Làn sóng di cư mới và ảnh hưởng đối với các nền kinh tế phát triển

05:30' - 03/06/2023
BNEWS Có lý do để tin rằng lượng người nhập cư cao hiện nay sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, với các chính sách mở cửa cho lao động nước ngoài của các chính phủ là một yếu tố thúc đẩy xu hướng này.

Năm ngoái, 1,2 triệu người nhập cư vào Anh, con số nhiều nhất từ trước đến nay. Số người di cư ròng (số người nhập cư trừ người di cư ra khỏi đất nước) đến Australia hiện cao gấp đôi so với trước đại dịch COVID-19. Số liệu này của Tây Ban Nha gần đây cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại. Gần 1,4 triệu người dự kiến sẽ chuyển đến sinh sống ở Mỹ trong năm nay, nhiều hơn 30% so với trước đại dịch.

Trong năm 2022, lượng người di cư ròng đến Canada đã tăng hơn gấp đôi so với mức kỷ lục trước đó. Ở Đức, con số này thậm chí còn cao hơn cả trong “cuộc khủng hoảng di cư” năm 2015. Toàn bộ các nền kinh tế phát triển đang chứng kiến một đợt bùng nổ di cư chưa từng có. Số người sinh ra ở nước ngoài đang tăng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.

Điều này có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế toàn cầu? Cách đây không lâu, có vẻ như nhiều quốc gia giàu có đã kiên quyết phản đối tình trạng di cư ồ ạt. Vào năm 2016, người Anh đã bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và sau đó là người Mỹ bỏ phiếu cho cựu Tổng thống Donald Trump - cả hai sự kiện đều phản ánh quan điểm chống người di cư mạnh mẽ. Trong làn sóng chủ nghĩa dân túy toàn cầu diễn ra sau đó, các chính trị gia ở nhiều nơi, từ Australia đến Hungary, đều lên tiếng cam kết sẽ trấn áp dòng người di cư.

Sau đó, đại dịch COVID-19 bùng phát khiến các biên giới đều đóng cửa. Dòng người di cư sang các nước phát triển bắt đầu chậm lại hoặc thậm chí đảo ngược lại ở một số nơi, khi mọi người quyết định “hồi hương”. Từ năm 2019 đến 2021, dân số của Kuwait và Singapore, những quốc gia thường tiếp nhận nhiều người di cư, đã giảm 4%. Vào năm 2021, số người di cư rời Australia lần đầu tiên vượt quá số người nhập cư vào nước này kể từ những năm 1940.

Ở một số nền kinh tế, sự trở lại của người di cư mang lại cảm giác bình thường. Lực lượng lao động nước ngoài của Singapore gần đây đã trở lại mức trước đại dịch. Trong khi đó, ở những nơi khác, dòng người di cư mang lại sự thay đổi mạnh mẽ, ví dụ như tỉnh Newfoundland and Labrador - tỉnh nhỏ thứ hai của Canada tính theo dân số. Lượng người di cư ròng đến tỉnh này cao gấp hơn 20 lần so với mức trước đại dịch. St John's, thủ phủ của tỉnh từng khá vắng vẻ giờ đây đông đúc như Toronto. Heart’s Delight, một ngôi làng nhỏ giờ đây có một cửa hàng bánh mỳ Ukraine. Chính quyền tỉnh đang thành lập một văn phòng ở Bangalore (Ấn Độ) để giúp tuyển dụng y tá.

Newfoundland là mô hình thu nhỏ của những nền kinh tế phát triển khác. Hàng trăm người Ukraine đã đến hòn đảo này - một phần rất nhỏ trong số hàng triệu người đã rời khỏi đất nước kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ. Người Ấn Độ và Nigeria dường như cũng đang di cư với số lượng lớn, với nhiều người nói tiếng Anh lưu loát.

Một nguyên nhân khiến lượng người di cư tăng đột biến là tâm lý mong muốn bù đắp cho thời gian đã mất. Nhiều người đã có được thị thực vào năm 2020-2021, nhưng chỉ bắt đầu nhập cư sau khi các hạn chế về đại dịch được nới lỏng. 

Đáng chú ý, số người nước ngoài sinh ra tại các nước phát triển - ở mức hơn 100 triệu người - cao hơn rất nhiều so với trước khủng hoảng. Thể trạng của nền kinh tế sau đại dịch là một lý do quan trọng giải thích tình trạng này. Tỷ lệ thất nghiệp ở các nước giàu là 4,8%, mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Các ông chủ đang rất cần nhân viên, với số lượng vị trí tuyển dụng gần như cao nhất mọi thời đại. Do đó, những người từ nước ngoài có lý do chính đáng để di cư.

Bên cạnh đó, vấn đề tiền tệ có thể là một yếu tố khác. Một bảng Anh đổi được hơn 100 rupee Ấn Độ, so với mức 90 rupee vào năm 2019. Kể từ đầu năm 2021, đồng tiền của các thị trường mới nổi đã mất giá trung bình khoảng 4% so với đồng USD. Điều này giúp cho người di cư gửi nhiều tiền về nhà hơn trước.

Nhiều chính phủ cũng đang cố gắng thu hút nhiều nhân tài hơn. Canada đặt mục tiêu chào đón 1,5 triệu cư dân mới vào năm 2023-2025. Đức và Ấn Độ gần đây ký một thỏa thuận cho phép nhiều người Ấn Độ đến làm việc và học tập tại Đức. Australia đang tăng thời gian cho phép một số sinh viên có thể làm việc sau khi tốt nghiệp, từ 2 năm lên 4 năm.

Anh đã chào đón hơn 100.000 người Hong Kong (Trung Quốc) và nhiều quốc gia cũng mở rộng vòng tay với người Ukraine. Ngay cả những quốc gia cho đến nay vẫn siết chặt quy định nhập cư, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng đang có thiện cảm hơn với người lao động nước ngoài khi các nước này tìm cách ứng phó với tác động của dân số già.

Những nền kinh tế chào đón nhiều người nhập cư có xu hướng được hưởng lợi về lâu dài. Lấy ví dụ nước Mỹ, người nước ngoài đến Mỹ và mang theo những ý tưởng và sáng kiến mới. Theo một bài báo gần đây của Tiến sỹ Pierre Azoulay thuộc Viện Công nghệ Massachusetts và các đồng nghiệp, ở Mỹ, khả năng thành lập công ty của người nhập cư cao hơn khoảng 80% so với những người bản xứ. Nghiên cứu cho thấy rằng người di cư cũng giúp xây dựng các mối liên kết thương mại và đầu tư giữa đất nước của họ và nước sở tại. Lực lượng lao động trẻ cũng giúp tạo ra nhiều doanh thu thuế hơn.

Một số nhà kinh tế kỳ vọng rằng làn sóng di cư sẽ tạo ra nhiều lợi ích tức thì. Chuyên gia Torsten Slok của công ty quản lý tài sản Apollo Global Management cho rằng số lượng người nhập cư cao rất hữu ích cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khi ngân hàng trung ương cố gắng hạ nhiệt thị trường lao động và giảm tốc lạm phát. Lập luận như vậy có thể hơi quá lạc quan. Nhiều người hơn sẽ làm tăng nguồn cung lao động, nhưng cũng làm giảm tăng trưởng tiền lương. Hiệu ứng tích cực là khá nhỏ. Dù vậy, khó có thể khẳng định các quốc gia tiếp nhận nhiều người di cư nhất có thị trường lao động lỏng lẻo nhất. Ví dụ, tại Canada, tiền lương vẫn tăng khoảng 5% mỗi năm.

Lượng người nhập cư lớn cũng làm tăng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ, và có thể làm tăng lạm phát. Ở Anh, người nhập cư dường như đang đẩy giá thuê nhà ở London, nơi vốn đã có nguồn cung nhà ở hạn chế. Hiệu ứng tương tự cũng được ghi nhận ở Australia. Theo ước tính do ngân hàng Goldman Sachs công bố, số người di cư ròng hàng năm hiện tại của Australia là 500.000 người, và họ đang làm tăng giá thuê nhà khoảng 5%. Giá thuê nhà cao hơn dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng tổng thể cao hơn. Nhu cầu từ dòng người di cư cũng có thể giải thích tại sao, mặc dù lãi suất thế chấp cao hơn, giá nhà ở nhiều nước phát triển không giảm nhiều.

Có lý do để tin rằng lượng người nhập cư cao hiện nay sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, với các chính sách mở cửa cho lao động nước ngoài của các chính phủ là một yếu tố thúc đẩy xu hướng này. Quan trọng hơn, dòng người di cư hôm nay sẽ thúc đẩy dòng người di cư ngày mai, khi những người nhập cư mang theo gia đình của họ. Chẳng bao lâu nữa, làn sóng chống người nhập cư của các nước phát triển vào cuối những năm 2010 sẽ có vẻ như là một quan điểm khác thường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục