Lệnh trừng phạt với phân bón của Nga gây ra các phản ứng trái chiều

06:56' - 18/03/2022
BNEWS Các siêu cường nông nghiệp trên thế giới đang có quan điểm trái chiều về việc liệu mặt hàng phân bón của Nga có nên bị bao gồm trong các lệnh trừng phạt liên quan tới khủng hoảng Ukraine hay không?
Các siêu cường nông nghiệp trên thế giới đang có quan điểm trái chiều về việc liệu mặt hàng phân bón của Nga có nên bị bao gồm trong các lệnh trừng phạt liên quan tới khủng hoảng Ukraine hay không, vì giá phân bón tăng cao đe dọa sẽ tiếp tục gây ra lạm phát lương thực.

Brazil, nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, từ đậu nành đến cà phê và đường, đồng thời là nhà nhập khẩu phân bón lớn nhất thế giới, kêu gọi tách mặt hàng phân bón khỏi danh mục hàng hóa bị trừng phạt của Nga, bởi đây là yếu tố quan trọng giúp cây trồng phát triển tốt, qua đó không dẫn tới nguy cơ mất an ninh lương thực trên toàn cầu. Mặt khác, Mỹ lại nghiêng về phương án nâng cao các biện pháp trừng phạt Nga do liên quan tới khủng hoảng tại Ukraine.

Trong một sự kiện trực tuyến do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tổ chức hôm 16/3, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack đã bày tỏ sự chia sẻ với các nước đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm phân bón có giá cả phải chăng. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cố gắng giảm bớt tác động của việc chi phí phân bón cao hơn thông qua nỗ lực giảm sử dụng các chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Theo Alexis Maxwell, nhà phân tích tại Bloomberg’s Green Markets, Mỹ cũng là nhà nhập khẩu phân bón lớn, gần như tất cả nhu cầu kali của nước này được đáp ứng bởi Canada. Khoảng một 1/3 lượng nitơ được sử dụng ở Mỹ đến từ nước ngoài, phần lớn là Trung Đông và Nga. Về phân phốt phát, chủ yếu Mỹ nhập khẩu từ Saudi Arabia và Australia.

Nhưng không quốc gia nào phụ thuộc vào các sản phẩm chăm sóc cây trồng nước ngoài nhiều hơn Brazil. Hơn 85% nhu cầu phân bón của quốc gia Nam Mỹ này phụ thuộc vào nhập khẩu, tỷ lệ này vượt quá 90% đối với kali và nitơ. Nga, nhà cung cấp phân bón chính và Belarus, nước cũng đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế, chiếm tổng cộng 28% lượng phân bón nhập khẩu vào Brazil.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Brazil Tereza Cristina cho biết: “Việc hạn chế tiêu thụ phân bón có thể ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, tăng lạm phát lương thực và đe dọa an ninh lương thực. Chúng ta có thể tạo ra một vấn đề lớn hơn đó là làm gia tăng nạn đói trên toàn cầu”. Bà Cristina đang tham gia một loạt cuộc họp với các cơ quan chức năng từ các quốc gia sản xuất phân bón lớn trên toàn cầu để đảm bảo nguồn cung phân bón cho Brazil./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục