Lần đầu tiên có sách về đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài

18:36' - 31/05/2023
BNEWS Cuốn sách cung cấp những thông tin cần thiết để các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài.
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội Hữu nghị Việt Nam - Myanmar phối hợp với Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC) ra mắt cuốn sách "Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar". Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.

 
Cuốn sách cung cấp những thông tin cần thiết để các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các nước đang phát triển như Việt Nam; thực trạng đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong 24 năm qua (1999-2022); đồng thời, đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ về định hướng và giải pháp thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từ nay đến năm 2030.

Đặc biệt trong phần phụ lục, ngoài ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài, các tác giả đưa vào nội dung phân tích, đánh giá về môi trường đầu tư của một số quốc gia là đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam để độc giả tham khảo.

Ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Viên Nghiên cứu đầu tư quốc tế - Công ty TNHH (ISC), nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nhiều năm qua, cùng với việc đẩy mạnh mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam cũng đã cho phép các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, khai thác tài sản chiến lược, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

Cùng với đó, mở rộng quan hệ cộng đồng, ngoại giao nhân dân... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng; đồng thời, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng, hiệu quả vào nền kinh tế thế giới, chung tay với bạn bè quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng.

Tuy đã đạt được những thành công bước đầu khi một số tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam tạo được ấn tượng trên thị trường quốc tế, mang được lợi nhuận về nước, gây dựng được thương hiệu ở nước ngoài như: Viettel, TH, FPT, KN, Vinamilk, Nutifood... vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong cạnh tranh với các đối thủ quốc tế, thậm chí có doanh nghiệp phải trắng tay về nước.

Cuốn sách tập hợp các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ các tổ chức, đơn vị khác nhau trong nước. Trong điều kiện dữ liệu về đầu tư ra nước ngoài (OFDI) toàn cầu năm 2022 chưa được công bố chính thức bởi các tổ chức quốc tế có uy tín, dữ liệu về OFDI của Việt Nam còn bất cập và thiếu đầy đủ, các tác giả đã thu thập và sử dụng dữ liệu công bố chính thức bởi nhiều nguồn khác nhau như: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Báo cáo đầu tư thế giới của UNCTAD, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổng cục Thống kê, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và thông tin, số liệu khảo sát thực tế tại Myanmar. Các thông tin, dữ liệu được cấp nhật theo từng nội dung đến mức cao nhất có thể.

Để cung cấp cơ sở thực tiễn tin cậy cho các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đầu tư sang Myanmar khi điều kiện cho phép, Hội đồng biên soạn đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế, trao đổi với các cơ quan quản lý đầu tư của Myanmar để có được những nhận định, thông tin chuẩn xác nhất về môi trường đầu tư Myanmar, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, tiềm năng và cơ hội đầu tư tại quốc gia này. Do vậy, trong cuốn sách có nội dung chuyên sâu giới thiệu về môi trường đầu tư, tiềm năng và cơ hội đầu tư tại Myanmar để các doanh nghiệp Việt Nam tham khảo.

Theo ông Chu Công Phùng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Myanmar, Myanmar có rất nhiều tiềm năng và đang mở ra cơ hội lâu dài cho các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư, dù trước mắt còn có nhiều khó khăn, trở ngại nhất định.

Đánh giá cao công trình hợp tác giữa Hội hữu nghị việt Nam - Myanmar và ISC, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết, cuốn sách cho thấy sự dày công nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, cung cấp thông tin về đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài nói chung và tại Myanmar nói riêng.

Cuốn sách rất hữu ích cho các nhà quản lý và doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đang mong muốn đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Myanmar. Thông qua cuốn sách, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều thông tin bổ ích để từ đó có quyết định và bước đi đúng, trúng, hiệu quả, góp phần phát triển doanh nghiệp, kinh tế đất nước, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước.

Cuốn sách gồm 4 chương; trong đó, chương I - Hoạt động đầu tư ra nước ngoài trên thế giới; chương II - Thực trạng đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; chương III - Đầu tư trực tiếp của Việt Nam tại Myanmar; chương IV - Định hướng và giải pháp thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục