Liệu châu Á có đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính mới?
Malaysia và các quốc gia láng giềng đã phải hứng chịu hàng loạt cuộc khủng hoảng kinh tế trong vòng 30 năm qua, trong đó một số tác động vẫn còn ảnh hưởng tới hiện nay. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 đã làm rung chuyển các nền kinh tế khu vực, khiến các ngân hàng và các doanh nghiệp sụp đổ hoặc cần được giải cứu, trong khi nhiều công ty buộc phải cắt giảm quy mô. Các yếu tố này dẫn đến tình trạng thất nghiệp trên diện rộng.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 bắt đầu ở Thái Lan và sau đó nhanh chóng lan sang các nền kinh tế lân cận. Ban đầu, cuộc khủng hoảng này xuất phát từ khủng hoảng tiền tệ khi Bangkok ngừng neo tỷ giá đồng baht với đồng USD, khiến đồng tiền mất giá và dòng vốn rút khỏi nước này.
Trong 6 tháng đầu tiên, giá trị của đồng ringgit (RM) đã sụt giảm 45% trong khi đồng rupiah của Indonesia giảm tới 80% và đồng bath mất hơn 50% giá trị. Nhìn chung, các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã chứng kiến sự sụt giảm dòng vốn hơn 100 tỷ USD trong năm đầu tiên của cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã nghiêm trọng cả về quy mô và phạm vi, và trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu sau khi lan sang Nga và Brazil.
Tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á được xét trên nhiều khía cạnh. Mặc dù cuộc khủng hoảng này thường được mô tả như một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc khủng hoảng kinh tế, nhưng với những gì đã diễn ra trong năm 1997 và năm 1998 cũng có thể được coi là cuộc khủng hoảng về quản trị ở tất cả các cấp chính trị - quốc gia, toàn cầu và khu vực.
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cho thấy các chính phủ gặp khó khăn trong việc thực hiện các chức năng điều tiết nền kinh tế và không thể điều tiết các lực lượng của toàn cầu hóa hoặc áp lực từ các tác nhân quốc tế.
Một mặt, các biện pháp kiểm soát vốn ngắn hạn của Malaysia tương đối hiệu quả trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Nam Á này, nhận được đánh giá cao do khả năng chống lại các cải cách theo mô hình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Mặt khác, hầu hết các bang tại Malaysia đã không thể chống lại các áp lực và cải cách của IMF cũng khiến dư luận chú ý tới sự mất kiểm soát của chính phủ và những xói mòn của cơ quan quyền lực nhà nước.
Tại Indonesia tình hình còn tồi tệ hơn. Những thất bại của chính phủ trong ứng phó cuộc khủng hoảng đã biến cuộc khủng hoảng kinh tế thành cuộc khủng hoảng chính trị, dẫn đến sự sụp đổ của Tổng thống Suharto, người đã lãnh đạo Indonesia trong hơn 30 năm.
Trong bối cảnh hiện tai, tiền tệ và thị trường chứng khoán ở các nền kinh tế lớn nhất châu Á đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, do đồng USD tăng mạnh, lãi suất tăng nhanh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc khiến dòng vốn chảy khỏi khu vực.
Đồng RM cũng đã giảm gần 14% trong năm 2022 cùng với đà trượt giá của các loại tiền tệ trên các thị trường mới nổi khác khi đồng USD mạnh lên. Một cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) gần đây đã cảnh báo các hành động của Fed, cùng với các hành động của các ngân hàng trung ương khác có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.
* Liệu “bóng ma khủng hoảng” 1997-1998 có ám ảnh châu Á một lần nữa?
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Aimi Zulhazmi Abdul Rashid - giảng viên Trường Kinh doanh thuộc đại học Kuala Lumpur (UniKL) - khu vực sẽ không phải đối mặt với bóng ma khủng hoảng 1997-1998 một lần nữa.
Trong khi xem xét sự khác biệt giữa cuộc khủng hoảng 25 năm trước và tình hình hiện nay, ông cho hay tình trạng hiện tại của nền kinh tế khác biệt trong nhiều lĩnh vực so với cuộc khủng hoảng trước đó. Tiến sỹ Aimi Zulhazmi lưu ý rằng cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 là sự kết hợp của các vấn đề cơ bản về kinh tế, tài chính và doanh nghiệp gây ra sự mất niềm tin và dòng vốn chảy ra hoặc dòng tiền nóng từ các nền kinh tế thị trường mới nổi của châu Á.
Cuộc khủng hoảng này cũng dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng và mức sống giảm mạnh, đặc biệt là ở những người nghèo. Tình hình kinh tế hiện tại của Malaysia chủ yếu xuất phát từ lạm phát tăng đột ngột do nhu cầu tăng mạnh khi quốc gia Đông Nam Á đang mở cửa trở lại sau hai năm đóng cửa biên giới, kiểm soát dịch bệnh cũng như những hạn chế về nguồn cung làm tăng thêm áp lực chi phí.
Ông Aimi Zulhazmi chỉ ra rằng, vào năm 1998, GDP của Malaysia giảm 6,7% so với mức tăng trưởng 7,7% một năm trước đó. Tương tự, đồng RM giảm từ mức trung bình 2,42 RM đổi 1 USD vào tháng 4/1997 xuống mức thấp nhất trong lịch sử 4,88 RM đổi 1 USD vào tháng 1/1998. Không chỉ đồng RM, mà các đồng tiền khác cũng giảm mạnh và đột ngột so với đồng USD.
Để vực dậy nền kinh tế, tháng 7/1998, Chính phủ Malaysia đã công bố gói kích thích tài khóa trị giá 2 tỷ RM, tương đương 1,5% GDP vào thời điểm đó.Hiện tại đồng RM đang giảm nhưng giảm ở tốc độ dần dần. Tuy nhiên, Tiến sỹ Aimi Zulhazmi thừa nhận, nếu lãi suất cao tiếp tục được duy trì, đây sẽ là thách thức lớn đối với kinh tế toàn cầu và Malaysia cũng không nằm ngoài cuộc. Việc Mỹ liên tục tăng lãi suất có thể khiến nền kinh tế này cũng như nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái vào năm 2023. * Bài học từ nỗi đau
Một bài học mà nhiều quốc gia rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính là xây dựng dự trữ ngoại hối nhằm phòng ngừa trước những cú sốc từ bên ngoài.
Chuyên gia Lee Heng Guie, Giám đốc điều hành (CEO) Trung tâm nghiên cứu Kinh tế - Xã hội (SERC) cho hay các nền kinh tế khu vực đã học hỏi được từ những kinh nghiệm đau thương của cuộc khủng hoảng, chính vì thế hầu hết đã xây dựng được nguồn dự trữ dồi dào để củng cố tiền tệ và nền kinh tế của mình.
Tính đến cuối tháng 8/2022, dự trữ ngoại hối của Malaysia ở mức 108,2 tỷ USD so với con số chỉ 15,2 tỷ USD năm 1997. Tương tự, dự trữ vào cuối tháng 7/2022 của nhiều quốc gia trong khu vực đều ở mức cao như Thái Lan ở mức 220 tỷ USD (26,9 tỷ USD năm 1997); Indonesia đạt 133,2 tỷ USD (17,5 tỷ USD năm 1997) hay Hàn Quốc lên tới 415 tỷ USD (20,5 tỷ USD năm 1997).
Tuy nhiên, ông Lee Heng Guie cảnh báo các nền kinh tế có mức độ tổn thương kinh tế vĩ mô cao hơn có xu hướng bị gián đoạn và nhạy cảm hơn với dòng vốn chảy ra và điều này sẽ khiến đồng tiền mất giá mạnh, chi phí đi vay tăng cao do điều kiện thanh khoản thắt chặt và lãi suất Mỹ tăng.
CEO của SERC cho biết, để các nền kinh tế mới nổi này có thể chịu được áp lực dòng vốn chảy ra, một số ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất và sử dụng dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng tiền đang mất giá của mình. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất cũng đồng nghĩa với chi phí đi vay cao hơn, có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại đối với nhu cầu cho các sản phẩm trong nước.
Theo chuyên gia này, việc mô tả tình hình hiện nay là một cuộc suy thoái là điều không công bằng. SERC cũng cho rằng các ngân hàng trung ương trong khu vực sẽ tiếp tục theo dõi sự lan tỏa và đưa ra các biện pháp tự vệ để giảm bớt tác động của việc đảo chiều vốn và giảm giá tiền tệ. Chính vì vậy, một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện trong khu vực sẽ khó xảy ra.
Tuy nhiên, hai chuyên gia cũng cảnh báo Malaysia cần coi trọng dự báo suy thoái và sẵn sàng cho mọi hậu quả có thể phát sinh trong tương lai. Theo ông Lee, cần xem xét các chính sách và quy định, đồng thời thực hiện cải cách cơ cấu để giảm bớt các rào cản quy định nhằm nâng cao hiệu quả thị trường, đảm bảo tính minh bạch và chắc chắn của chính sách cũng như duy trì triển vọng tăng trưởng tốt hơn. Ông khuyến nghị, chính phủ nên chuyển sang giảm thâm hụt tài khóa cơ cấu và giảm nợ và các khoản nợ để xây dựng lại vùng đệm tài khóa chống lại các cú sốc trong tương lai.
Nhà kinh tế trưởng của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) Hoe Ee Khor nhấn mạnh sự suy giảm kinh tế đồng thời ở Mỹ và châu Âu, cùng với thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, sẽ lan tỏa tác động tiêu cực đối với khu vực thông qua các kênh thương mại và tài chính. Tiến sỹ Hoe Ee Khor chia sẻ, ở các nước ASEAN+3, lạm phát đang tăng nhanh, giá lương thực và nhiên liệu vẫn ở mức cao bất chấp việc các tiêu chuẩn hàng hóa quan trọng trên toàn cầu đã nới lỏng gần đây.
* Điểm sáng Đông Nam Á
Hiện nay châu Á đang phải đối mặt với ba “cơn gió ngược”, bao gồm lãi suất tăng, tác động của cuộc xung đột tại Ukraine và ảnh hưởng từ các hoạt động kinh tế đang bị suy yếu của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo IMF, khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á vẫn là một điểm sáng ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu dường như sẽ suy thoái vào năm tới.
Trong báo cáo triển vọng mới nhất của mình, IMF dự báo tăng trưởng ở châu Á và Thái Bình Dương đạt 4% trong năm 2022 và 4,3% vào năm 2023, mặc dù dưới mức trung bình 5,5% trong hai thập kỷ qua. Khu vực Đông Nam Á có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ. Tại Việt Nam, quốc gia đang có vai trò quan trọng ngày càng tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, IMF kỳ vọng nền kinh tế này sẽ tăng trưởng 7% và điều chỉnh nhẹ trong năm tới. Tăng trưởng của Philippines được dự báo ở mức 6,5%, Indonesia và Malaysia sẽ đạt 5% trong năm 2022.
Thể chế tài chính toàn cầu này chỉ ra, lạm phát hiện vượt quá mục tiêu của các ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế châu Á, được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa giá thực phẩm và năng lượng toàn cầu tăng, đồng nội tệ giảm so với USD và khoảng cách sản lượng thu hẹp. IMF lưu ý lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động, cũng đã tăng và sự tồn tại của chỉ số này - do kỳ vọng lạm phát và tiền lương - cần được theo dõi chặt chẽ. * Chính sách trong thời điểm đầy thách thức IMF cho hay, trong bối cảnh tăng trưởng thấp hơn, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với những thách thức phức tạp đòi hỏi phải có những phản ứng mạnh mẽ.
Trước hết, các ngân hàng trung ương cần kiên trì với việc thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi lạm phát giảm trở lại mức mục tiêu một cách đáng kể. Tỷ giá hối đoái nên được phép điều chỉnh để phản ánh các nguyên tắc cơ bản, bao gồm các điều khoản thương mại - thước đo giá cả đối với hàng xuất khẩu của một quốc gia so với hàng nhập khẩu - và các quyết định chính sách tiền tệ nước ngoài.
Theo IMF, nếu các cú sốc toàn cầu dẫn đến lãi suất đi vay tăng đột biến không liên quan đến những thay đổi chính sách trong nước và đe dọa sự ổn định tài chính hoặc làm suy yếu khả năng của ngân hàng trung ương trong việc ổn định kỳ vọng lạm phát, thì các biện pháp can thiệp ngoại hối có thể trở thành một phần hữu ích trong hỗn hợp chính sách đối với các nước dự trữ đầy đủ, bên cạnh các chính sách vĩ mô.
Thể chế tài chính này khuyến cáo các quốc gia nên khẩn trương xem xét cải thiện bộ đệm thanh khoản của mình, bao gồm cả việc yêu cầu truy cập vào các công cụ phòng ngừa từ Quỹ cho những người đủ điều kiện. Nợ công đã tăng đáng kể ở châu Á trong 15 năm qua - đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc - và tiếp tục tăng thêm trong thời kỳ đại dịch.
Chính vì vậy, IMF khuyến cáo chính sách tài khóa tại nên tiếp tục củng cố dần dần để điều chỉnh nhu cầu cùng với chính sách tiền tệ, tập trung vào mục tiêu trung hạn là ổn định nợ công. Theo đó, các biện pháp nhằm bảo vệ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương trước chi phí sinh hoạt tăng cao cần được nhắm mục tiêu tốt và mang tính tạm thời. Ở các quốc gia có mức nợ cao, hỗ trợ cần trung lập về ngân sách để duy trì lộ trình củng cố tài khóa.
IMF cũng nhấn mạnh, các khuôn khổ tài khóa trung hạn đáng tin cậy vẫn là điểm bắt buộc trong khi các chính sách cần tập trung vào việc chữa lành những thiệt hại do đại dịch và xung đột gây ra. Vết sẹo do đại dịch và những cơn gió ngược hiện tại có thể sẽ khá lớn ở châu Á, một phần là do đòn bẩy cao giữa các doanh nghiệp sẽ đè nặng lên khu vực đầu tư tư nhân và thiệt hại về giáo dục do đóng cửa trường học có thể làm xói mòn nguồn nhân lực nếu các biện pháp khắc phục không được thực hiện ngay. Song song với đó, IMF kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn sự phân mảnh địa kinh tế lớn hơn và đảm bảo rằng thương mại hỗ trợ tăng trưởng./.
Tin liên quan
-
Phân tích - Dự báo
Khủng hoảng tài chính liệu có "gõ cửa" châu Á?
08:08' - 14/11/2022
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được công bố gần đây, triển vọng tăng trưởng của khu vực đã bị hạ thấp trong hai năm tới.
-
Kinh tế Thế giới
Kinh tế Malaysia tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN
18:05' - 13/11/2022
Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết, trong quý III/2022 và trong 9 tháng của năm 2022, Malaysia là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số 6 quốc gia ASEAN.
-
Kinh tế Thế giới
Malaysia mong muốn một cơ chế hợp tác tiền tệ quốc tế hiệu quả hơn
17:20' - 13/11/2022
Tại hội nghị cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc, Malaysia bày tỏ mong muốn có một cơ chế hợp tác tiền tệ quốc tế công bằng và hiệu quả hơn để giải quyết những nhu cầu và thực tế của các nước đang phát triển.
-
Thị trường
Các nước châu Á tiết kiệm chi phí nhiên liệu nhờ năng lượng Mặt Trời
07:10' - 12/11/2022
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Ấn Độ đã tiết kiệm được 4,2 tỷ USD chi phí nhiên liệu thông qua sản xuất năng lượng Mặt Trời trong nửa đầu năm 2022 và tránh sử dụng 19,4 triệu tấn than đá.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích - Dự báo
Vàng sẽ tìm lại đỉnh cao?
15:26'
Giới phân tích dự đoán giá vàng sẽ phục hồi vào năm tới, do vàng vẫn giữ được sức hấp dẫn như một tài sản trú ẩn an toàn.
-
Phân tích - Dự báo
“Đế chế” Donald Trump 2.0 và những ảnh hưởng - Bài cuối: Tương lai thương mại toàn cầu
06:30'
Nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump có thể ủng hộ lập trường thương mại "Nước Mỹ trên hết", do đó một số quốc gia sẽ phải đối mặt với một hành động cân bằng phức tạp.
-
Phân tích - Dự báo
“Đế chế” Donald Trump 2.0 và những ảnh hưởng - Bài 2: Viễn cảnh u ám tại châu Âu
05:30'
Chính sách của ông Trump đã được người kế nhiệm là ông Joe Biden tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, lần này, quy mô của những gì ông dự định làm có thể sẽ lớn chưa từng có.
-
Phân tích - Dự báo
"Đế chế” Donald Trump 2.0 và những ảnh hưởng - Bài 1: Đông Nam Á vượt qua thế nào?
06:30' - 24/11/2024
Chênh lệch lớn về thuế suất sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho "kỹ thuật áp thuế", nghĩa là sắp xếp lại chuỗi cung ứng với mục đích duy nhất là đủ điều kiện để được hưởng mức thuế suất thấp hơn.
-
Phân tích - Dự báo
Lý do Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Nam Mỹ
05:30' - 24/11/2024
Theo tạp chí La Tribune, việc Chủ tịch Trung Quốc khánh thành một siêu cảng ở Chancay, miền Bắc Peru, cho thấy chính sách tăng cường đầu tư của Bắc Kinh vào khu vực Nam Mỹ.
-
Phân tích - Dự báo
Yếu tố quyết định sự phục hồi kinh tế Thái Lan
06:30' - 23/11/2024
Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan có thể đối mặt với rủi ro suy giảm nếu Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump theo đuổi các chính sách thương mại quyết liệt mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
-
Phân tích - Dự báo
"Chảy máu” vốn vì cơn sốt tiền điện tử và cổ phiếu Mỹ
05:30' - 23/11/2024
Thị trường tiền điện tử ở Hàn Quốc đã nổi lên như một kênh đầu tư thay thế hấp dẫn so với các sàn giao dịch chứng khoán nội địa đang đi xuống.
-
Phân tích - Dự báo
Hy vọng mới cho lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc
06:30' - 22/11/2024
Tại Trung Quốc, trong khi người dân tại các đô thị lớn đang phải “thắt lưng buộc bụng” do triển vọng kinh tế không chắc chắn, một câu chuyện lạc quan hơn đang diễn ra ở các thành phố cấp 3 và cấp 4.
-
Phân tích - Dự báo
Mỹ Latinh và bài toán tận dụng tối ưu nguồn vốn FDI
05:30' - 22/11/2024
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có ý nghĩa to lớn đối với các nước Mỹ Latinh trong việc hoạch định các chính sách kinh tế và chiến lược hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.