Làm sao để hỗ trợ tăng nguồn lực cho doanh nghiệp, kích cầu nội địa?

12:27' - 16/06/2020
BNEWS Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về định hướng chính sách là phù hợp: giảm lãi vay và thuế phí, tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp… nhưng đây là những giải pháp manh mún, nhỏ, dàn trải.

Để sớm phục hồi nền kinh tế, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng mong muốn, Quốc hội sớm quyết định về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh mà Chính phủ đã đề xuất.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về định hướng chính sách là phù hợp: giảm lãi vay và thuế phí, tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh, tăng cầu nội địa… nhưng đây là những giải pháp manh mún, nhỏ, dàn trải.

Trên thực tế, mức độ doanh nghiệp được hưởng lợi không đáng kể. Chẳng hạn với giảm thuế, chỉ doanh nghiệp vẫn còn doanh thu để nộp thuế mới được hưởng lợi chính sách gia hạn nộp thuế, còn những doanh nghiệp khó khăn đến mức không có doanh thu thì “chính sách gia hạn thuế hay miễn thuế cũng không có ý nghĩa”, ông Cung nói.

Bên cạnh đó, có những chính sách xét về đạo lý là rất tốt, xét về nguyên tắc là chặt chẽ để tránh trục lợi, nhưng những điều kiện để hưởng chính sách được đưa ra vừa không mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp lại tác dụng ngược.

Đơn cử như điều kiện hỗ trợ cho những doanh nghiệp có 50% số lao động nghỉ việc, doanh nghiệp bị tổn hại 50% tài sản... thì khi doanh nghiệp ở tình trạng này coi như đã phá sản.

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, mục đích của chúng ta là hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, không để lao động mất việc, nhưng với điều kiện này, doanh nghiệp có thể cho lao động nghỉ nhiều hơn để hưởng lợi chính sách.

Hơn nữa, việc xác định thiệt hại cũng mất nhiều thời gian và thủ tục, trong khi doanh nghiệp cần hỗ trợ ngay để sớm phục hồi.

Ví dụ ngay như việc gia hạn thuế cũng chỉ trong 5 tháng, đến cuối năm doanh nghiệp vẫn phải nộp những khoản nợ này trong khi tình hình đang rất khó khăn và dự báo tới đây chuyện sản xuất, kinh doanh còn khó khăn hơn nữa.

Để sản xuất kinh doanh và nền kinh tế sớm phục hồi, ông Cung cũng mong muốn có thêm các giải pháp để giảm gánh nặng thuế phí và các khoản phải nộp của năm 2020, như: gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, áp dụng đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3/2020; giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020, miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất, kinh doanh trong năm 2020...

Cùng với đó, Quốc hội sớm đưa ra các chỉ tiêu vĩ mô quan trọng để Chính phủ theo đó mà điều hành. Đơn cử như: Quốc hội cho phép bội chi ngân sách là bao nhiêu thì Chính phủ mới xác định được có thể chấp nhận giảm thu ở mức nào để đưa ra chính sách giãn giảm thuế phí ra sao...

Chuyên gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng này cũng cho rằng, cần có thêm các giải pháp tăng nguồn lực cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh, tăng cầu nội địa.

Trong Nghị quyết 84, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020... nhưng những giải pháp này mới là đề xuất của Chính phủ, vượt thẩm quyền của Chính phủ, nên phải chờ Quốc hội cho quyết định.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục