Lạm phát Đức nhích nhẹ, ECB vẫn có thể hạ lãi suất

07:42' - 30/05/2024
BNEWS Các nhà quan sát cho rằng lạm phát cơ bản tăng chủ yếu là do việc áp dụng giá vé phương tiện công cộng đồng hạng 49 euro (53 USD) vào tháng 5/2023, "bóp méo" sự so sánh giữa các năm.

Số liệu của Cơ quan thống kê Liên bang Đức Destatis công bố ngày 29/5 cho thấy lạm phát tại nước này tăng trong tháng 5/2024, do các yếu tố mang tính tạm thời và được cho sẽ không cản trở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất.

Theo số liệu sơ bộ của Destatis, giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong tháng 5/2024 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 2,2% trong tháng 4/2024 và là lần tăng đầu tiên trong 6 tháng.

 

Tuy nhiên, lạm phát lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm thường biến động, không đổi, vẫn ở mức 3%, dù được dự báo sẽ tăng nhẹ.

Các nhà quan sát cho rằng lạm phát cơ bản tăng chủ yếu là do việc áp dụng giá vé phương tiện công cộng đồng hạng 49 euro (53 USD) vào tháng 5/2023, "bóp méo" sự so sánh giữa các năm.

Việc lạm phát tại Đức tăng được cho là sẽ không ảnh hưởng tới quyết định của ECB trong việc bắt đầu hạ lãi suất tại cuộc họp vào ngày 6/6, với dự báo giảm 0,25 điểm phần trăm.

Nhà phân tích Elmar Voelker của ngân hàng LBBW cho rằng số liệu của Đức cho thấy lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro đã tăng trong tháng 5/2024. Ông nói thêm rằng điều đó sẽ không làm thay đổi quyết định hạ lãi suất của ECB.

Còn Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck trước đó cho rằng thách thức nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu là hạn chế tăng trưởng do thiếu hụt lực lượng lao động.

Theo Bộ trưởng Habeck, với việc khoảng 700.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng còn trống, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Đức đã giảm xuống 0,7% từ mức khoảng 2% trong những năm 1980 và có thể tiếp tục giảm xuống 0,5% nếu đất nước không giải quyết được vấn đề này. Ông cũng cho biết thêm các vị trí việc làm cần tuyển dụng bị trống có thể sẽ tăng lên khi dân số tiếp tục già đi.

Các ước tính chính thức cho thấy xã hội già hóa của Đức sẽ thiếu 7 triệu lao động lành nghề vào năm 2035. Do đó, Chính phủ Đức đã đề xuất cung cấp các ưu đãi tài chính cho những người muốn làm việc lâu hơn và linh hoạt hơn khi về già.

Bộ trưởng Habeck cho biết việc xem xét lại trợ cấp thất nghiệp vốn ở mức cao cho một số đối tượng cũng là một biện pháp giải quyết vấn đề. Theo Bộ trưởng Habeck, Đức cũng cần thu hút người nhập cư bằng cách giải quyết nhanh gọn thủ tục cấp thị thực, tăng các khóa học ngôn ngữ.

Hiện Đức đã đưa ra một số luật để thu hút lao động nhập cư như rút ngắn thời gian trở thành công dân Đức, đẩy nhanh thủ tục cấp thị thực và công nhận bằng cấp nước ngoài.

Nền kinh tế Đức chông chênh giữa tình trạng trì trệ và suy thoái trong những quý gần đây mà ông Habeck mô tả là “một cơn bão hoàn hảo”. Nhu cầu toàn cầu yếu, bất ổn địa chính trị và tình trạng lạm phát "thâm niên" đã cản trở sự phục hồi trở lại sau một thời gian kinh tế suy thoái.

Bộ trưởng Habeck xác định những “vấn đề cơ cấu” dài hạn của nền kinh tế Đức như thiếu hụt công nhân lành nghề, tình trạng quan liêu quá mức và đầu tư yếu kém kéo dài cần phải được giải quyết. Ông kêu gọi phải bảo vệ khả năng cạnh tranh của Đức với tư cách là địa điểm sản xuất công nghiệp.

Bất ổn địa chính trị và nhu cầu toàn cầu thấp hơn từ các thị trường như Trung Quốc là một trong những trở ngại cho sự phục hồi của kinh tế Đức. Ngành công nghiệp lớn của Đức bị thiệt hại đặc biệt do mất nguồn nhập khẩu khí đốt giá rẻ từ Nga.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục