Làm sao để hợp tác xã phát triển và hoạt động hiệu quả?

19:46' - 18/04/2019
BNEWS Hợp tác xã Việt Nam đang tập trung phát triển theo hướng mở rộng quy mô, đa dạng trong các lĩnh vực, khai thác tối đa thế mạnh... tạo nên chuỗi liên kết không chỉ trong nước mà còn ở ngoài nước.
Diễn đàn Pháp lý Liên minh Hợp tác xã quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN

Ngày 18/4, tại Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn đàn Pháp lý Liên minh Hợp tác xã quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ tổ chức với sự tham gia đông đảo của các đại biểu trong nước và quốc tế.
Chia sẻ về thực trạng phát triển kinh tế hợp tác trong nước, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ cho biết, Việt Nam hiện có 22.456 hợp tác xã; trong đó, có 13.712 hợp tác xã nông nghiệp, với 50% hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 đến 2.500 hợp tác xã ra đời với tốc độ, quy mô ngày càng lớn. Dự báo năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 60.000 hợp tác xã, 30.000 tổ hợp tác với 20 triệu thành viên.
Theo ông Lê Thành, vấn đề nguồn lực của hợp tác xã đang còn nhiều bất cập và hạn chế. Cụ thể là những vướng mắc về chính sách vay vốn và sự khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Không tiếp cận được các nguồn vốn lớn phục vụ tái cấu trúc cây trồng, vật nuôi, dẫn đến việc các hợp tác xã hoạt động thiếu đột phá và hiệu quả không cao.

Thiếu vốn cũng khiến cho hoạt động logistic của các hợp tác xã còn bị bỏ ngỏ. Từ việc cung ứng đầu vào, lưu kho, xử lý và bảo quản sau thu hoạch đến việc vận chuyển sản phẩm đến tay khách hàng đều không chủ động và hoàn toàn phụ thuộc vào các đối tác nhỏ lẻ, không đảm bảo sự ổn định đầu vào lẫn đầu ra trong quá trình sản xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết thêm, sự phát triển của kinh tế hợp tác là xu thế tất yếu hiện nay. Hợp tác xã Việt Nam đang tập trung phát triển theo hướng mở rộng quy mô, đa dạng trong các lĩnh vực, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tạo nên chuỗi liên kết không chỉ trong nước mà còn ở ngoài nước.
Để đáp ứng những hướng phát triển này cần hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện cho các hợp tác xã Việt Nam liên kết với các hợp tác xã trong khu vực và thế giới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm chủ lực của hợp tác xã.
Chia sẻ về hoạt động của hợp tác xã Nhật Bản, ông Osamu Nakano, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Liên hiệp Hợp tác xã công nhân Nhật Bản cho biết, tại Nhật Bản, hợp tác xã trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp có nguyên tắc chính là tạo việc làm cho thành viên hoặc hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hợp tác xã tạo việc làm là phương thức làm việc hợp tác và đoàn kết, thông qua đó tạo việc làm cần thiết cho mọi người và cộng đồng địa phương. Đối với cộng đồng địa phương, hợp tác xã tạo việc làm theo hướng đặt giá trị lớn nhất về nhân phẩm con người, việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp, giúp cộng đồng địa phương không có ai bị bỏ rơi và tách biệt bằng cách hợp tác chặt chẽ với người dân địa phương.
Về khung pháp lý hợp tác xã, bà Ann Apps, Trường Đại học Newcastle, Australia cho biết, hợp tác xã nông nghiệp trở nên vững mạnh vào thế kỷ 20 và tiếp tục tăng trưởng cho đến cuối thập niên 1980. Các loại hình hợp tác xã mới bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ 21 với nền tảng kỹ thuật số, dịch vụ công, tổ chức tương hỗ và hợp tác xã công nhân.

Từ đó, một luật hợp nhất được hầu hết các bang và địa hạt tại Australia đã được thông qua với tên gọi là Luật Hợp tác xã quốc gia, phù hợp và bao trùm cho toàn bộ các loại hình hợp tác xã ở cả lĩnh vực về nhân công, tiêu dùng, nông nghiệp và dịch vụ.
Sri Lanka cũng là một trong những quốc gia có khung pháp lý thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hợp tác xã. Ông Lebbe Naseer, Cục trưởng Cục Đăng ký và Phát triển Hợp tác xã Sri Lanka cho biết, chính sách và Luật Hợp tác xã cần hỗ trợ vai trò bao trùm của các hợp tác xã trong sự phát triển kinh tế và xã hội trong nền kinh tế toàn cầu hóa.

Một mặt, các hợp tác xã không thể bị tách rời khỏi các triết lý chính trị, hệ thống quản trị và các chính sách kinh tế của một quốc gia nhất định; mặt khác, hệ thống hợp tác được điều chỉnh bởi các nguyên tắc và giá trị được quốc tế chấp nhận.
Luật Hợp tác xã của Sri Lanka đã kết hợp các yếu tố về lợi ích của thành viên và luật thương mại trong các quan hệ với doanh nghiệp. Luật Hợp tác xã ở Sri Lanka được quy định bởi một cơ quan, đó là Ủy viên Hội đồng Phát triển Hợp tác xã và Cơ quan đăng ký của các Hợp tác xã.

Có những quy định trong luật bắt buộc các thành viên phải giao dịch và có sự tham gia tích cực vào hoạt động của hợp tác xã. Luật cũng được xây dựng theo hướng thành viên liên kết tạo cơ hội hợp tác với những người không phải là thành viên cũng như các công ty tư nhân và các cơ quan Chính phủ.
Phần lớn các đại biểu tham gia diễn đàn đều cho rằng, hợp tác xã cần có những giải pháp phát triển toàn diện, thúc đẩy hệ thống sản xuất lương thực bền vững, tạo ra nhiều việc làm, phát triển kinh doanh theo mô hình hợp tác xã.

Các quốc gia cần xác định vấn đề pháp lý và quy định về hợp tác xã trong thế kỳ 21, nhất là vấn đề khung pháp lý trong hoạt động, quyền lợi của các thành viên cũng như việc tiếp cận tín dụng tài chính ở cấp vĩ mô theo khu vực và quốc tế./.
Xem thêm:

>>Hội chợ Xúc tiến thương mại hợp tác xã năm 2019 có quy mô 350 gian hàng

>>Động lực khuyến tài cho khu vực hợp tác xã

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục