Làm rõ quy định kê khai, nộp thuế thay với hoạt động khai thác tài sản đảm bảo

17:08' - 25/05/2022
BNEWS Quy định tổ chức chi trả các khoản thưởng, hỗ trợ doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền mặt theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP hiện nay không còn phù hợp.

Góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Bộ Tài chính về thuế, hóa đơn và chứng từ; đồng thời, trên cơ sở ý kiến phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nội dung dự thảo hiện tại sẽ tác động rất lớn đến rất nhiều doanh nghiệp; đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính.

 

Cùng với nhiều góp ý khác, lần này, VCCI phản ánh ý kiến từ các doanh nghiệp cho rằng, quy định tổ chức chi trả các khoản thưởng, hỗ trợ doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền mặt theo như Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ hiện nay là không còn phù hợp. Vì tại thời điểm chi trả thu nhập, doanh nghiệp chưa có căn cứ xác định xem cá nhân đó có thuộc diện phải khấu trừ thuế hay không (là những người đạt mức doanh thu 100 triệu đồng/năm).

Việc này tạo ra gánh nặng chi phí và vận hành rất lớn cho doanh nghiệp trong quá trình theo dõi, đôn đốc, thu hồi các khoản thuế thu hộ. Mặt khác, trong một số trường hợp, các hộ, cá nhân kinh doanh đã tự thực hiện nộp thuế với các doanh thu phát sinh từ việc bán hàng, nên việc tách riêng trách nhiệm nộp thuế với các khoản thưởng, hỗ trợ… giao cho doanh nghiệp là chưa hợp lý, tăng thêm đầu mối kê khai và tạo gánh nặng hành chính không hợp lý lên doanh nghiệp. Từ đó, VCCI nhận thấy, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc sửa đổi vấn đề này cho phù hợp.

Hay như việc điều chỉnh hoá đơn trong trường hợp đặc thù, Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ hiện chỉ có quy định về điều chỉnh hoá đơn trong trường hợp có sai sót. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, thực tế còn có một số trường hợp đặc thù cần điều chỉnh hoá đơn; chẳng hạn như, hoàn phí dịch vụ khi đạt được một số tiêu chí nhất định.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải hạch toán giảm doanh thu đối với phần phí giảm cho khách hàng và xuất hoá đơn tương ứng để phản ánh việc giảm thu nhập của ngân hàng và giảm chi phí của khách hàng. Tuy nhiên, Nghị định chưa có quy định xử lý vấn đề này. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định xử lý trường hợp này.

Riêng vấn đề về bảo mật thông tin, theo quan điểm của VCCI, dữ liệu được coi là tài sản quý giá nhất với doanh nghiệp; đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng kinh tế số như các sàn thương mại điện tử. Việc bảo mật các thông tin, dữ liệu được doanh nghiệp rất coi trọng và là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Việc lộ, lọt thông tin sẽ gây tổn thất lớn với các sàn, đặc biệt nếu trường hợp các đối thủ khác có thể nắm được các dữ liệu này.

Do vậy, bất kể thực hiện kê khai, nộp thuế thay hay cung cấp thông tin ra bên ngoài, các doanh nghiệp lo lắng hai vấn đề như sau: cơ chế bảo mật thông tin chống lại sự tấn công từ bên ngoài (như hacker) hay cơ chế quản lý dữ liệu nội bộ để tránh việc đánh cắp thông tin từ bên trong.

Từ lập luận đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung quy định về cơ chế xác định lỗi khi phát hiện trường hợp lộ, lọt dữ liệu. Theo đó, tìm hiểu dữ liệu được truyền qua nhiều bên, từ doanh nghiệp đến Tổng cục Thuế rồi chuyển về các cơ quan thuế địa phương như thế nào. Trong quá trình đó, dữ liệu có thể bị lộ, lọt ở bất kỳ khâu nào (kể cả từ phía doanh nghiệp)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục