Liên hợp quốc: Số người di cư có thể tăng do khủng hoảng lương thực toàn cầu

10:53' - 16/06/2022
BNEWS Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cảnh báo khủng hoảng lương thực do căng thẳng Nga-Ukraine có nguy cơ làm tăng số người di cư tại các nước nghèo..

 

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 15/6 cảnh báo cuộc khủng hoảng an ninh lương thực do căng thẳng Nga-Ukraine có nguy cơ làm tăng số người di cư tại các nước nghèo, khiến số người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán tiếp tục tăng cao.

Báo cáo thường niên về xu hướng hướng di cư trên toàn cầu của UNHCR ước tính có 89,3 triệu người đã phải di tản do bạo lực, xung đột vào cuối năm 2021, tăng gấp đôi trong một thập kỷ. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình hình, khi khiến số người di cư trên thế giới lần đầu tiên vượt mốc 100 triệu người.

Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi chỉ ra rằng cứ mỗi cuối thập kỷ thì con số này lại tăng vọt. Do đó, cộng đồng quốc tế cần phối hợp hành động để giải quyết, chấm dứt xung đột và tìm ra giải pháp lâu dài, nếu không xu hướng này sẽ còn kéo dài.

Ông Grandi nhận định những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, vốn đang suy yếu do căng thẳng Nga-Ukraine, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn một lượng lớn người dân di cư. Tuy nhiên, hiện thế giới đang thiếu hụt nghiêm trọng ngũ cốc, phân bón, khiến hàng trăm triệu người đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực. Quan chức Liên hợp quốc cảnh báo nếu không sớm giải quyết vấn đề này, hậu quả sẽ vô cùng tồi tệ.

Theo UNHCR, vào cuối năm 2021, ước tính có 27,1 triệu người phải sống trong điều kiện tị nạn, trong khi số người tìm cách tị nạn đã tăng 11% lên 4,6 triệu người. Đây cũng là năm thứ 15 liên tiếp, số người phải di tản ngay trong nước do xung đột đã tăng lên 53,2 triệu người. Báo cáo đã nhấn mạnh đến tình trạng leo thang xung đột tại một số quốc gia, trong đó có Afghanistan, cũng như việc bùng phát những cuộc xung đột mới.

Trong khi đó, tình trạng khan hiếm thực phẩm ngày càng tăng, lạm phát và cuộc khủng hoảng khí hậu đã gây thêm khó khăn và tạo thêm áp lực cho các giải pháp nhân đạo, đe dọa làm suy giảm mức ngân sách vốn đã hạn hẹp cho nhiều cuộc khủng hoảng.

Ngoài ra, ông Grandi cũng bày tỏ quan ngại về xu hướng di cư quy mô lớn do xung đột, biến đổi khí hậu, quản lý yếu kém tại vùng Sừng châu Phi và Sahel. Theo ông, đây là một vòng xoáy bất ổn do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Ước tính khoảng 83% người tị nạn trên thế giới vào cuối năm 2020 là tới từ những quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Mặc dù hoan nghênh phản ứng hào phóng của Liên minh châu Âu (EU) trong việc tiếp nhận những người di cư từ Ukraine, ông Grandi nhấn mạnh rằng những người tị nạn xung đột từ Syria và Afghanistan lại không được đối xử như vậy, đồng thời kêu gọi cách tiếp cận bình đẳng hơn trong vấn đề người di cư. Từ phản ứng của các nước EU, ông cho rằng việc ứng phó với dòng người tị nạn đổ về biên giới các nước giàu có hoàn toàn khả thi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục