Các nền kinh tế đang phát triển đối mặt sức ép từ lạm phát thực phẩm

18:00' - 17/05/2022
BNEWS Việc mua sắm thực phẩm thiết yếu giờ đây đã trở thành một điều xa xỉ đối với hàng triệu người dân sinh sống tại các nền kinh tế đang phát triển.

Nhiều người dân chỉ có thể mua những loại thực phẩm có giá phù hợp với chi tiêu, thay vì mua các loại thực phẩm họ muốn.

 

Giá lương thực toàn cầu đã tăng trong 2 năm trở lại, do tác động của dịch COVID-19 và tình trạng thời tiết cực đoan.

Cú sốc nguồn cung hai mặt hàng ngũ cốc và dầu khí cũng chạm ngưỡng kỷ lục vào tháng 2 và cả tháng 3/2022 liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát tăng vọt, với giá năng lượng góp phần làm sức ép gia tăng.

Dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy thực phẩm là danh mục lớn nhất trong giỏ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát, tại nhiều quốc gia đang phát triển, chiếm khoảng 40-50%.

Các nước sản xuất lương thực như Ấn Độ đã ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, trong khi Indonesia đã tạm ngưng xuất khẩu dầu cọ để kiểm soát tình trạng giá cả nội địa tăng vọt hồi tháng 4.

Chuyên gia Marcelo Carvalho - người đứng đầu đơn vị chuyên nghiên cứu các thị trường mới nổi tại BNP Paribas- nhận định rằng tình hình địa chính trị tại Ukraine không chỉ làm gián đoạn nguồn cung lương thực mà cả các loại phân bón, khiến lạm phát thực phẩm có thể kéo dài.

Các nhà hoạch định chính sách tại các nền kinh tế đang phát triển phải tìm cách cân bằng giữa việc khống chế lạm phát và duy trì sự tăng trưởng mong manh vào thời điểm lãi suất toàn cầu tăng.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh dự báo, cho rằng các nền kinh tế đang phát triển chỉ tăng trưởng 4,6% trong năm nay, thay vì 6,3% như dự báo trước đó.

Trước những thách thức kinh tế trên, các chuyên gia cho rằng các chính phủ có 3 lựa chọn: đưa ra những gói trợ cấp hỗ trợ người tiêu dùng; chấp nhận để giá cả tăng cao, đối mặt với lạm phát và bất ổn xã hội hoặc một giải pháp trung hòa giữa hai lựa chọn trên.

Nhiều quốc gia đưa ra các biện pháp ứng phó, như Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng mức lương tối thiểu lên 50%  hồi tháng 12/2021, nhằm xoa dịu tình trạng đồng nội tệ mất giá trị và lạm phát tăng vọt. Chile cũng dự kiến tăng mức lương tối thiểu trong năm nay.

Trong khi đó, Chính phủ Nam Phi đang cân nhắc tăng gói trợ cấp đã được tung ra năm 2020 và lập kế hoạch dài hạn.

Các nhà kinh tế học lo ngại rằng các nền kinh tế đang phát triển sẽ phải đối mặt với một loạt bất ổn bắt nguồn từ tình trạng giá lương thực tăng cao.

Công ty tư vấn Verisk Maplecroft cho biết 75% các nước có thể phải đối mặt bất ổn xã hội vào quý IV/2022 là các quốc gia có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, ông Carvalho của BNP cũng cảnh báo việc giảm áp lực lạm phát thông qua điều tiết chi tiêu có thể làm phát sinh các chi phí tài chính khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục