Lạm phát kỷ lục, yêu sách tăng lương xuất hiện khắp châu Âu

05:30' - 20/05/2022
BNEWS Báo Le Figaro mới đây cho biết, các công đoàn khắp châu Âu đang đấu tranh đòi tăng lương cho người lao động để bù đắp cho cuộc sống đang ngày càng chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời giá.

Báo Le Figaro mới đây cho biết, các công đoàn khắp châu Âu đang đấu tranh đòi tăng lương cho người lao động để bù đắp cho cuộc sống đang ngày càng chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời giá. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang lo ngại viễn cảnh một vòng tròn luẩn quẩn giá cả-tiền lương có thể xuất hiện.

Khoảng 85.000 công nhân làm việc cho ngành luyện kim tại Đức đang muốn có những bù đắp tương xứng với tỷ lệ lạm phát, được xác định là 7,8% vào tháng Tư. IG Metall, một công đoàn rất có tiếng nói trong lĩnh vực này, vừa bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán tập thể với giới chủ để đạt được mục tiêu tăng lương 8,2% cho người lao động. Quá trình đàm phán với giới chủ, được cho là sẽ kết thúc vào mùa Hè này, có thể sẽ diễn ra rất căng thẳng và sẽ được theo dõi rất sát sao ở khắp châu Âu, bởi quy trình này có vai trò như một thước đo xu hướng bù lương diễn ra trên khắp châu lục.

Với mức lạm phát phi mã 7,5% tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), thậm chí có thể tăng lên 9% trong những tháng tới, người lao động tại khắp châu Âu đang ngày càng cảm thấy bức bách do sức mua giảm sút. Đặc biệt vì tiền lương chỉ tăng trung bình 1,2% vào năm 2021, trong khi giá cả bắt đầu leo thang ở thời điểm cuối của khủng hoảng COVID-19. Cuộc xung đột ở Ukraine như đang đổ thêm dầu vào lửa. Vì vậy, yêu sách tăng lương để bù đắp cho sức mua giảm sút ngày càng xuất hiện tại nhiều quốc gia. 

Mức tăng lương trung bình tại châu Âu đạt khoảng 2,5% trong thời gian từ tháng 1-3/2022, so với 1,6% trong quý IV/2021, kém xa mức 5,6% được thấy ở Mỹ vào tháng Ba năm nay. Theo dự báo của các nhà kinh tế, mức tăng lương tại châu Âu có thể đạt 3-4% trong năm 2022.

Tại một số nước, chẳng hạn như Bỉ, Cộng hòa Cyprus và Luxembourg, tiền lương vẫn được tính theo lạm phát. Đây cũng là trường hợp lương tối thiểu ở Pháp, vốn đã tăng 5,9% trong vòng một năm và sau ba lần điều chỉnh. Tổng liên đoàn lao động Pháp (CGT) cho rằng mức tăng phải đạt trên 20% mới thỏa đáng.

Tại Đức, lương tối thiểu được cho là sẽ nâng từ 10 lên 12 euro/giờ (tương đương 10-12,5 USD/giờ) theo như cam kết của chính phủ nước này. Tại Hà Lan, công đoàn FNV đang đòi tăng lương từ 10 lên 14 euro/giờ cũng như tăng 100 euro/tháng cho tất cả người lao động để bù vào những thiếu hụt do lạm phát gây nên.

Trong những trường hợp còn lại, tăng mức lương tập thể đang là chủ đề đàm phán giữa các chi nhánh hoặc công ty. Các lĩnh vực chịu nhiều áp lực về tuyển dụng nhất bước đầu đã có những cải thiện về mức lương. Tại Pháp, lĩnh vực kinh doanh khách sạn và ăn uống đã tăng 16% vào đầu năm nay. Lĩnh vực công nghệ thông tin hoặc xây dựng cũng đã có những điều chỉnh trên khắp cả nước.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm kỷ lục (ở mức 6,8% tại Eurozone vào tháng Tư năm nay) và những khó khăn về tuyển dụng trong nhiều lĩnh vực đang mang lại cho các đại diện của người lao động những lý lẽ để đàm phán. Tuy nhiên, sự không chắc chắn về triển vọng tăng trưởng đang khiến người sử dụng lao động tỏ ra thận trọng.

Torsten Muller, chuyên gia kinh tế tại Viện Công đoàn châu Âu, cho biết: "Các công đoàn ở tất cả các nước vẫn tiếp tục tìm cách xúc tiến đàm phán trên cơ sở xem xét kỹ bối cảnh kinh tế hiện nay. Chỉ riêng chính sách tiền lương thôi sẽ không thể bù đắp cho lạm phát, mà phải có thêm các biện pháp hỗ trợ tài chính. Nhưng dù thế nào thì thu nhập của người lao động cũng phải tăng lên, đặc biệt khi các nước đều cần thúc đẩy nhu cầu nội địa để duy trì tăng trưởng, trong khi thương mại quốc tế đang suy yếu".

Tại trụ sở của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt, các diễn biến căng thẳng xã hội đều được theo dõi rất sát sao. Bởi theo lý thuyết kinh tế, lạm phát vốn đã rất cao có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn nữa trong trường hợp xảy ra "vòng luẩn quẩn giá cả-tiền lương". 

Lạm phát thúc đẩy nhu cầu tiền lương và ngược lại tiền lương lại thúc đẩy lạm phát. Đây là một trong những lý do khiến ECB chuẩn bị tăng lãi suất vào mùa Hè này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục