Làm sao để ứng dụng công nghiệp 4.0 vào hoạt động doanh nghiệp?

14:59' - 03/10/2018
BNEWS Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi và hiểu đúng về quản trị trong thời đại Công nghiệp 4.0, ngày 3/10 Hội Nữ Doanh nhân Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức “Diễn đàn công nghiệp 4.0: Ứng dụng để tăng tốc”.
Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghiệp 4.0 vào hoạt động doanh nghiệp. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Tại diễn đàn, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế, đưa ra lời giải cho những bài toán cụ thể trong sản xuất, kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp. Đặc biệt, tập trung vào những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cố hữu nhưng chưa thể thích ứng công nghệ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công ty khởi nghiệp, những đối tượng có đầy đủ nội lực, sẽ phát triển rất mạnh cùng xu thế chuyển đổi toàn cầu.
Ngoài ra, những mô hình quản lý áp dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain), công nghệ tự động trong dây chuyền sản xuất kinh doanh và chuỗi phân phối, truyền thông kỹ thuật số, góc nhìn của người khởi nghiệp, chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư… cũng được giới thiệu tại diễn đàn. Qua đó, giúp kết nối các doanh nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước và quốc tế, các chuyên gia trong ngành/lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain… để có hướng đi phù hợp.
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân Tp. Hồ Chí Minh (HAWEE) cho biết, kinh tế thế giới đang thay đổi nhanh chóng vì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số, trong đó có Việt Nam. Công nghiệp 4.0 diễn ra ở tất cả mọi lĩnh vực và tạo sự đột phá cho doanh nghiệp. Trước xu hướng tất yếu này, doanh nhân, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội và chuyển mình để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có khả năng cạnh tranh cả về chất lượng lẫn giá cả.
Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, các doanh nhân, doanh nghiệp cần sẵn sàng chứ không phải là ở giai đoạn chuẩn bị cho sự chuyển đổi và ứng dụng công nghiệp 4.0, công nghệ số. Đồng thời, cần tìm ra công cụ để áp dụng một cách hiệu quả vào doanh nghiệp của mình để mở rộng, phát triển các mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận, nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong bối cảnh cạnh tranh thị trường thương mại tự do, ông Nguyễn Đức Thuấn - Giám đốc điều hành Thai Binh Shoes Group cho hay, doanh nghiệp này đã ứng dụng công nghệ quản trị tích hợp từ tiếp cận thông tin đến xác định giá thành sản phẩm. Công nghiệp 4.0 không khó, có 4 yếu tố cơ bản là đường truyền kết nối, cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây.
Qua kinh nghiệm 5 năm thực tế triển khai ứng dụng công nghệ tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Thuấn khuyến nghị các doanh nhân, doanh nghiệp cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu; trong đó, doanh nhân, doanh nghiệp cần định hình mình ở vị trí nào trong chuỗi giá trị ngành. Trên cơ sở đó, doanh nhân, doanh nghiệp tối ưu hóa nguyên vật liệu, nguồn lao động… trong quản trị công ty và hoạt động sản xuất.
Còn đánh giá về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bà Tô Hồng Trang - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới số - Digiworld cho rằng, vấn đề đưa khoa học quản trị doanh nghiệp vào các công ty là rất quan trọng, giúp đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn. Đặc biệt, các ứng dụng công nghệ giúp doanh nhân, doanh nghiệp tương tác với khách hàng hiệu quả hơn và kết quả đo được là sự nhảy vọt về doanh số.
Mặt khác, khi áp dụng khoa học quản trị doanh nghiệp, thì giúp các công ty quản lý được rủi ro, dòng vốn…; trong đó, mọi hoạt động của doanh nghiệp có thể được vận hành xuyên suốt mọi lúc, mọi nơi và xác minh thông tin kịp thời. Từ đó, Ban lãnh đạo công ty có thể hoạch định chiến lược và đưa ra những quyết định chính xác.
Công nghiệp 4.0 đòi hỏi sự khác biệt so với trước đây, nên tư duy lãnh đạo cũng phải thay đổi để phù hợp với môi trường mới, nhất là sử dụng công nghệ mới nâng cao giá trị sản phẩm.

Để làm được điều này, ông Graham Kinder - Giám đốc điều hành Rivergold Capital Pty Ltd cho biết, các doanh nhân, doanh nghiệp phải tham vấn, trao đổi với đội ngũ của mình nhiều hơn, có tầm nhìn thích nghi và tốt hơn với nhu cầu của thị trường, khách hàng; đồng thời, không nên tạo áp lực cho nhân viên mà phải có sự cân đối để tạo hiệu quả trình chuyển đổi công nghiệp. 4.0 cũng như nắm bắt cơ hội tuyệt vời này.
Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực hướng đến xây dựng đội ngũ 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Đây là mục tiêu quan trọng nhưng song song đó doanh nghiệp Việt cần chuyển đổi công nghiệp 4.0, nhất là trong việc ứng dụng công nghệ, áp dụng cơ sở dữ liệu, đi từ đơn giản, từng bước.

Dù là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đều có thể tham gia vào công nghiệp 4.0, với từng bước đi sâu về quản trị năng suất lao động, giảm chi phí, quản trị giá thành một cách hợp lý nhất./.
Xem thêm:

>>Xu hướng chuyển đổi cơ cấu nhân lực trong Cách mạng công nghiệp 4.0

>> Sản xuất thông minh: Xu thế tất yếu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục