Liệu Eurozone có để tuột mất đà phục hồi tăng trưởng trong năm 2022?

06:30' - 03/12/2021
BNEWS Tốc độ tăng trưởng nhanh của châu Âu có được từ việc mở cửa trở lại gần như đã không còn và dự báo rằng phục hồi tiêu dùng sẽ chậm lại trong mùa Đông.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong quý III/2021 đã gây bất ngờ theo chiều hướng tích cực khi ghi nhận tăng trưởng 2,2% so với quý trước đó. Kết quả này chủ yếu là nhờ đóng góp từ Pháp và Italy, trong khi Tây Ban Nha lại gây thất vọng.

Hiện trạng nền kinh tế

Nhìn chung, Eurozone đã có một mùa Hè tương đối bình yên, nhưng rõ ràng tăng trưởng dường như đang bắt đầu chậm lại đáng kể trong quý cuối cùng của năm. Bên cạnh đó, đợt tăng giá năng lượng gần đây đã khiến lạm phát trong tháng 10 tăng mạnh lên mức trên 4%.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực trong năm 2021 lên 5,1%, trong khi hạ dự báo cho năm 2022 từ 4,5% xuống còn 4,2%.

Các chỉ số hoạt động tháng tiếp tục cho thấy nền kinh tế Eurozone đang dần mất đà khi tiến gần đến cuối năm. Sau hai quý tăng trưởng tốt nhất trong lịch sử, nền kinh tế của khu vực hiện đang chịu tác động từ các vấn đề chuỗi cung ứng và sự gia tăng mạnh của lạm phát trong những tháng gần đây.

Với những khó khăn tồn tại lâu dài hơn dự kiến, GDP của khu vực Eurozone trong quý IV/2021 nhiều khả năng sẽ chỉ tăng 0,7% so với quý trước, thấp hơn mức dự báo trước đây là 0,9%.

Khu vực sản xuất vẫn bị đè nặng bởi vấn đề dai dẳng về nguồn cung và chi phí đầu vào tăng cao. Trong khi đó, tình trạng tắc nghẽn nguồn cung sẽ chỉ bình thường lại một cách từ từ trong năm tới, vì vậy, lĩnh vực dịch vụ sẽ phải thực hiện nhiệm vụ nặng nề là hỗ trợ nền kinh tế. Tác động tiêu cực sẽ tiếp tục được thấy rõ trong các số liệu.

Lạm phát trong tháng 10 của khu vực Eurozone là 4,1% - mức cao nhất kể từ năm 2008. Nhiều khả năng động lực này sẽ tiếp tục trong vài tháng tới với lạm phát được dự báo sẽ duy trì ở mức trên 3% trong quý I/2022.

Các thành viên có quan điểm diều hâu hơn trong Hội đồng ECB có thể sẽ cố gắng sử dụng điều này để thúc đẩy việc cắt giảm nhanh hơn các chương trình mua tài sản, cảnh báo chống lại các hiệu ứng vòng thứ hai. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiếp tục thực hiện các chính sách nới lỏng định lượng (QE), nhưng sẽ không tác động đến chính sách lãi suất do ECB đã có hướng dẫn trước.

Các dự báo tổng quan

GDP của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu trong quý III/2021 đã gây bất ngờ với mức tăng trưởng 2,2% so với quý trước. GDP của Pháp và Italy tăng lần lượt 3% và 2,6%, đều gây bất ngờ theo hướng tích cực. Tăng trưởng GDP của Tây Ban Nha được báo là 2%, trong khi tốc độ tăng trưởng của Đức là 1,8%. GDP của khu vực hiện chỉ thấp hơn 0,5% so với mức trước đại dịch COVID-19. Chỉ có tăng trưởng GDP của Tây Ban Nha cho đến nay "tụt lại" xa nhất, thấp hơn 6% so với mức trước đại dịch.

Mặc dù chưa có đầy đủ thông tin chi tiết các số liệu GDP, nhưng một số dữ liệu cho thấy động lực rất khác nhau giữa các quốc gia. Trong khi tiêu dùng tư nhân thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ ở Pháp, yếu tố này lại bất ngờ giảm ở Tây Ban Nha. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế Đức rõ ràng đã bị ảnh hưởng bởi lĩnh vực công nghiệp còn yếu, với sản lượng công nghiệp trong quý III/2021 dự kiến sẽ giảm quý thứ hai liên tiếp. Mặt khác, kinh tế Italy chỉ giảm tốc rất nhẹ so với quý II/2021.

Nhìn về tương lai, triển vọng của quý IV/2021 trong khu vực Eurozone là không mấy sáng sủa. Dữ liệu tháng tiếp tục cho thấy sự chậm lại dần, nhưng liên tục trong hoạt động kinh tế. Mặc dù khu vực Eurozone vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trên mức trung bình trong những quý tới, nhưng rõ ràng tốc độ tăng trưởng đã đạt đỉnh dự báo tăng trưởng trung bình sẽ dao động quanh khoảng 0,8% trong 5 quý tới.

Ngoài ra, mặc dù tiến triển trong kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 có thể giúp giữ mức lây nhiễm trong tầm kiểm soát, nhưng nguy cơ phải tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế vẫn chưa hoàn toàn mất đi.

Các hạn chế kéo dài đối với một số hoạt động trong nhà và việc duy trì giãn cách xã hội tự nguyện có thể làm giảm hoạt động của lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt nếu biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 làm gia tăng số ca nhiễm.

Tiêu dùng trở thành động lực chính trong năm 2022

Hiện tại, dự báo mức tăng trưởng GDP trong năm 2021 của khu vực là 5,1% và năm 2022 là 4,2%, với việc GDP phục hồi về mức trước đại dịch vào cuối năm 2021. Có một số yếu tố làm cơ sở cho dự báo này.

Nhu cầu bị dồn nén đã thổi bùng sự phục hồi trong tiêu dùng. Tiêu dùng trong quý thứ hai của năm đã tăng mạnh 3,4% so với quý trước và đóng vai trò là động lực chính cho sự phục hồi kinh tế. Mức tăng trưởng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong quý III, khiến chi tiêu tiêu dùng chỉ thấp hơn 3% so với mức trước đại dịch.

Cơ cấu chi tiêu của người tiêu dùng cũng đang bắt đầu quay trở lại mô hình trước đại dịch. Chi tiêu tiếp tục chuyển từ hàng hóa sử dụng lâu bền và sang các dịch vụ được mở cửa trở lại. Chi tiêu cho dịch vụ trong quý II tăng 4,7% so với quý trước, nhưng vẫn thấp hơn 12% so với giai đoạn trước đại dịch.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng dễ dàng có được từ việc mở cửa trở lại gần như đã không còn và dự báo rằng phục hồi tiêu dùng sẽ chậm lại trong mùa Đông. Mặc dù vậy, dự báo chi tiêu vẫn sẽ tăng mạnh trong năm 2022. Hiện tại, chi tiêu tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng 3,3% trong năm 2021, sau khi giảm 8% trong năm 2020 và ước tăng 6,8% trong năm 2022.

Ngoài ra, hoạt động đầu tư cũng có thể gây bất ngờ theo hướng tích cực. Bất chấp những vấn đề đang xảy ra đối với lĩnh vực công nghiệp, một chu kỳ chi tiêu vốn mạnh mẽ được kỳ vọng sẽ diễn ra. Một phần của điều này là nhờ sự thúc đẩy mạnh mẽ có được từ kế hoạch Next Generation EU (Thế hệ tiếp theo của EU), song dữ liệu về các đơn đặt hàng tiếp tục cho thấy sức mạnh bền vững về nhu cầu, cho thấy các công ty vẫn sẵn sàng đầu tư.

Mặc dù hoạt động thương mại được dự báo sẽ suy yếu, song lĩnh vực dịch vụ sẽ hỗ trợ tăng trưởng. Khi tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt đỉnh, ECB cho rằng xuất khẩu hàng hóa sẽ chậm lại trong năm tới. Tuy nhiên, do dịch vụ tăng mạnh nên tổng sản lượng xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng 6% trong năm tới, sau khi đã tăng 10% trong năm 2021.

Đối với việc chỉ số lạm phát toàn phần trong tháng 10 đã tăng lên mức 4,1%, việc giá năng lượng tăng gần đây và những tắc nghẽn trong nguồn cung là những yếu tố chính làm giá cả tăng mạnh so với tháng trước.

Lạm phát năng lượng tăng khoảng 25% so với năm ngoái, trong khi giá dịch vụ (chủ yếu là do chi phí vận tải tăng mạnh) và hàng hóa công nghiệp không phải là năng lượng cũng tăng khoảng 2%. Do đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong khu vực nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức gần 4% trong vài tháng tới và ở mức trên 3% trong quý I/2022.

Cuộc họp của ECB hồi tháng 10 đã không mang lại bất kỳ thay đổi nào. Điều này khiến cho cuộc họp vào tháng 12 là thời điểm quan trọng cho tương lai của việc cắt giảm dần các biện pháp nới lỏng định lượng.

Nhìn chung, kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất tiếp tục là ECB sẽ thông báo kết thúc Chương trình Thu mua khẩn cấp trong đại dịch (PEPP) vào tháng 12 và tăng tốc độ Chương trình Mua Tài sản (APP) để duy trì các điều kiện tài chính thuận lợi.

Tuy nhiên, vì có khả năng có những đánh giá khác nhau về triển vọng lạm phát trong Hội đồng ECB, nên đây không phải là một kết luận chắc chắn. Dù vậy, có một rủi ro là một số thành viên diều hâu trong Hội đồng ECB sẽ sử dụng việc lạm phát tăng để thúc đẩy việc cắt giảm nhanh hơn việc mua tài sản, cảnh báo chống lại các hiệu ứng vòng thứ hai.

Điều này có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nới lỏng định lượng của ECB, nhưng sẽ không tác động đến chính sách lãi suất, với đợt tăng lãi suất đầu tiên vẫn được dự kiến sẽ xảy ra vào năm 2025./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục