VCCI kiến nghị điều chỉnh dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm

15:31' - 11/05/2022
BNEWS Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm thông báo khi thay đổi Điều lệ sẽ gia tăng gánh nặng thủ tục hành chính đi ngược lại với định hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Phản hồi đề nghị của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về việc góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm; đồng thời, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm như nội dung dự thảo là phải “có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài giải thích đầy đủ và hiểu rõ” là nội dung nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp nhất. Theo đó, quy định này có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các bên và thủ tục phiền hà khi giao kết hợp đồng.

Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm, trong phần thời gian cân nhắc việc tiếp tục tham gia hợp đồng, dự thảo quy định, trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, người mua có thể có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trong khoảng thời gian này, người mua có thể tìm hiểu kỹ các nội dung hợp đồng; trong đó, có các điều khoản về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và có quyền tiếp tục hoặc từ chối tham gia bảo hiểm hay doanh nghiệp bảo hiểm phải có nghĩa vụ “giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm”. Do đó, VCCI cho rằng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bỏ quy định phải có bằng chứng xác nhận việc này.

Dự thảo cũng quy định, khi thay đổi điều lệ của doanh nghiệp hay quy chế hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp phải thông báo cho Bộ Tài chính.

Việc yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo khi thay đổi Điều lệ sẽ chỉ làm gia tăng gánh nặng về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, đi ngược lại với định hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính của Việt Nam và cũng không thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp. Điều lệ của doanh nghiệp là văn bản ghi nhận các nguyên tắc tạo lập, hoạt động và giải thể của một doanh nghiệp; trong đó, có nhiều quy định mang tính chất quản lý nội bộ của doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp hiện hành đang cho phép các doanh nghiệp được tự chủ trong việc sửa đổi Điều lệ mà không cần phải đăng ký/thông báo, trừ trường hợp thay đổi chủ sở hữu. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, các thay đổi quan trọng đã phải thực hiện các thủ tục xin phê duyệt từ Bộ Tài chính, do đó, việc yêu cầu thông báo trước khi thay đổi Điều lệ là không thực sự cần thiết. Vì thế, VCCI đề nghị bỏ quy định này để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Nội dung nhận được phần lớn ý kiến góp ý của doanh nghiệp là quy định doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần phải thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ. Các doanh nghiệp cho rằng việc yêu cầu doanh nghiệp phải thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ là chưa hợp lý.

Vì kiểm toán nội bộ chỉ phục vụ cho mục đích quản lý Nhà nước là chủ yếu, trong khi, hoạt động này có thể được thực hiện bởi bộ phận kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp hay bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty mẹ hay tập đoàn (đối với các doanh nghiệp có công ty mẹ là các tập đoàn bảo hiểm) hay được thực hiện bởi các bên cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ chuyên nghiệp bên ngoài.

Thêm nữa, quy định này sẽ khiến gia tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp: doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không tận dụng được các nhân lực có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm trong lỉnh vực kiểm toán nội bộ của tập đoàn. Ngược lại, phải phát sinh thêm chi phí để duy trì một bộ phận kiểm toán nội bộ riêng tại doanh nghiệp. Ngay cả việc một công ty bảo hiểm được kiểm toán nội bộ bởi các chuyên gia đến từ các công ty khác trong cùng tập đoàn hoặc các công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ chuyên nghiệp cũng là cách thức để đạt được sự độc lập. Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cân nhắc bỏ quy định nói trên; đồng thời, cho phép thuê ngoài kiểm toán nội bộ.

Về quản trị rủi ro, dự thảo yêu cầu hệ thống quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài cần “có khả năng xác định và lượng hóa rủi ro phù hợp với tính chất, phạm vi và mức độ phức tạp của rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh, các tác động đến vốn, an toàn hoạt động và an toàn tài chính”.

Theo ý kiến các doanh nghiệp, giới hạn rủi ro có thể xác định theo phương pháp định lượng hoặc định tính (cao, trung bình, thấp), tùy thuộc vào từng loại rủi ro và khả năng thu thập dữ liệu để đánh giá cho từng loại rủi ro. Một số loại rủi ro như rủi ro tuân thủ, rủi ro danh tiếng, rủi ro hoạt động rất khó có thể lượng hóa được các ảnh hưởng, tác động của rủi ro đến vốn, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như rủi ro tín dụng hay rủi ro thị trường.

Chính vì vậy, VCCI đề nghị sửa đổi quy định trên theo hướng: “Có khả năng xác định và đánh giá mức độ rủi ro phù hợp với tính chất, phạm vi và mức độ phức tạp của các rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh, các tác động đến vốn, an toàn hoạt động và an toàn tài chính và các tác động khác tới hoạt động kinh doanh”.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục