Liên Bộ Công Thương - Y tế hướng dẫn các chợ tăng cường phòng, chống dịch COVID-19

15:41' - 29/07/2021
BNEWS Hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 là hết sức cần thiết giúp địa phương chủ động phòng chống dịch tại chợ và bảo đảm hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Ngày 29/7/2021, Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến, tập huấn hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ đối với các địa phương trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ đã được Bộ Công Thương phối hợp xây dựng và Bộ Y tế ban hành theo Công văn số 5858/BYT-MT ngày 21/7/2021 của Bộ Y tế. Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để phổ biến, áp dụng.

 

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ áp dụng đối với các địa phương bao gồm cả chợ đầu mối và chợ bán lẻ tại Công văn số 5858/BYT-MT bao gồm các nội dung cụ thể, chi tiết với các yêu cầu bảo đảm phòng, dịch tại chợ đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.Cụ thể gồm: đơn vị quản lý chợ, hộ kinh doanh, người kinh doanh, người lao động, khách hàng mua bán tại chợ, UBND các cấp được phân cấp quản lý chợ.

Cũng theo ông Hoàng Anh Tuấn, trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh hiện nay, đây là hướng dẫn hết sức cần thiết giúp các địa phương chủ động trong phòng chống dịch tại chợ. Điều này nhằm vừa bảo đảm phòng chống dịch, vừa bảo đảm hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế, Bộ Công Thương đã trao đổi, giải đáp các thắc mắc của các địa phương liên quan tới các quy định về phòng chống dịch tại chợ. Ông Trần Anh Dũng - Trưởng phòng Quản lý Sức khoẻ môi trường và hóa chất (Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế) nhấn mạnh, hướng dẫn theo Công văn số 5858/BYT-MT chỉ áp dụng tại các địa phương theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Liên quan đến nội dung cấp thẻ đi chợ, tùy theo thực tế địa phương có thể điều chỉnh cho phù hợp, 1 thẻ có thể đi nhiều chợ. Bên cạnh đó, cần có vai trò của chính quyền địa phương trong việc cấp hình thức đi chợ này nhằm tránh lạm quyền trong cấp thẻ cũng như bảo đảm sát với nhu cầu về hàng hóa thiết yếu của người tiêu dùng tại địa phương.
Về kinh phí test nhanh, theo Công văn số 5858/BYT-MT, tùy theo địa phương để áp dụng. Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thì áp dụng kinh phí nhà nước là phù hợp. Cùng đó, quy định thời gian xét nghiệm là 3 hay 7 ngày là tùy các địa phương và không nên cứng nhắc. Về vấn đề bố trí khu vực cách ly tạm thời, có thể bố trí khu vực bảo đảm giãn cách có khoảng cách tối thiểu trên 2m với các khu vực khác nhằm giảm tiếp xúc.

Một vấn đề được quan tâm tại hội nghị là hàng hóa tại các chợ khi có tình huống phong tỏa khi phát hiện ca F0 có được mang sang các khu vực chợ khác tiêu thụ hay không.

Đại diện Bộ Y tế khẳng định, hiện chưa có tài liệu ghi nhận việc lây nhiễm COVID-19 qua hàng hóa. Hơn nữa, khi phát hiện ca F0 tại chợ thì hàng hóa không phải là đối tượng lây nhiễm bởi ca F0 đó nên việc vận chuyển hàng hóa sang nơi khác hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến phòng chống dịch. Vì vậy, việc vận chuyển hàng hóa sang khu vực chợ khác cần phải bảo đảm an toàn về phương tiện, cách thức, nhân lực vận chuyển.
Theo ông Trần Anh Dũng, các lực lượng chức năng không nên cực đoan phong tỏa chợ là phong tỏa luôn cả hàng hóa. Bởi, do đặc điểm, hàng hóa tươi sống có thể hư hỏng ở thời điểm mở lại chợ.
Ông Hoàng Anh Tuấn nêu rõ, trong bối cảnh chủng mới của virus gây dịch COVID-19 lây lan nhanh, thời gian ủ bệnh ngắn, bên cạnh yêu cầu bảo đảm việc cung ứng các hàng hóa thiết yếu qua kênh các chợ, một yêu cầu cao hơn đặt ra tại Công văn số 5858/BYT-MT là bảo đảm được các yếu tố phòng chống lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Do đó, tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, các Sở Công Thương có thể tham mưu, điều chỉnh áp dụng hướng dẫn cho phù hợp.
Đối với các Sở Công Thương, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng, đã có văn bản hướng dẫn phòng chống dịch tại chợ từ trước khi hướng dẫn tại Công văn số 5858/BYT-MT được ban hành. Vì vậy, các Sở Công Thương tiếp tục chủ động thực hiện và rà soát để cập nhật, bổ sung nếu cần thiết.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Công Thương để tổng hợp, kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục