Lao động nông nghiệp - bài toán nan giải cho Chính phủ Malaysia

06:30' - 04/12/2021
BNEWS Malaysia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và dự định thay thế lao động nước ngoài bằng lao động bản địa.

 

Malaysia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và dự định thay thế lao động nước ngoài bằng lao động bản địa. Tuy nhiên, chính sách thị thực mới của Australia dự báo sẽ làm kế hoạch nói trên của Malaysia thêm phức tạp.

Chính sách thị thực của Australia dành cho lao động nông nghiệp ASEAN

Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn thị trường lao động toàn cầu, gây ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực. Các biện pháp phong tỏa trong những tháng đầu dịch bệnh bùng phát đã kích hoạt một cuộc di cư của hàng triệu lao động nhập cư nông thôn khỏi các siêu đô thị đang bùng nổ như New Delhi hay Dhaka.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Một số quốc gia thu nhập cao đang cố gắng thu hút lao động nước ngoài từ các nước châu Á mới nổi như một phần trong các kế hoạch phục hồi kinh tế quốc gia, tạo nên thách thức mới đối với quản trị toàn cầu về lao động nhập cư. Đặc biệt, các nền kinh tế ASEAN như Singapore hay Malaysia vốn có lượng lớn lao động nhập cư đang đối mặt với lựa chọn khó khăn: Cần hạn chế sự di cư ra nước ngoài hay khuyến khích dịch chuyển lao động nhiều hơn?

Thế lưỡng nan này đã xuất hiện tại Malaysia sau thông báo của Chính phủ Australia về chương trình thị thực dành cho lao động nông nghiệp từ các nước ASEAN - động thái đối phó với sự thiếu hụt lao động hiện tại của Australia. Theo chương trình này, các chủ sử dụng lao động sẽ tài trợ cho lao động nông nghiệp đến từ các nước ASEAN với hợp đồng lao động chính thức tuân thủ các tiêu chuẩn và nghĩa vụ cụ thể.

Trái ngược với Chương trình công nhân thời vụ trước đây, sáng kiến mới cho phép các nông trại của Australia sử dụng lao động nông nghiệp ASEAN có tay nghề cao, bán kỹ năng và cả số không có kỹ năng trên cơ sở lâu dài hơn. Nhóm đầu tiên dự kiến sẽ đến Australia vào tháng 12 này và tháng 3/2022.

Ban đầu Malaysia không tham gia vào kế hoạch này của Australia, tạo ra sự náo động trên các phương tiện truyền thông. Chỉ sau khi các nghị sỹ đối lập yêu cầu xem xét lại quyết định này, Bộ trưởng Nguồn nhân lực mới ra một tuyên bố khẳng định chính phủ không có kế hoạch hạn chế người Malaysia di cư ra nước ngoài vì mục đích việc làm.

Sự cân nhắc của Chính phủ Malaysia

Phản đối ban đầu của Chính phủ Malaysia đối với chương trình thị thực của Australia đã cho thấy những cân nhắc của quốc gia Đông Nam Á này. Thứ nhất, các nhà hoạch định chính sách lo ngại một cuộc chảy máu chất xám quy mô lớn. Hiện ước tính có tới 2 triệu người Malaysia đang sống ở nước ngoài, mà phần nhiều tại Singapore.

Chương trình của Australia mang lại lộ trình khả thi cho các công dân ASEAN trong đảm bảo tư cách thường trú nhân và quyền công dân, do vậy Malaysia đang lo lắng về việc mất nguồn lao động nông nghiệp chủ chốt.

Thứ hai, sức ép chính trị giảm sự phụ thuộc vào lực lượng lao động nước ngoài tay nghề thấp đã gia tăng đáng kể như hệ quả tất yếu của đại dịch COVID-19. Chương trình của Australia cạnh tranh với các kế hoạch của Malaysia nhằm thay thế lao động nước ngoài trong các đồn điền bởi lao động địa phương.

Thứ ba, nông dân Malaysia đang già hóa nhanh chóng, gây ra cuộc khủng hoảng lực lượng lao động nông nghiệp tương tự như Australia. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi Malaysia không muốn làm việc trong lĩnh vực này do mức lương thấp và điều kiện làm việc vất vả.

Việc các quốc gia như Malaysia được lợi hay chịu tác động xấu từ việc di cư lao động sang các nền kinh tế tiên tiến phụ thuộc vào các thỏa thuận thể chế quản lý dịch chuyển lao động. Di cư liên quan tới việc làm từ các nước ASEAN tới Australia không phải là hiện tượng mới. Tuy nhiên, trong quá khứ, rất nhiều lao động nhập cư, đặc biệt là từ Malaysia, cư trú bất hợp pháp tại Australia, khiến họ dễ bị chủ sử dụng lao động bóc lột và lạm dụng. 

Chính sách thị thực mới của Australia sẽ đảm bảo lao động nước ngoài được hưởng đầy đủ quyền lợi lao động và tiếp cận với các khoản bảo trợ xã hội. Chính vì vậy, nghị sỹ William Leong đã cảnh báo sự phản đối của Malaysia đối với chính sách này có thể khiến lao động Malaysia làm việc trong điều kiện giống như nô lệ tại Australia.

Những lựa chọn khó khăn

Đối với các quốc gia ASEAN, chương trình thị thực của Australia cũng sẽ giúp gia tăng cơ hội đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, với điều kiện chương trình này có các cơ chế phù hợp để đảm bảo di cư ngược lại.

Đào tạo lượng lớn lao động nông nghiệp Malaysia có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài và bí quyết công nghệ trong các lĩnh vực như nông nghiệp chính xác có thể đóng vai trò quan trọng vào nỗ lực thúc đẩy tăng năng suất nông nghiệp của quốc gia Đông Nam Á này. 

Bước ngoặt gần đây của Chính phủ Malaysia về chính sách kiểm soát nhập cư cũng làm nổi bật một thách thức cơ cấu sâu sắc hơn: Sự thiếu sự đồng thuận chính trị liên quan đến lượng lớn lao động nhập cư.

Tại Đông Nam Á, Malaysia là điểm đến chủ yếu của lao động nhập cư với hàng triệu lao động nước ngoài bất hợp pháp được cho là đang làm việc tại đây. Tuy nhiên, ngay sau khi tuyên bố phản đối kế hoạch thị thực của Australia, Chính phủ Malaysia đã thông báo hàng nghìn lao động tay nghề thấp từ Indonesia và Bangladesh sẽ sớm đến Malaysia để làm việc trong các đồn điền. 

Các quan chức cấp cao biện minh cho quyết định này với lý do người Malaysia không muốn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp bởi điều kiện làm việc không thuận lợi. Năm 2020, chính phủ Mỹ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm của tập đoàn Sime Dabry Plantation, một trong những doanh nghiệp sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới, bày tỏ sự quan ngại về việc sử dụng lao động cưỡng bức. 

Chính vì vậy các nhà hoạch định chính sách Malaysia cần chuyển từ các biện pháp cưỡng chế ngắn hạn như kiểm soát nhập cư sang các biện pháp dài hạn đối với các tiêu chuẩn lao động thấp kém và năng suất lao động nông nghiệp thấp.

Xét trên phạm vi toàn cầu, sự khác nhau giữa các quốc gia về lương và điều kiện làm việc tiếp tục là hai yếu tố dự báo tin cậy nhất về di cư quốc tế. Mức lương trung bình tại Malaysia tương đối thấp và giảm gần 10% trong năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19. Hầu hết nông dân Malaysia nằm trong nhóm 40% dân số có thu nhập thấp và nhiều người sống trong cảnh nghèo đói. Hơn nữa, một phần lớn chủ sử dụng lao động không tuân thủ quy định về tiền lương tối thiểu do chính phủ quy định.

Mở rộng quy mô ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp cần phải là một ưu tiên dài hạn khác. Tại châu Á, những khoản đầu tư sớm vào lĩnh vực nông nghiệp chính xác đã giúp Đài Loan (Trung Quốc) giảm sự phụ thuộc vào lao động tại các trang trại. Tín hiệu đáng mừng là nhiều đồn điền dầu cọ tại Malaysia đã triển khai máy bay không người lái thương mại và mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc áp dụng những công nghệ tương tự chưa phổ biến.

Giải quyết những vấn đề về tiền lương và năng suất lao động sẽ là một chặng đường dài hướng tới việc ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám của Malaysia và khuyến khích những người Malaysia có tay nghề cao đang làm việc ở nước ngoài trở về nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục