Lĩnh vực tài chính của Singapore tạo thêm 22.000 việc làm từ 2015-2019

08:00' - 15/08/2020
BNEWS Lĩnh vực tài chính của Singapore đã tạo thêm được 22.000 vị trí việc làm mới trong thời gian từ năm 2015 tới năm 2019, và trong số đó 3/4 vị trí việc làm được dành cho người Singapore.

Phó Giám đốc điều hành Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS tức ngân hàng trung ương) Jacqueline Loh cho hay lĩnh vực tài chính của Singapore đã tạo thêm được 22.000 vị trí việc làm mới trong thời gian từ năm 2015 tới năm 2019, và trong số đó 3/4 vị trí việc làm được dành cho người Singapore.

Trong nửa đầu năm 2020, cũng đã có thêm 1.500 lao động được tuyển dụng thuộc lĩnh vực tài chính và người Singapore tiếp tục chiếm hơn 75% số vị trí việc làm này.

Bà Loh cho biết, khoảng 15.000 người Singapore nói trên có mức lương nằm trong số 40% những người được hưởng lương cao nhất tại Singapore trong năm 2016. Thu nhập trung bình của người lao động Singapore thuộc lĩnh vực tài chính trong năm 2019 là 7.600 SGD (5.548 USD)/tháng, cao hơn rất nhiều so với mức thu nhập trung bình của cả Singapore là 4.600 SGD (3.358 USD)/năm.

Trong năm 2019, lĩnh vực tài chính của Singapore đóng góp khoảng 13,3% GDP của Singapore và tuyển dụng hơn 170.000 nhân lực. Theo bà Loh, việc cắt giảm việc làm trong lĩnh vực tài chính trong năm 2020 tại Singapore đến nay ở mức vừa phải.

Số liệu của Bộ Nhân lực (MOM) cho thấy số lượng cắt giảm việc làm trong quý I/2020 trong lĩnh vực tài chính và dịch vụ bảo hiểm ở mức tương tự mức cắt giảm trung bình theo quý của năm 2019. Bà Loh cũng khẳng định Singapore sẽ vẫn tiếp tục chào đón nhân tài từ các nước đến Singapore làm việc và bổ sung cho lực lượng lao động của nước này.

Bà Loh cho hay trong chiến lược phát triển của Singapore vẫn có việc thu hút thêm các tổ chức, trụ sở tài chính toàn cầu và khu vực hoạt động tại đây để phục vụ khu vực châu Á. Và khi lực lượng lao động toàn cầu “đa dạng” được đưa đến thì tỷ lệ người Singapore trong các tổ chức tài chính này có thể chịu áp lực lớn.

Tuy nhiên, việc có nhiều hơn tổ chức, định chế tài chính toàn cầu và khu vực cũng đồng nghĩa với việc tăng trưởng nhiều hơn, tạo việc làm và cơ hội cho người Singapore, cho phép họ tiếp cận với nước ngoài, thậm chí có thể đảm nhiệm vị trí lãnh đạo ở nước ngoài.

Theo bà Loh, những nỗ lực để tái đào tạo tay nghề, kỹ năng và tái tuyển dụng người lao động vào các vị trí việc làm mới hoặc vị trí việc làm được mở rộng đã giúp tránh khỏi được sự cắt giảm nhân viên, đóng góp vào xu hướng giảm dần việc cắt giảm nhân lực trong lĩnh vực tài chính, từ con số 2.300 việc làm (năm 2016) xuống còn 1.300 việc làm (năm 2019).

Hiện MAS, Viện Nghiên cứu Ngân hàng và Tài chính (IBF) và 13 định chế tài chính đang nghiên cứu xây dựng một nền tảng trí tuệ nhân tạo để tự động hóa quy trình xác định các yếu tố gần gũi bổ sung trong việc làm và các kỹ năng, qua đó có thêm nhiều người lao động có thể hưởng lợi từ việc đào tạo lại và chuyển sang các vai trò phù hợp.

Gần 60 tổ chức tài chính cũng đã đưa ra khoảng 1.300 vị trí thực tập sinh cho sinh viên mới tốt nghiệp. Tính đến cuối tháng 7/2020, 50 tổ chức tài chính đã cam kết tuyển dụng 900 người Singapore trong vòng ba năm tới. Một số tổ chức tài chính lớn ở Singapore cũng đã đưa ra cam kết tránh cắt giảm việc làm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục