Lạm phát kèm suy thoái – "cơn ác mộng" đối với kinh tế Mỹ

17:44' - 11/03/2022
BNEWS Lạm phát tiếp tục gia tăng giữa bối cảnh lo ngại rằng đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch COVID-19 có thể bị ảnh hưởng trực tiếp từ các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Lạm phát kèm suy thoái là một "cơn ác mộng" kinh tế - và có thể trở thành một vấn đề thực sự gây đau đầu đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nếu tình trạng đó xuất hiện ở Mỹ.

Đó là nhận định của bà Veronika Dolar, một nhà kinh tế học tại trường cao đẳng công lập SUNY Old Westbury và giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Stony Brook.

 

Nhận định trên được đưa ra khi báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 10/3 cho thấy lạm phát tại nước này đã đạt mức cao nhất trong 40 năm vào tháng 2/2022, với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát tiếp tục gia tăng giữa bối cảnh lo ngại rằng đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch COVID-19 có thể bị ảnh hưởng trực tiếp từ các lệnh trừng phạt chống lại Nga liên quan tới tình hình Ukraine.

Kết quả của những lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga là giá dầu tăng đột biến trong tháng Ba – diễn biến này sẽ không chỉ khiến lạm phát tăng cao mà còn có thể dẫn tới suy thoái, do giá năng lượng làm tăng chi phí cho người tiêu dùng và các công ty.

Nói cách khác, nền kinh tế Mỹ hoàn toàn có thể phải trải qua một giai đoạn stagflation – chỉ việc đồng thời xảy ra lạm phát cao và suy thoái kinh tế. Đây là “cơn ác mộng” mà không một nhà hoạch định chính sách nào muốn trải qua.

* Stagflation xảy ra khi nào?

Các nhà kinh tế thường tập trung vào ba chỉ số kinh tế vĩ mô lớn: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát.

Mỗi chỉ số đều có một cách diễn giải riêng về cách nền kinh tế đang hoạt động. GDP - hay tổng sản lượng của tất cả hàng hóa và dịch vụ được tạo ra - cho thấy nền kinh tế tổng thể đang vận hành thế nào. Tỷ lệ thất nghiệp cho biết về tình hình thị trường việc làm, còn lạm phát đo lường sự chuyển động của giá cả.

Nhưng cách hiểu về những chỉ số này cũng chồng chéo lên nhau. Và thật không may, chúng thường không cùng một lúc đưa ra những thông tin lạc quan.

Trong trường hợp bình thường, các chỉ số này cần có sự đánh đổi và thỏa hiệp với nhau. Nền kinh tế sẽ khó có tốc độ tăng trưởng GDP cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp mà không phải chịu những tác động của lạm phát leo thang. Và nếu chính phủ có thể giữ lạm phát ở mức thấp, điều đó thường dẫn tới tăng trưởng GDP giảm và tỷ lệ thất nghiệp có thể gia tăng.

Vì vậy, một nền kinh tế bình thường đều có cả những tin tốt và tin xấu. Nhưng với tình trạng lạm phát kèm suy thoái, không có tin tốt lành nào cả. Lạm phát kèm suy thoái xảy ra khi nền kinh tế đang trải qua cả tình trạng đình trệ kinh tế - sản lượng đi ngang hoặc giảm và lạm phát lên cao. Thêm vào đó, một nền kinh tế đang gặp khó khăn sẽ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Nói cách khác, cả ba chỉ số kinh tế vĩ mô khi đó đều sẽ đi sai hướng.

Các nguyên nhân của lạm phát kèm suy thoái vẫn đang được các nhà kinh tế tranh luận sôi nổi. Trước những năm 1970, họ thường không tin rằng có thể xảy ra tình trạng lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đều tăng cao trong một nền kinh tế trì trệ. Các nhà kinh tế đã nghĩ rằng thất nghiệp và lạm phát có mối liên hệ ngược chiều với nhau.

Tuy nhiên, có một số lý thuyết khác nhau về cách cả lạm phát cao và nền kinh tế trì trệ có thể cùng tồn tại.

Phổ biến nhất là tình trạng trên xảy ra khi có cái gọi là “cú sốc tiêu cực về nguồn cung”. Theo định nghĩa, cú sốc này xảy ra khi một mặt hàng nào đó quan trọng đối với toàn bộ nền kinh tế, chẳng hạn như năng lượng hoặc lao động, đột nhiên bị thiếu hụt hoặc trở nên đắt đỏ hơn. Một ví dụ rõ ràng chính là dầu thô.

Dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất nhiều loại hàng hóa và dịch vụ. Khi một sự kiện nào đó, chẳng hạn như căng thẳng Nga – Ukraine bùng phát và làm giảm nguồn cung, giá dầu sẽ tăng.

Các doanh nghiệp chuyên sản xuất xăng, lốp xe và nhiều sản phẩm khác sẽ phải đối mặt với chi phí vận chuyển tăng cao, khiến việc bán hàng cho người tiêu dùng hoặc các công ty khác có ít, thậm chí không lợi nhuận dù mức giá bán ra sao.

Kết quả, một số lượng lớn các nhà sản xuất giảm sản lượng của họ, làm giảm tổng cung. Sự sụt giảm này dẫn đến sản lượng quốc gia đi xuống, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cùng với giá cả đều lên cao.

* Thế “lưỡng nan” của giới hoạch định chính sách

Lần cuối cùng tình trạng lạm phát kèm suy thoái này xảy ra ở Mỹ là vào những năm 1970, một thời kỳ cũng chứng kiến giá năng lượng tăng chóng mặt. Do lệnh cấm vận dẫn đầu bởi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) áp đặt lên các quốc gia ủng hộ Israel, giá dầu thô đã tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 1973 đến năm 1975.

Các quốc gia nhập khẩu nhiều dầu như Mỹ đã trải qua thời kỳ lạm phát cao và suy thoái kinh tế diễn ra đồng thời. Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ trong giai đoạn đó lần đầu tiên vượt quá ngưỡng 10% kể từ những năm 1940, còn tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 4,6% hồi năm 1973 lên 9% vào năm 1975 và GDP "lao dốc".

Những sự kiện tương tự - OPEC đẩy giá dầu tăng, kéo theo lạm phát phi mã và các nền kinh tế chìm trong suy thoái - lặp lại chỉ vài năm sau đó. Trong thời kỳ này, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và hoạt động kinh doanh giảm, đồng nghĩa là người dân đều có ít tiền hơn. Tuy nhiên, lạm phát lại gia tăng, khiến mỗi đồng USD có giá trị thấp hơn một chút theo từng ngày.

Trải nghiệm này đi cùng tình trạng lạm phát kèm suy thoái kinh tế đã làm thay đổi cơ bản cách sống của người Mỹ, mở ra kỷ nguyên tiết kiệm và phân bổ nhiên liệu chưa từng thấy kể từ Thế chiến II.

Đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ, hầu như không có gì tồi tệ hơn”bóng ma” lạm phát kèm đình trệ. Vì nếu họ muốn giải quyết một trong hai vấn đề - lạm phát cao, tăng trưởng thấp - thường cuối cùng lại khiến vấn đề còn lại trở nên tồi tệ hơn.

Ví dụ, Fed có thể tăng lãi suất (như dự kiến của hầu hết thị trường tại cuộc họp kéo dài hai ngày 15-16/3) và động thái đó có thể giúp giảm lạm phát. Nhưng điều đó cũng làm tổn hại đến hoạt động kinh tế và tăng trưởng nói chung, vì nó khiến các khoản vay và đầu tư bị gián đoạn.

Hoặc các nhà hoạch định chính sách có thể cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn - thông qua các gói kích thích của chính phủ hay giữ lãi suất ở mức thấp - nhưng điều đó có thể sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn.

Nói cách khác, giới hoạch định chính sách Mỹ sẽ rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Khi đó, việc giải quyết vấn đề chỉ có thể phụ thuộc vào các biện pháp nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà hoạch định chính sách Mỹ, chẳng hạn như chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine hoặc tìm cách tăng ngay nguồn cung dầu – đều là những biện pháp rất khó thực hiện và thành công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục