Liệu đồng yen Nhật Bản có đánh mất vai trò là "đồng tiền trú ẩn rủi ro"?

06:30' - 14/04/2022
BNEWS Đồng yen luôn được thị trường quốc tế coi là đồng tiền trú ẩn rủi ro, nhưng sau khi xảy ra sự kiện xung đột Nga-Ukraine vào tháng Ba, đồng yen liên tục suy giảm, đâu là lý do dẫn đến điều này?

Theo báo HK01 của Hong Kong (Trung Quốc), khi trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Sakakibara Eisuke cho rằng nếu tỷ giá đồng USD vượt ngưỡng 130 yen đổi 1 USD thì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ cảm thấy “hoang mang”. 

Ngày 28/3, đồng yen giao dịch ở mức 125,1 yen đổi 1 USD, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 8/2015 trở lại đây. Hiện nay, đồng yen dao động ở mức 123 yen đổi 1 USD. Tuy nhiên, thị trường kỳ vọng yen sẽ tiếp tục mất giá, có thể đạt thậm chí vượt ngưỡng 130 yen đổi 1 USD.

Trên thực tế, kể từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng cao kỳ vọng tăng lãi suất đến nay, đồng yen đã bước vào lộ trình mất giá. Sau ít tháng liên tục mất giá với biên độ nhỏ, đồng yen bước vào con đường mất giá nhanh, chỉ trong tháng Ba giảm giá 5% so với USD. 

Từ trước đến nay, đồng yen luôn được thị trường quốc tế coi là đồng tiền trú ẩn rủi ro, nhưng sau khi xảy ra sự kiện xung đột Nga-Ukraine vào tháng Ba, đồng yen liên tục suy giảm, lý giải vấn đề này như thế nào?  

* Tại sao yen được gọi là đồng tiền trú ẩn rủi ro?

Có thể nhận thức của nhiều người đối với chương trình nới lỏng định lượng (QE) là chính sách tiền tệ bất bình thường mà Fed áp dụng để ứng phó sau khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn năm 2008, nhưng trên thực tế không phải như vậy. 

Nhật Bản là quốc gia áp dụng chính sách QE sớm nhất trên thế giới, sau khi trải qua nền kinh tế bong bóng vào thập niên 1990 và khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Nhật Bản bắt đầu bước vào chu kỳ QE từ năm 1998. Xét từ góc độ đường cong lãi suất, kể từ khi Nhật Bản bước vào kỷ nguyên lãi suất 0% vào năm 1998, trong hơn 20 năm qua, cơ bản Nhật Bản chưa từng tăng lãi suất, ngoại trừ đợt tăng lãi suất nhỏ vào năm 2007. 

Sau khi bùng phát khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn năm 2008, chương trình QE của Nhật Bản đã cơ bản mất hiệu lực.

Sự ra đời của học thuyết “Abenomics” đã thúc đẩy chương trình nới lỏng định lượng và định tính tiền tệ (QQE) tiến xa hơn một bước so với QE, nghĩa là nới lỏng tiền tệ định lượng kết hợp với lãi suất âm. Bắt đầu từ năm 2012, bảng cân đối kế toán của BoJ cũng gia tăng đột biến. Những năm gần đây, tỷ lệ nợ chính phủ/GDP của Nhật Bản liên tục tăng mạnh. 

Từ trước đến nay, lãi suất thấp, thanh khoản dồi dào (một trong ba đồng tiền chủ chốt) khiến cho yen được thị trường tài chính coi là đồng tiền trú ẩn rủi ro. Có người đặt câu hỏi, quy mô nợ của Nhật Bản lớn như vậy, in rất nhiều tiền nhưng tại sao không dẫn đến sự mất giá mạnh của đồng tiền?

Có nhiều lý do giải thích cho điều này, nhưng điểm cốt lõi nhất là Nhật Bản đã duy trì vị thế quốc gia chủ nợ ròng lớn nhất thế giới trong 30 năm liên tiếp.

Năm 2021, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, tính đến cuối năm 2020, tài sản ròng bên ngoài của Nhật Bản là 356.970 tỷ yen. Năm 2020, yen tăng giá 5% so với USD, tài sản ở nước ngoài tính bằng yen của các doanh nghiệp và Chính phủ Nhật Bản thu hẹp. Tuy nhiên, đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản đang gia tăng.

Tài sản ròng ở bên ngoài khổng lồ của Nhật Bản là chìa khóa quan trọng nhất giúp khủng hoảng nợ của Nhật Bản không nổ ra, đồng thời hỗ trợ ổn định tỷ giá hối đoái. Bởi vì tài sản ròng bên ngoài khổng lồ của Nhật Bản có thể tạo ra nguồn thu nhập lớn hàng năm và liên tục đổ về trong nước, điều này giúp Nhật Bản có thể duy trì ổn định tỷ giá hối đoái một cách mạnh mẽ. 

Thông qua vòng tuần hoàn “lãi suất 0%-đồng tiền trú ẩn rủi ro-đầu tư nước ngoài-nguồn thu ở nước ngoài chuyển vào trong nước-hỗ trợ nợ trong nước và ổn định tỷ giá-duy trì lãi suất 0%”, Nhật Bản mới có thể in tiền nhiều trong năm như vậy, nhưng vẫn không dẫn đến khủng hoảng nợ và đồng tiền mất giá trong bối cảnh nợ cao.

* Ba nguyên nhân khiến đồng yen suy yếu

Tuy nhiên, tiền đề quan trọng của vòng tuần hoàn này là, kinh tế toàn cầu hóa tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh giúp đầu tư ở nước ngoài của Nhật Bản tiếp tục mang lại lợi nhuận tích cực. Nếu đầu tư ở nước ngoài của Nhật Bản bắt đầu thua lỗ, chuỗi tuần hoàn này của Nhật Bản sẽ sụp đổ. Trên thực tế, đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng khiến yen bắt đầu mất giá mạnh trong thời gian gần đây.

Tỷ giá hối đoái yen vững chắc được thiết lập dưới tiền đề kinh tế toàn cầu hóa tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao. Tuy nhiên, hiện nay tình hình địa chính trị toàn cầu đang chuyển biến xấu nhanh chóng, cộng thêm kinh tế thế giới chịu cú sốc của dịch COVID-19, chuỗi cung ứng hỗn loạn, giá năng lượng tăng mạnh…, dưới tác động tích hợp của nhiều nhân tố, xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa ngày càng rõ nét. Điều này đương nhiên sẽ tác động đến nền kinh tế Nhật Bản vốn phụ thuộc sâu vào toàn cầu hóa kinh tế, do đó yen mất giá.

Thứ hai, trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, cho dù cân nhắc từ góc độ đạo đức hay chính trị, Nhật Bản đều phải chọn bên, tuân theo các biện pháp trừng phạt Nga. Bằng cách đặt cược một chiều như vậy, nhà đầu tư cũng cảm thấy lo lắng đối với rủi ro của Nhật Bản.  

Thứ ba, một ngòi nổ trực tiếp là mâu thuẫn chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và Mỹ. Hai năm qua, Mỹ in tiền không kiểm soát dẫn đến lạm phát nghiêm trọng. Theo số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 2/2022 của Mỹ tăng 7,9% so với cùng kỳ, ghi nhận mức tăng theo năm cao nhất kể từ tháng 01/1982. Điều này buộc Fed phải tăng lãi suất mạnh mẽ. Fed dự báo, lãi suất quỹ liên bang (lãi suất quỹ Fed) trung bình năm 2022 là 1,9%, nghĩa là tổng cộng sẽ tăng lãi suất 7 lần trong năm.

Trong khi đó, Nhật Bản là nền kinh tế hướng ngoại, BoJ duy trì lãi suất âm dài hạn để kích thích nền kinh tế yếu kém. Nếu BoJ rút lại chu kỳ nới lỏng sẽ trực tiếp gây tổn hại đà phục hồi của nền kinh tế vốn phụ thuộc nghiêm trọng vào xuất khẩu. Thêm vào đó, Nhật Bản là một quốc gia không cho phép bình thường hóa lãi suất do đã tích lũy quá nhiều nợ, ngay cả khi lãi suất tăng với biên độ nhỏ cũng có thể dẫn đến khủng hoảng nợ.  

Do đó, khi Fed muốn tăng lãi suất khẩn cấp và Thống đốc Haruhiko Kuroda nhấn mạnh “Nhật Bản tuyệt đối không tăng lãi suất”, điều này hiển nhiên trở thành sức ép đè nặng lên yen.  

Kể từ sau cuộc khủng hoảng bong bóng, kinh tế Nhật Bản liên tục ảm đạm, BoJ đã đi trên con đường duy trì nới lỏng định lượng không thể quay bước, từ học thuyết “Abenomics” đến chính sách QQE của Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda, mặc dù đều thể hiện quyết tâm phục hồi nền kinh tế, nhưng từ trước đến nay quyền chủ động chưa bao giờ nằm trong tay Nhật Bản. Hơn nữa, khi tái khẳng định đồng yen yếu có lợi cho nền kinh tế Nhật Bản trước Quốc hội, ông Haruhiko Kuroda cũng phải cân nhắc đến việc sức mua xuống thấp có thể dẫn đến sự hạ nhiệt của nền kinh tế Nhật Bản.

Khi giá dầu quốc tế thấp, thặng dư thương mại của Nhật Bản có thể tăng mạnh từ việc hưởng lợi của đồng yen mất giá. Tuy nhiên, hiện nay giá dầu quốc tế đã ở trên ngưỡng 100 USD/thùng, nên đồng yen tiếp tục mất giá sẽ nâng cao chi phí nhập khẩu năng lượng. Dưới tác động của việc giá nhập khẩu năng lượng tăng, thâm hụt thương mại tháng Hai của Nhật Bản vượt dự báo. 

Theo số liệu của Bộ Thương mại Nhật Bản, nhập khẩu tháng 2/2022 của nước này tăng 35% so với cùng kỳ, không những vượt qua mức dự báo 28%, mà còn cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu 19,1%. Điều này cũng khiến cho thâm hụt thương mại tháng Hai của Nhật Bản đạt 668,3 tỷ yen, cao hơn kỳ vọng của thị trường là 112,6 tỷ yen, đồng thời cũng ghi nhận nhập siêu tháng thứ 7 liên tiếp. Xét từ góc độ này, liệu đồng yen mất giá thực sự có lợi cho nền kinh tế Nhật Bản hay không?./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục