Liên minh châu Âu hạn chế nhập khẩu nông sản từ Ukraine

05:30' - 14/04/2024
BNEWS EU vừa đạt được thỏa thuận nội khối về hạn chế nhập khẩu nông sản từ Ukraine. Trong đó, Pháp và Ba Lan đã không đạt được các biện pháp quyết liệt hơn như mong đợi.

Trong bối cảnh các cuộc bầu cử ở châu Âu đang đến gần (từ ngày 6-9/6), trong thời gian ngắn kỷ lục, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định nới lỏng các hạn chế về môi trường được quy định theo Chính sách nông nghiệp chung châu Âu (CAP) trước khi đồng ý, vào ngày 8/4, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine - vốn không phải chịu thuế hải quan từ tháng 6/2022.

Theo quyết định mới, chế độ ưu đãi đối với Ukraine, được đưa ra sau khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng nổ và được gia hạn hàng năm kể từ đó, sẽ không được gia hạn sau tháng 6/2025. Cho đến lúc đó, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ phải đàm phán một hiệp định thương mại tự do với Kiev. Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 6/6 tới, nhập khẩu gia cầm, trứng, đường, ngô, mật ong, yến mạch và ngũ cốc từ Ukraine sẽ bị đánh thuế khi vượt quá mức trung bình được ghi nhận từ giữa năm 2021 đến cuối năm 2023, trong vòng 14 ngày.

“Bằng việc kéo dài sự hỗ trợ (về thuế hải quan) thêm một năm, thỏa thuận mới đạt được thể hiện sự đoàn kết liên tục” của EU nhưng đồng thời có thể “tăng cường các biện pháp bảo vệ nông dân EU trong trường hợp thị trường có biến động”, Nghị sĩ châu Âu người Latvia Sandra Kalniete khẳng định. Tuy nhiên, Kiev đã không hài lòng với quyết định này, cho rằng nông dân Ukraine sẽ thiệt hại 330 triệu euro mỗi năm trong bối cảnh viện trợ của Mỹ đóng băng và xung đột Nga-Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đúng là Ukraine, bị cản trở bởi lệnh phong tỏa Biển Đen của Nga trong việc xuất khẩu nông sản sang các thị trường truyền thống, đã chuyển hướng bán hàng sang EU, với mức giá đặc biệt cạnh tranh. Theo EC, trong năm 2023, Ukraine đã trở thành nhà cung cấp nông sản thực phẩm thứ ba (chiếm 7% tổng lượng nhập khẩu), sau Brazil và Vương quốc Anh. Cụ thể hơn, trong năm ngoái, nước này đã bán sang thị trường châu Âu khối lượng trứng và lúa mạch cao gấp 10 lần so với giai đoạn trước xung đột, lúa mỳ gấp 20 lần và đường gần gấp 30 lần.

Ukraine cho rằng quyết định của 27 nước thành viên EU là không hợp lý trên thực tế, rằng xuất khẩu của Ukraine vào EU chỉ chiếm 1% lượng tiêu thụ trứng của người châu Âu và chỉ đáp ứng 2% nhu cầu gia cầm của họ. Điều đó có thể là “những gì người tị nạn Ukraine có thể dễ dàng tiêu thụ”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ukraine Mykola Solsky phát biểu với báo chí ngày 25/3. Bà cũng lập luận rằng giá ngũ cốc thế giới đang bị đẩy xuống do thu hoạch dồi dào ở Mỹ và Nam Mỹ cũng như xuất khẩu của Nga với giá thấp.

Trong bối cảnh này, các cuộc tranh luận giữa 27 nước EU đã diễn ra rất khó khăn. Một bên gồm các nước vùng Baltic cũng như Hà Lan và Đức, tuy phải đối mặt với sự bất mãn của nông dân, đều ủng hộ việc miễn trừ Kiev càng nhiều càng tốt. Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố với những người đồng cấp tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu ngày 21/3 rằng: “Chúng ta không thể áp dụng các biện pháp gây tổn hại cho Ukraine” và “làm giảm thu nhập của nước này”.

Bên còn lại, gồm các nước láng giềng của Ukraine là Hungary, Slovakia, Bulgaria và dẫn đầu là Ba Lan, nơi các máy kéo thường xuyên ùn ùn tới chặn biên giới, yêu cầu EC phải có các biện pháp quyết liệt hơn. Về phần mình, bất chấp những tuyên bố ủng hộ Ukraine vô điều kiện lâu nay, Pháp vẫn tích cực vận động hậu trường để hạn chế hàng hóa nông nghiệp Ukraine.

Pháp muốn hạn chế nhập khẩu miễn thuế lúa mỳ mềm và lúa mạch, đồng thời muốn EC phải tính đến khối lượng nhập khẩu hàng Ukraine vào thị trường nội khối trong cả năm 2021, tức là giai đoạn trước xung đột, ngoài các năm 2022 và 2023 để có thể kích hoạt việc áp dụng lại thuế hải quan đối với cái gọi là sản phẩm “nhạy cảm”.

Sau cuộc "nổi dậy áo vàng" mùa Đông 2018/2019, Tổng thống Emmanuel Macron cũng lo ngại rằng sự bất mãn trong nông nghiệp sẽ có lợi cho đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò bầu cử châu Âu. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Pháp muốn nỗ lực đến cùng để đạt được mục tiêu.

EC cam kết giám sát chặt chẽ thị trường ngũ cốc châu Âu và hàng nhập khẩu từ Ukraine và nếu cần sẽ kích hoạt các biện pháp tự vệ ngay khi thị trường nội khối có biến động đáng kể.

Thỏa thuận đạt được vào tối 8/4 vẫn phải được Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên thông qua cho dù chỉ là hình thức. Tuy nhiên, cuộc tranh luận vẫn chưa kết thúc và chắc chắn nó sẽ trở lại vị trí số một khi 27 nước thành viên EU phải thông qua một hiệp định thương mại tự do mới với Ukraine. Và thậm chí còn hơn thế nữa khi các cuộc đàm phán mở rộng được bắt đầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục