghiệp đã hoàn thiện xong toàn bộ hệ thống nhà xưởng, lắp đặt thiết bị máy móc và chính thức đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 1.000 lao động. Hạ tầng giao thông, mạng lưới điện phục vụ sản xuất, tình hình an ninh trật tự đảm bảo đã giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, đạt được hiệu quả kinh doanh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, với phương châm “Không ngừng đổi mới hướng tới nhà đầu tư, xác định doanh nghiệp là động lực phát triển, là đối tượng phục vụ”, Nam Định đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi; có nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn và các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, Nam Định nhất quyết không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế, không thu hút các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, không đảm bảo môi trường.

Để Nam Định tiếp tục là “điểm đến” hấp dẫn các nhà đầu tư, thời gian tới tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm xã hội; tăng cường khả năng tiếp cận thông tin đầu tư, đất đai, hoàn tất các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Nam Định huy động mọi nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, từng bước đảm bảo tính đồng bộ, kết nối, phục vụ cho hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư nước ngoài. Tỉnh khẩn trương triển khai và hoàn thiện các tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình (thuộc tuyến cao tốc Ninh Bình - Hà Nội - Quảng Ninh).

Nam Định cũng đang xây dựng, hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn theo hướng lâu dài, ổn định, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ của các khu công nghiệp chưa được lấp đầy để sẵn sàng cho nhà đầu tư lựa chọn. Toàn tỉnh hiện có 4 khu công nghiệp sẵn sàng đón các nhà đầu tư thứ cấp gồm các khu công nghiệp: Hòa Xá (thành phố Nam Định), Bảo Minh (huyện Vụ Bản), Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc) và Dệt may Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng) với tổng diện tích mặt bằng trên 1.100 ha.

Nam Định đặt mục tiêu, giai đoạn 2016 - 2020, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3 tỷ USD và đầu tư từ các nguồn vốn trong nước đạt trên 30 nghìn tỷ đồng../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục