Lan tỏa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

08:17' - 18/06/2022
BNEWS Trước áp lực mùa vụ, biến đổi khí hậu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là giải pháp giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm thiểu rủi ro.
Tuy nhiên, quy mô đất đai cho sản xuất manh mún, khó khăn cho việc ứng dụng công nghệ cao dẫn đến sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều hạn chế.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: “Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mỗi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao không nên đóng khung trên diện tích của mình mà từ lõi là nghiên cứu công nghệ có thể lan tỏa cho nông dân xung quanh đó. Đây sẽ là hướng ngành nông nghiệp tìm kiếm, phát triển”.

Với khát vọng xây dựng vùng nông nghiệp thông minh, quy mô lớn, thời gian qua, Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống trang trại hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cùng nông dân. Đây cũng được xem là bức tranh mới về phát triển nông nghiệp thông minh 120 ha ở vùng huyện phụ cận Đà Lạt đã được phác thảo thông qua tổ chức liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ, đảm bảo mức lợi nhuận khá hàng năm cho người nông dân.
 
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc sản xuất Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt cho biết, để chuyển giao quy trình sản xuất chuẩn cho các nông dân liên kết, hợp tác xã đã xây dựng trang trại để sản xuất thử nghiệm. Đây được xem mô hình "đề mô" để đơn vị tìm ra quy trình sản xuất tối ưu, xây dựng dự toán định mức khi liên kết, bởi khi sản xuất nhiều loại cây trồng, nhất là các giống mới mỗi loại lại có đặc thù khác nhau.

“Dù trang trại "đề mô" chỉ có 2 ha nhưng diện tích liên kết để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho hợp tác xã lên đến cả trăm ha để đảm bảo đủ sản lượng, sản phẩm cung cấp cho thị trường”, ông Nguyễn Văn Tâm chia sẻ.

Đối với thành viên liên kết, Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt hỗ trợ toàn bộ quy trình, kỹ thuật canh tác, vật tư, giống chất lượng cao. Nhờ đó, Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt đã đẩy mạnh mở rộng quy mô vùng trồng cũng như đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất rau, củ, quả. Đến nay, chỉ sau 5 năm thành lập, Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt đã có bước đi đột phá về liên kết sản xuất các loại rau VietGAP với quy trình khép kín đầu vào - đầu ra. Hợp tác xã đã hội tụ được hơn 100 sản phẩm khác nhau. Sản phẩm đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc và được bảo hiểm cho người tiêu dùng.

Tự tin với đội ngũ kỹ sư trong kiểm soát chất lượng sản phẩm ở tất cả các hộ dân liên kết, hợp tác xã đã mua bảo hiểm sản phẩm cho các hộ nông dân này. Việc có thêm bảo hiểm để đơn vị chứng minh với người tiêu dùng sản phẩm của đơn vị là an toàn, chất lượng, tạo sự yên tâm cho khách hàng sử dụng, ông Nguyễn Văn Tâm chia sẻ.

Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt đã kết hợp với Công ty cổ phần Sunfood Smart Farm triển khai công nghệ sản xuất giống cấy mô các loại giống rau chất lượng cao, canh tác giống sâm rau mầm của Hàn Quốc… Đồng thời hợp tác đầu tư du lịch canh nông kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng; xây dựng quy trình sản xuất đầy đủ các tiêu chí chứng nhận GlobalGAP để hướng tới thị trường xuất khẩu nông sản.

Hai bên cũng đã đưa vào kế hoạch đầu tư nhà máy chế biến rau, củ, quả tươi và sấy khô cùng nhà hàng buffet rau tại Đà Lạt, tạo sự đa dạng sản phẩm nông nghiệp thông minh theo nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng…

Với lợi thế khí hậu được xếp vào ngưỡng nhiệt xứ ôn đới, cùng đất đai màu mỡ, Lâm Đồng thích hợp phát triển đa dạng các loại nông sản đặc trưng như: hoa, rau ôn đới, cây ăn quả, cây công nghiệp… Đặc biệt là rau và hoa cung cấp sản lượng lớn cho tiêu dùng trong nước và  xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh phát triển mạnh với trên 63.000 ha được ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học và công nghệ số - nông nghiệp thông minh. Chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản gắn với đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm được quan tâm triển khai từ khá sớm. Đến nay, hầu hết các loại nông sản của tỉnh đã có mô hình liên kết chuỗi; trong đó chiếm tỷ lệ lớn là các chuỗi rau, củ, quả với 42% số chuỗi.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có sự lan tỏa, phát triển nông nghiệp công nghệ cao như Lâm Đồng. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chủ yếu tập trung tại một số vùng, một số sản phẩm có thế mạnh. Một số doanh nghiệp lớn chưa có tính lan tỏa. Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao  đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hầu hết chỉ tập trung khâu sản xuất. Các chức năng khác như nghiên cứu, chuyển giao, quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng nên chưa phát huy được chức năng, vai trò hạt nhân lan tỏa, thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Hay các doanh nghiệp lớn có công nghệ sản xuất cao, nhưng tính liên kết, mở rộng lan tỏa ra sản xuất đại trà gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đầu tư theo cơ chế hợp tác công tư (PPP) sẽ là đột phá lớn nhất thúc đẩy ứng dụng và lan tỏa công nghệ cao trong nông nghiệp, do vậy cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế về PPP. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng, nhất là việc phối hợp chặt chẽ có hiệu quả tiến bộ khoa học khu vực nhà nước với khu vực tư nhân mà hạt nhân là các doanh nghiệp lớn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho biết, sắp tới sửa Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tính toán thêm quỹ đất đối với hộ gia đình và các điều kiện, tiêu chí để các doanh nghiệp có thể tham gia vào mối quan hệ nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân để tạo ra giá trị cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục