Làm sao để doanh nghiệp dễ tiếp cận chính sách hỗ trợ ứng phó với dịch COVID-19?

16:38' - 20/03/2021
BNEWS Các chính sách hỗ trợ và cắt giảm các thủ tục hành chính cần hướng tới việc đơn giản hoá các tiêu chí, điều kiện tiếp cận; đồng thời đảm bảo công bằng giữa các đối tượng trong diện được hỗ trợ.

Tại cuộc đối thoại “Tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua COVID-19” được tổ chức sáng ngày 18/3 tại Vĩnh Phúc, tổng hợp ý kiến từ đại diện các bộ, ngành và địa phương cùng các hiệp hội doanh nghiệp ở một số lĩnh vực, ngành nghề đều kiến nghị cần nhanh chóng và khẩn cấp triển khai gói cứu trợ thứ 2 hay còn gọi là gói kích thích kinh tế lần thứ 2 để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trụ vững và vượt qua khó khăn trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Các chính sách hỗ trợ và cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính cũng nên hướng tới việc đơn giản hoá các tiêu chí, điều kiện tiếp cận; đồng thời đảm bảo công bằng giữa các đối tượng trong diện được hỗ trợ.

 



Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong xu hướng chung của toàn cầu về suy giảm kinh tế do đại dịch COVID-19, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 đạt mức thấp nhất, chưa bằng một nửa so với những năm trước đây và đã có hơn 100 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục.

Để khắc phục hậu quả từ dịch COVID-19, nhiều chính sách đã được ban hành, với các gói hỗ trợ lớn bao gồm: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng; chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng. Chính phủ cũng đẩy mạnh các chương trình giải ngân vốn đầu tư công, tạo cú hích cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% Thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020. Có thể nói đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam.

Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh COVID-19 được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất là các chính sách tài khoá như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng. Ông Phòng cho biết, kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Chính sách cho vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.

Phản ánh những vấn đề bất cập trong tiếp cận chính sách ở địa phương, bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, các cơ chế, chính sách của Chính phủ là kịp thời, tích cực, quyết liệt nhưng số lượng doanh nghiệp được hưởng lợi từ các chính sách rất hạn chế, mức độ hưởng lợi cũng rất khiêm tốn. Nhiều ý kiến từ doanh nghiệp phản ánh: Chủ trương đến sớm, tích cực, quyết liệt nhưng việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách có tâm lý sợ sai, tâm lý giữ an toàn của đội ngũ công chức, viên chức khiến chính sách không tới được doanh nghiệp và người lao động trong doanh nghiệp.

Đối với việc hỗ trợ người lao động, bà Thủy cho hay, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện đi kèm như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp…còn quá chặt chẽ, có phần thiếu thực tế nên rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được để có nguồn tài chính hỗ trợ từ phía Nhà nước. Các văn bản sửa đổi và hướng dẫn chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện đảm bảo để nhận hỗ trợ.

Về tài chính ngân hàng, mặc dù có nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính, tín dụng song chưa đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp nhất là trong lúc khó khăn do đại dịch. Thời gian cơ cấu các khoản vay ngắn, các gói vay mới có nhiều điều kiện khó tiếp cận, bà Thủy nói thêm.
Từ thực tiễn, bà Vũ Thị An, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A nhấn mạnh, doanh nghiệp không hy vọng nhiều ở các gói hỗ trợ khổng lồ như các nước, nhưng mong nhất Chính phủ, các bộ, ngành hãy “thương thật” doanh nghiệp. “Thương thật” doanh nghiệp thông qua việc rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính để doanh nghiệp hiểu các chính sách và làm ngay thay vì kéo dài 5-7 tháng.

Đánh giá cao gói hỗ trợ tài khóa đã đi nhanh vào cuộc sống, song bà An cho rằng,  gói hỗ trợ vẫn khiêm tốn, chủ yếu mang tính tâm lý vì giãn thuế thì sau đó doanh nghiệp vẫn phải nộp. Nhìn sang nước bạn, doanh nghiệp thấy tủi thân vì các gói hỗ trợ khổng lồ của họ. Nhưng, doanh nghiệp cảm thông về sự giới hạn trong chính sách hỗ trợ do quốc gia còn nghèo, thu không đủ chi. Với hiệu quả mang lại còn nhỏ bé nên các doanh nghiệp vẫn phải tự lèo lái đến thời điểm này. Để trả lương cho người lao động, có doanh nghiệp còn phải phải bán xe, bán nhà để giữ vững sự ổn định và duy trì sự an toàn cho doanh nghiệp. 

“Năm 2020, doanh nghiệp vẫn trụ được vì còn “có thóc giống để ăn” nhưng “năm 2021, 2022 còn đâu để bỏ”, bà An chia sẻ. Các gói giải pháp hỗ trợ cần phải được tiếp tục; đặc biệt là các chính sách thuế phải thiết thực hơn. Bởi lẽ, trong dịch bệnh, không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng nặng nề; kể cả các doanh nghiệp lớn cũng tương tự.   

Cũng theo bà An, trong dịch COVID-19 vừa qua và hiện nay, nên có sự phân loại, doanh nghiệp nào ảnh hưởng nhiều nhất thì cần có chính sách phù hợp, thiết thực hơn, ví dụ như dệt may, hàng không, du lịch.... Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch nhưng cũng có số ít doanh nghiệp được hưởng như doanh nghiệp về công nghệ thông tin, sàn giao dịch trực tuyến…

Bà An mong đợi, các cấp, ngành và Chính phủ cần phải tin tưởng doanh nghiệp và thông qua những hàng động cụ thể. Ví dụ như trong 5 năm tới, hạn chế tối đa việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để họ tập trung kinh doanh. “Chủ doanh nghiệp làm ăn vất vả nhưng nếu bị kiểm tra họ cũng sẽ mất rất nhiều thời gian để lo báo cáo”.

Theo khảo sát của VCCI, có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất là may mặc (97% doanh nghiệp), thông tin, truyền thông (96% doanh nghiệp)… Kết quả khảo sát các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cũng ghi nhận 87,9% chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 35% doanh nghiệp tư nhân trong nước, 22% doanh nghiệp FDI cho biết phải sa thải lao động do tình hình kinh doanh suy giảm. Số lao động buộc phải nghỉ việc xấp xỉ 30% tổng số lao động làm việc. Doanh nghiệp ở hầu hết các địa phương đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cao nhất là tại các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung./.
 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục