Liên kết “4 nhà” cung ứng thực phẩm an toàn cho Hà Nội

19:30' - 12/08/2016
BNEWS Hà Nội có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn trong khi khả năng sản xuất tại chỗ mới đảm bảo khoảng 69% nhu cầu thịt, 32% thủy sản, 38% gạo tẻ chất lượng, 60% rau - củ - quả và 18% trái cây tươi.
Hà Nội là địa phương có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn... Ảnh minh họa: TTXVN

Tăng cường liên kết "4 nhà" trong cung ứng thực phẩm an toàn tại Hà Nội là ý kiến của đa số các đại biểu tại Hội thảo “Tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố” do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức ngày 12/8.

Hà Nội là địa phương có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn trong khi khả năng sản xuất tại chỗ mới đảm bảo khoảng 69% nhu cầu thịt, 32% thủy sản, 38% gạo tẻ chất lượng, 60% rau - củ - quả và 18% trái cây tươi. Để đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm cho người dân, mỗi năm Thủ đô nhập nông sản thực phẩm từ các tỉnh, thành phố khác. 

Việc quản lý chất lượng nông sản thực phẩm từ các địa phương khác nhập về rất khó khăn, nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm luôn tiềm ẩn khiến người tiêu dùng hoang mang. Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm tốt, đặc sản vùng miền chưa được khớp nối tiêu thụ về Hà Nội. 

Chị Nguyễn Hiền Phương, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ quận Hai Bà Trưng chia sẻ, chị rất quan tâm đến các sản phẩm nông sản thực phẩm sạch. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện còn nhiều bất cập, nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm gia tăng.

Với mong muốn được tiếp cận các sản phẩm thực sự an toàn, đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống, các cơ quan chức năng cần thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện, mở nhiều hơn những hội chợ giới thiệu sản phẩm để những người tiêu dùng như chị được tiếp cận với các loại nông sản an toàn, chất lượng tốt mà giá cả phải chăng. 

Chợ phiên nông sản thực phẩm an toàn ở Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty Big Green cho biết, công ty chuyên kinh doanh rau, hoa, quả có sự liên kết từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản. Trong đó, mặt hàng trái cây chiếm tỷ trọng lớn 70% thì trái cây Nam bộ đã chiếm tới 50%. Tuy nhiên, Big Green còn là công ty nhỏ nên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn vị liên kết.

Bởi vậy, doanh nghiệp rất mong muốn có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu, hợp tác với các đơn vị cung ứng hoa quả chất lượng, an toàn và giá cả phải chăng, đặc biệt là các đơn vị từ các tỉnh Nam bộ vì tại đây, trái cây dồi dào và có tính đặc trưng, chất lượng tốt. 

Cùng chung ý kiến với đại diện Công ty Big Green, ông Phạm Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân miền Bắc, cũng chia sẻ mong muốn thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ để hình thành chuỗi sản xuất nông sản an toàn, xây dựng hệ thống thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn, tăng cường liên kết giữa 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt nhất, không chỉ ở chính vụ mà còn cả trái vụ.

Mặc dù với lợi thế là vùng đất trù phú, thích hợp với nhiều loại trái cây đặc sản, có giá trị xuất khẩu cao như: thanh long, măng cụt, sầu riêng... chiếm gần một nửa diện tích cây ăn quả của cả nước, nhưng hiện nay việc tiêu thụ trái cây cho vùng Nam bộ đang là vấn đề đáng lo lắng. 

Ông Cao Văn Hóa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, Tiền Giang hiện có hơn 72.000 ha cây ăn quả, cung ứng ra thị trường hơn 3.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Ngoài ra, Tiền Giang còn một lượng lớn rau màu có chất lượng đảm bảo.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đề nghị trong thời gian tới, Hà Nội hỗ trợ để các sản phẩm đặc sản của Tiền Giang được tiêu thụ trên thị trường Hà Nội thông qua các doanh nghiệp lớn làm đầu mối cùng các cơ chế hỗ trợ sau quy hoạch, phương tiện vận chuyển. 

Cùng chung ý kiến, ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang đề xuất Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp duy trì tổ chức Tuần lễ Nhận diện nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản Nam bộ tại Hà Nội đều đặn mỗi năm.

Tuy nhiên, thời gian tổ chức Tuần lễ cần hợp lý hơn, vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 6, khi trái cây Nam bộ vào chính vụ. 

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn) nhận định, thời gian tới, Nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra các cơ quan giám sát, tăng cường công tác hậu kiểm để đảm bảo đúng với các tiêu chuẩn của Luật Tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa.

Về phía các cơ quan Trung ương, Cục Chăn nuôi đã đề xuất kéo dài thời gian hiệu lực của chứng nhận VIETGAP từ 2 năm đến 3 năm để các nhà sản xuất tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển. 

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tích cực tiếp thu những ý kiến đóng góp và xây dựng các chương trình hỗ trợ, liên kết, hợp tác giữa “4 nhà” để mang đến cho người dân Thủ đô ngày càng nhiều hơn cơ hội tiếp cận với các sản phẩm nông sản thực phẩm với chất lượng tốt nhất./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục