Cử tri quan tâm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch

20:16' - 13/06/2020
BNEWS Cử tri tại hai thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều bày tỏ vui mừng trước thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng như vai trò điều hành của Chính phủ.

Chiều 13/6, theo dõi Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV với phiên thảo luận ở hội trường về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, cử tri tại hai thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều bày tỏ vui mừng trước thành công của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như vai trò điều hành chủ động, quyết liệt, sáng tạo và linh hoạt của Chính phủ nhằm khôi phục phát triển kinh tế sau dịch bệnh.

*Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch

Quan tâm đến các giải pháp phục hồi, vực dậy doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần SHINEC Phạm Hồng Điệp cho rằng sự tàn phá của đại dịch là vô cùng khốc liệt; sẽ có những cơn sóng lớn gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế thành phố Hải Phòng nói riêng.

Bởi vậy, lúc này, các doanh nghiệp cần sự sẻ chia, đồng cảm trên cơ sở luật pháp; lời động viên kịp thời từ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp chính quyền tạo động lực cho giới doanh nhân an tâm sáng tạo lao động sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội và cống hiến xây dựng Việt Nam ngày một giàu mạnh.

Theo ông Phạm Hồng Điệp, gói kích thích kinh tế lớn nhất lúc này là giải quyết sự thiếu đồng bộ của luật pháp, sự chồng chéo trong các văn bản hướng dẫn; từ đó giảm thiểu được các thủ tục rào cản, giải quyết triệt để vướng mắc nhằm nuôi dưỡng, phát triển doanh nghiệp đứng vững, vượt qua sự suy thoái kinh tế toàn cầu sau dịch. Cùng đó, doanh nhân này đề nghị Quốc hội, Chính phủ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ, kích cầu giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh.

Cho rằng cuộc thảo luận của Quốc hội sáng nay khá sôi nổi, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ra những vấn đề nóng liên quan đến phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và địa phương, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lữ hành quốc tế Vietnam Travel Mart), đặc biệt quan tâm gói hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch COVID-19 của Chính phủ.

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và cũng là doanh nghiệp du lịch, ông Cao Trí Dũng nêu ý kiến: Hiện các doanh nghiệp du lịch đã nhận một số gói hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, gói hỗ trợ còn được triển khai chậm; một vài doanh nghiệp du lịch khó tiếp cận các gói hỗ trợ để tồn tại.

Nếu các gói giải cứu của Chính phủ không kịp thời đến với doanh nghiệp thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, có nguy cơ phá sản cao. Việc phục hồi du lịch nội địa chưa đủ để doanh nghiệp bù đắp kinh phí, mở cửa trở lại. Cụ thể, các địa phương thực hiện kích cầu du lịch đồng loạt chỉ là giải pháp tạm thời, tạo luồng khách ban đầu, bù đắp một số chi phí biến đổi, còn một số chi phí cố định như lãi vay, khấu hao… doanh nghiệp vẫn phải tự lực.

Trước tình hình này, ông Cao Trí Dũng đề nghị với Chính phủ, Quốc hội tiếp tục đưa ra các gói hỗ trợ hồi phục doanh nghiệp như hỗ trợ làm sản phẩm, hỗ trợ các chi phí xúc tiến quảng bá, hỗ trợ về thuế, giảm giá vé điểm đến... Bên cạnh đó, ông mong muốn Chính phủ có giải pháp dần mở cửa các tuyến bay quốc tế với các quốc gia, lãnh thổ đã kiểm soát được dịch để tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, thúc đẩy phát triển du lịch.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Văn Kháng cho rằng các địa phương, các ngân hàng cần xem xét và sớm hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra trên nền tảng công nghệ.

Cụ thể, các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, đang hoạt động, hàng tháng kê khai nộp thuế, đóng góp cho Nhà nước thì địa phương xem xét “tự động” hỗ trợ miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh theo tỉ lệ quy định chung tại cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc điện, nước chứ không nên để doanh nghiệp thực hiện kê khai thiệt hại rồi xin hỗ trợ.

Việc kê khai, đề nghị hỗ trợ thiệt hại để cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ dễ hình thành cơ chế “xin-cho” không minh bạch, không đúng chỗ, tạo cơ hội cho tiêu cực dẫn đến mất cán bộ, thiệt hại ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, việc thực hiện thêm công đoạn trên sẽ tốn kém thời gian, phiền hà trong khi doanh nghiệp cần được hỗ trợ sớm để phục hồi sản xuất, tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Các ngân hàng thương mại, cần mở rộng thời gian giảm lãi suất, khoanh, giãn nợ đối với các khoản vay trước và cả sau thời điểm dịch COVID-19. Thực tế, nhiều doanh nghiệp vay tiền cho các đơn hàng xuất, bán vào những tháng 1-4/2020, nhưng dịch COVID-19 xảy ra đã không xuất, bán được. Đồng thời, sau thời gian dài dừng, giãn sản xuất do dịch bệnh, doanh nghiệp cần vốn vay để sản xuất, thời điểm này “sức khỏe” doanh nghiệp đã giảm sút nên rất cần ngân hàng hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi.    

*Cần có các chương trình hành động đồng bộ, lâu dài, khả thi 

Quan tâm đến hai vấn đề là bảo đảm an ninh nguồn nước và kinh phí đầu tư khoa học công nghệ, Giáo sư Bùi Văn Ga, công tác tại Đại học Đà Nẵng nêu ý kiến: Nguồn nước là nguồn tài nguyên càng ngày càng trở nên quý hiếm. Trong tương lai gần thì nguồn nước sẽ vấn đề được quan tâm nhiều trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cho nên mỗi quốc gia phải có chiến lược an ninh nguồn nước.

Đối với nước ta có dãy Trường Sơn quá dốc nên khi mưa xuống, nước chảy ra biển khó giữ được nguồn nước ngọt. Vì vậy, cần có các biện pháp kịp thời như xây các đập để giữ nước ngọt, hạn chế tránh xâm nhập mặn; quản lý nguồn nước tránh bị thất thoát; có phương pháp lọc lại nước để tái sử dụng, đặc biệt trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.

Liên quan đến kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ, Giáo sư Bùi Văn Ga cho rằng, những năm gần đây, Nhà nước đã quan tâm đến phát triển khoa học - công nghệ, tuy nhiên kinh phí đầu tư của Nhà nước chưa đủ lớn để thực hiện các đề tài khoa học công nghệ lớn. Vì vậy, với nguồn kinh phí khiêm tốn, Nhà nước cần tập trung đầu tư vào những ngành công nghiệp mũi nhọn, đầu tư vào tập thể, các nhóm nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu bởi việc đầu tư dàn trải sẽ khó đảm bảo nghiên cứu hiệu quả.

Theo Giáo sư Bùi Văn Ga, Nhà nước cần có cách thức tiếp cận các xu thế mới, cách làm mới, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, sau dịch COVID-19, phương thức làm việc cũng đã thay đổi, các lĩnh vực nghiên cứu khoa học - công nghệ không nhất thiết phải đi theo lối truyền thống, nhà khoa học có thể nghiên cứu qua mạng, liên kết với các nhà khoa học trên thế giới để tiếp cận các hướng nghiên cứu, điều này sẽ giảm kinh phí đầu tư máy móc, trang thiết bị.

Ngoài ra, cần huy động nguồn lực doanh nghiệp để nghiên cứu khoa học, bởi chính họ là người mà sử dụng các thành quả nghiên cứu, nếu họ có trách nhiệm, họ sẽ đầu tư bổ sung, như vậy chúng ta sẽ có đủ nguồn lực lớn để thực hiện nghiên cứu khoa học hiệu quả.

Đặc biệt quan tâm đến tình trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm không bảo đảm an toàn có xu hướng gia tăng, cử tri Đoàn Thị Tiến, thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng) cho rằng việc này vừa ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của nhân dân, vừa tạo tâm lý bất an trong xã hội...

Cử tri mong muốn Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp cần có các chương trình hành động đồng bộ, lâu dài, khả thi để tạo sự thay đổi căn bản trong nhận thức và ý thức trách nhiệm xã hội của các hộ, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm; đồng thời hỗ trợ và khuyến khích việc áp dụng khoa học - kỹ thuật và các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập cho người nông dân.

Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, để thực phẩm không an toàn không còn là nỗi lo hằng ngày của người dân.

Bà Đoàn Thị Tiến cũng như cử tri thành phố Hải Phòng lo lắng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng; một số mặt hàng nhập lậu, trốn thuế, hàng không rõ nguồn gốc xuất hiện trên thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng. Bà Đoàn Thị Tiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, các địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh vi phạm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục