Lạm phát tăng tốc ở châu Á gây áp lực lên các ngân hàng trung ương

05:30' - 07/07/2022
BNEWS Hầu hết các ngân hàng trung ương ở châu Á đã bắt đầu tăng lãi suất để chống lạm phát và các nhà kinh tế kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đợt tăng trong những tháng tới để kiểm soát áp lực giá cả.

Theo tờ Wall Street Journal ngày 5/7, tình trạng lạm phát tăng tốc đang lan rộng khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã tạo ra kỳ vọng rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục tăng chi phí đi vay để hạ nhiệt giá cả leo thang.

Do lo ngại rằng lạm phát vẫn chưa lên đến đỉnh điểm, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) hôm 5/7 đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, từ mức 0,85% lên 1,35%. Thống đốc RBA Philip Lowe nói rằng, lãi suất cao hơn sẽ giúp tạo ra sự cân bằng bền vững hơn giữa cung và cầu. 

Trong khi đó, các quốc gia khác như Hàn Quốc và Philippines cũng ghi nhận tình trạng lạm phát gia tăng, thúc đẩy kỳ vọng về việc tiếp tục tăng lãi suất trong khu vực. 

Mức tăng giá ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thấp hơn so với ở Mỹ và châu Âu, nơi tỷ lệ lạm phát đã tăng trên 8%, nhưng các nhà hoạch định chính sách ở một số quốc gia cảnh báo rằng giá cả hiện đang tăng nhanh hơn dự kiến, gây áp lực lớn lên các hộ gia đình và doanh nghiệp. Việc tăng giá diễn ra trên một loạt các dịch vụ và sản phẩm, bao gồm ô tô, xăng dầu, đồ nội thất và hàng tạp hóa. 

Ông Lowe cho biết RBA sẽ thực hiện nhiều bước đi hơn nữa để bình thường hóa các điều kiện tiền tệ trong những tháng tới, khi các ngân hàng trung ương thay đổi chính sách lãi suất siêu thấp. 

Việc tăng lãi suất mới nhất của RBA cũng giống như hành động của một loạt các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tháng trước, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994. 

Hầu hết các ngân hàng trung ương ở châu Á đã bắt đầu tăng lãi suất để chống lạm phát và các nhà kinh tế kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đợt tăng trong những tháng tới để kiểm soát áp lực giá cả. 

Hàn Quốc vào năm ngoái đã trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên ở châu Á tăng lãi suất kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Mới đây nhất, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên 1,75% - lần tăng lãi suất thứ 5 kể từ tháng 8/2021 - và báo hiệu sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất hơn trong những tháng tới. 

Các nhà phân tích cho rằng Ngân hàng trung ương Hàn Quốc có thể nâng lãi suất chính sách thêm 0,5 điểm phần trăm thay vì 0,25 điểm phần trăm như thông thường vào tuần tới để kiềm chế lạm phát. 

Văn phòng Thống kê của Hàn Quốc cho biết, tỷ lệ lạm phát của nước này đã đạt mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ vào tháng Sáu vừa qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/1998. 

Các chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Barclays cho biết họ dự báo các ngân hàng trung ương của Philippines và Thái Lan cũng sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào tháng tới. Ngân hàng trung ương Thái Lan là một trong số ít ngân hàng cho đến nay vẫn chưa tăng lãi suất trong năm nay, khi các quan chức nước này viện lý do lo ngại về tăng trưởng kinh tế. 

Lạm phát ở châu Á đang bị thúc đẩy bởi giá dầu và lương thực, vốn đã tăng vọt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây để đáp trả. 

Lạm phát ở Philippines đã tăng nhanh khi trong tháng 6/2022 lãi suất tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi ở Thái Lan, giá tiêu dùng đã tăng 7,66% so với cùng kỳ năm ngoái, và là tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2008. 

Lãi suất tăng ở Mỹ cũng đang thúc đẩy đồng USD tăng giá, làm suy yếu các đồng tiền của các nước châu Á và đẩy chi phí nhập khẩu lên cao. Một số quốc gia cũng đang phải chịu áp lực ngày càng tăng từ vòng xoáy giá cả và tiền lương trong nước khi đại dịch COVID-19 có dấu hiệu lắng dịu và hoạt động gia tăng tại các nhà máy, cửa hàng và các điểm du lịch. 

Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã nâng dự báo lạm phát cho khu vực bao gồm 10 nền kinh tế thành viên ASEAN, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng trong ngắn hạn. Triển vọng phát triển "mềm" hơn phản ánh các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, cũng như ảnh hưởng của sự bùng nổ dịch COVID-19 của Trung Quốc và căng thẳng ở Ukraine. 

Một số quốc gia gặp phải vấn đề lạm phát lớn hơn khi các nhà đầu tư không thoải mái về các khoản nợ lớn làm ảnh hưởng đến đồng tiền của họ. Lạm phát trong tháng 6/2022 ở Pakistan tăng 21,32% so với cùng kỳ năm ngoái và ở Lào là mức 23,6%; trong khi ở Sri Lanka, con số này là 45,3% vào tháng 5/2022. 

Các dữ liệu cũng cho thấy lạm phát giá tiêu dùng ở Trung Quốc cũng tăng nhẹ trong tháng 6/2022, mặc dù áp lực giá cả ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không căng thẳng như nhiều nơi khác, phản ánh chi tiêu trong nước yếu và sự kiểm soát chặt chẽ các mức giá nhất định. Giá tiêu dùng ở Trung Quốc trong tháng 5/2022 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2021. 

Ông Lowe nói rằng mặc dù lạm phát ở Australia cao, nhưng không quá nóng như ở nhiều nước khác. RBA dự kiến lạm phát sẽ tăng lên 7% vào năm 2022, cao hơn nhiều so với biên độ mục tiêu từ 2% đến 3%. Trong khi các yếu tố toàn cầu là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp thấp, nhu cầu mạnh và tình trạng lũ lụt gần đây cũng gây áp lực lên giá cả. 

RBA đã cảnh báo về nguy cơ gia tăng của vòng xoáy giá-tiền lương theo kiểu những năm 1970 khi thị trường việc làm siêu thắt chặt thúc đẩy nhu cầu về tiền lương lớn hơn. 

Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm và các vị trí tuyển dụng đã tăng lên mức gần như chỉ có một vị trí tuyển dụng cho mỗi người tìm việc. 

Thị trường lao động thắt chặt dự kiến sẽ tạo ra tăng trưởng tiền lương cao hơn. Điều này sẽ gây thêm áp lực lạm phát./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục