Lạm phát đình trệ - cơn “ác mộng” đối với nước Mỹ

15:52' - 13/01/2022
BNEWS Không thể phủ nhận một điều là vấn đề lạm phát tăng phi mã vẫn đang là vấn đề "gây nhức nhối" cho nền kinh tế Mỹ.

Giá tiêu dùng tại nước này đã tăng 7% trong năm qua, giá nhà đất cũng tiếp tục tăng cao. Nhưng câu hỏi đang được nhiều nhà kinh tế và chiến lược gia Phố Wall đặt ra trong đầu là liệu điều gì đó nghiêm trọng hơn có thể xảy ra trong bối cảnh này hay không, chẳng hạn như giá cả leo thang trong khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại?

Đó là định nghĩa về lạm phát đình trệ (stagflation)- tình trạng lạm phát cao cùng với suy thoái kinh tế, và điều này sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với người tiêu dùng, nhà đầu tư và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chưa kể đến Tổng thống Joe Biden và phần còn lại của ban lãnh đạo đảng Dân chủ ở Washington.

Lạm phát đình trệ là một vấn đề khó vượt qua, đặc biệt là đối với các nhà lãnh đạo Fed và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới. Có rất ít công cụ để chống lại cả lạm phát và suy thoái cùng một lúc. Cách khắc phục tốt nhất cho sự suy thoái kinh tế là giảm lãi suất, nhưng lãi suất đã gần bằng 0% trong gần hai năm qua.

 

Trong khi việc tăng lãi suất để chống lạm phát, như Fed đã báo hiệu, có thể làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế. Đó là mối quan tâm lớn hiện nay ở Vương quốc Anh, nơi ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất vào tháng trước để chống lại sự leo thang giá cả.

Tăng lãi suất cũng có xu hướng gây thêm áp lực lên lợi suất trái phiếu dài hạn, vốn đã tăng trước các động thái của Fed. Điều đó có xu hướng làm gia tăng phần nào lạm phát bởi chúng khiến chi phí vay mượn trở nên cao hơn.

Các quan chức chính phủ Mỹ cho rằng các chỉ số tăng giá đối với nhà ở, ô tô đã qua sử dụng và xe tải là "những yếu tố đóng góp lớn nhất cho việc tăng giá tất cả các mặt hàng được điều chỉnh theo mùa".

Giá thực phẩm cao hơn cũng được đánh dấu trong báo cáo mới nhất của Bộ Lao động và là một yếu tố góp phần đáng chú ý vào lạm phát, mặc dù mức tăng 0,5% trong tháng trước ít hơn so với những tháng gần đây.

Báo cáo về vấn đề lạm phát mới bổ sung vào danh sách những thách thức mà nước Mỹ phải đối mặt khi chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách thúc đẩy những bước tiến mạnh mẽ mà nền kinh tế đã đạt được trong bối cảnh quốc gia này đang tiếp tục phục hồi trong thời kỳ đại dịch khi giá cả tăng cao.

Như vậy, Mỹ đang phải đối mặt với mức lạm phát nghiêm trọng nhất trong gần 40 năm. Những tin tốt lành là nền kinh tế số một thế giới vẫn đang tăng trưởng ở mức ổn định sau khi phục hồi từ cuộc suy thoái gây ra bởi đại dịch.

Điều này tạo cơ hội cho hoạt động chi tiêu tiêu dùng tiếp tục phát triển. Và ngay cả khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, thì điều đó cũng khó có thể xảy ra với tốc độ hoặc quy mô nhanh đến mức có thể gây thiệt hại quá lớn cho nền kinh tế trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại trong quý III/2021 dấy lên một vài “hồi chuông cảnh báo”. Thị trường đang kỳ vọng rằng nền kinh tế phục hồi trở lại trong quý IV/2021 và sẽ tiếp tục duy trì đà hồi phục này cho đến năm 2022. Tuy nhiên, những lo lắng kéo dài về chuỗi cung ứng và số ca mắc COVID-19 do biến thể mới Omicron tăng mạnh có thể cản trở kỳ vọng đó.

Điều này làm tăng khả năng Fed có thể đánh giá sai thời điểm và thắt chặt chính sách tiền tệ quá mạnh nếu Fed bắt đầu lo lắng về lạm phát trong “nhiệm vụ kép” của họ thay vì tập trung vào tạo việc làm tối đa.

Kristina Hooper, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của Invesco, cho biết: "Luôn có nguy cơ xảy ra sai sót trong chính sách. Fed đang mang trong mình "quả bom hạt nhân" về chính sách tiền tệ, vì vậy họ vẫn có thể phạm sai lầm".

Fed đang ở trong hình huống chưa bao giờ gặp phải. Các nhà lãnh đạo ngân hàng này đã phải đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng trong những thập kỷ gần đây, nhưng không có một cuốn sách hiện đại nào về cách xử lý mối đe dọa lạm phát  sau khi hứng chịu một đại dịch toàn cầu.

Tại thời điểm này, có vẻ như giá cả tăng cao là một nguyên nhân khiến người tiêu dùng phàn nàn và trở thành những chủ đề “hot”. Tuy nhiên, đây chưa phải là một mối quan tâm kinh tế quá nghiêm trọng.

Đó là lý do tại sao các chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư cần theo dõi và xem liệu người tiêu dùng có thực sự kiềm chế chi tiêu vì lạm phát hay không. Đó là mới là lúc các nước phải lo lắng về tình trạng lạm phát đình trệ.

Mike Skordeles, chiến lược gia vĩ mô của công ty dịch vụ tài chính Truist Financial (Mỹ) cho biết: “Sẽ tới một thời điểm người tiêu dùng có thể không chấp nhận trả giá cao hơn cho mặt hàng nào đó và nhu cầu dần bị ăn mòn. Lạm phát có thể là một mối lo ngại nếu tình trạng giá cả tăng cao vẫn tồn tại trong một thời gian dài".

Bên cạnh đó, chiến lược gia Skordeles cũng cho rằng, những lo ngại về lạm phát đình trệ ngay lúc này còn quá sớm vì tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn tương đối mạnh và thị trường có niềm tin vào Fed./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục