LinkedIn - Mạng xã hội cho người chuyên nghiệp

09:45' - 25/06/2022
BNEWS Có lẽ với nhiều ứng viên hiện nay thì mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn là sự lựa chọn số một bởi nền tảng này chính là cầu nối giữa người tìm việc và nhà tuyển dụng.

LinkedIn là một nền tảng mạng xã hội với vai trò định hướng dịch vụ xã hội chuyên nghiệp, cho phép các thành viên tạo lý lịch trực tuyến, liệt kê các vai trò công việc hiện tại và trước đây, kỹ năng và trình độ học vấn của họ.

Họ có thể kết nối mạng với các thành viên LinkedIn khác, những người có thể tìm kiếm theo các tiêu chí trên và hơn thế nữa. Người dùng LinkedIn có thể được xác nhận bởi những người dùng khác, cho các kỹ năng cá nhân hoặc thông qua tài liệu tham khảo bằng văn bản tổng quát hơn.

Các thành viên có thể tham gia các nhóm nghề nghiệp phù hợp với sở thích của họ. Cũng như các chuyên gia cá nhân, LinkedIn cho phép các doanh nghiệp tạo hồ sơ và liệt kê các vị trí tuyển dụng hiện tại. Các thành viên có thể ứng tuyển các vị trí này trực tiếp thông qua giao diện của LinkedIn. Có thể thấy, LinkedIn là mạng xã hội dành cho người chuyên nghiệp lớn nhất hành tinh.

* Khởi đầu chậm chạp

Mùa hè năm 2003, nhà sáng lập Reid Hoffman lên ý tưởng về LinkedIn nhưng hành trình đến đỉnh cao của nó không hề dễ dàng. Có những ngày, mạng tuyển dụng chỉ có 20 người đăng ký tài khoản. Song, đến nay, LinkedIn đã có 740 triệu thành viên tại 200 quốc gia.

Reid Hoffman khởi nhiệp với LinkedIn khi đã 41 tuổi. Ngay từ đầu, cựu sinh viên Stanford đã hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng và dựa vào mạng lưới. Ông từng có trải nghiệm cay đắng khi tiếp cận nhiều nhà đầu tư mạo hiểm để trình bày ý tưởng thành lập công ty phần mềm nhưng đều bị từ chối.

Sau đó, ông vào làm tại Apple và Fujitsu trước khi nghỉ việc để tự kinh doanh. Ông cùng hai người bạn Peter Thiel và Max Levchin gia nhập ban quản trị PayPal, rồi bán PayPal cho eBay năm 2002.

Năm 2003, LinkedIn ra đời với tầm nhìn thay đổi cách mọi người quản lý cuộc sống công việc thông qua kết nối đúng người, đúng thông tin. Ban đầu, công ty muốn bỏ tiền tiếp thị đến những khách hàng doanh nhân, nhà đầu tư mạo hiểm, người tìm việc làm tại khu vực Vùng Vịnh San Francisco. Tốc độ đăng ký thành viên tương đối chậm do mọi người không thể hiểu nổi giá trị của LinkedIn nằm ở đâu.

Đến cuối năm 2004, startup chỉ có 150.000 người dùng, tăng trưởng dưới chuẩn một sản phẩm Internet. Không nản lòng, các nhà sáng lập tiếp tục nỗ lực cải thiện và bổ sung tính năng vào nền tảng để xây dựng cộng đồng, gia tăng sức hấp dẫn.

Dù vậy, sự tự tin của cả nhóm không đồng nghĩa với hứng thú từ các nhà đầu tư. Chỉ có 2/26 nhà đầu tư mạo hiểm là Sequoia và Nokia Ventures phản hồi lại hồ sơ của LinkedIn. Nhận thấy nhu cầu phải chứng minh lợi nhuận nhanh chóng và ổn định, LinkedIn “bật” chế độ nghiêm túc vào năm 2005 với màn ra mắt của các tính năng việc làm và mô hình trả phí, mở rộng quy mô với hơn 5 triệu người đăng ký.

Một năm sau, LinkedIn bắt đầu kiếm ra tiền, ngay cả khi Internet chưa phổ biến như bây giờ. Khi toàn cầu hóa và kết nối thế giới trở thành xu hướng, LinkedIn mở rộng tầm với sang các thị trường châu Âu và mở văn phòng quốc tế đầu tiên tại Vương quốc Anh.

 

Có lẽ, bạn sẽ nghĩ, cuối cùng cả nhóm đã được đền đáp, tuy nhiên, thực tế LinkedIn vấp phải hai rào cản lớn: quan điểm của người tiêu dùng và sự nhạy bén của tổ chức. Duy trì sự phát triển đồng nghĩa với việc họ cần phải thuê một CEO càng sớm càng tốt.

Cho đến lúc đó, các nhà sáng lập đầu tư nỗ lực để trả lời các câu hỏi về sản phẩm hơn là nhu cầu của tổ chức. Ông Reid đã phát triển một văn hóa với tầm nhìn sản phẩm, chiến lược kinh doanh mạnh mẽ, song những gì LinkedIn cần lại là một người giàu kinh nghiệm về sản phẩm Internet. Một người có thể thúc đẩy công ty mở rộng quy mô và đọi ngũ, hiểu sâu sắc về người dùng và đặt mọi người vào đúng vị trí của họ.

Vì vậy, giữa năm 2009, LinkedIn đã mời Jeff Weiner, một cựu tướng Warner Bros và Yahoo, vào ghế CEO, thay thế nhà sáng lập Reid Hoffman.

* LinkedIn dưới thời Microsoft

Sự xuất hiện của ông Weiner đã thổi làn gió mới vào LinkedIn. LinkedIn đang ở giai đoạn cần tạo cảm hứng cho nhân viên của mình. Điều đó đòi hỏi một tầm nhìn rõ ràng hơn, đó là tạo sinh kế cho 3,3 tỷ lao động trên toàn cầu bằng cách khớp kỹ năng của họ với cơ hội việc làm.

Weiner liên tục duy trì sự sáng tạo trong LinkedIn. Cuối cùng, LinkedIn đã chuyển từ một cổng thông tin tuyển dụng sang một mạng lưới dành cho dân chuyên nghiệp với các nội dung liên quan đến các ngành nghề và giải pháp văn phòng. Không chỉ có vậy, LinkedIn còn chuyển hướng sang các ấn phẩm, hướng tới đối tượng doanh nhân. Sáng kiến rõ ràng làm thay đổi nhận thức của mọi người về LinkedIn, từ “cổng tuyển dụng” đến “nền tảng chuyên nghiệp đa ngành”.

4 năm sau khi được bổ nhiệm vào tháng 12/2008, LinkedIn ghi nhận doanh thu tăng gấp 10 lần. Ông vượt kỳ vọng của các nhà phân tích hết quý này sang quý khác, tăng 50% nhân viên và đẩy nhanh việc tuyển dụng trên toàn cầu. Ngày 19/5/2011, LinkedIn trở thành công ty đại chúng, đặt nền móng cho các công ty mạng xã hội tư nhân khác.

Năm 2016, Microsoft đã khiến cả thế giới công nghệ dậy sóng khi mua lại LinkedIn vào năm 2016 với giá 26,2 tỷ USD, và đây được xem là thương vụ thành công bậc nhất trong lịch sử công ty Redmond. Sau khi “về với đội” của Microsoft chưa đầy 3 năm, số người dùng của LinkedIn đã tăng thêm 52% lên 660 triệu tài khoản, đồng thời đóng góp 6,75 tỷ USD vào doanh thu của Microsoft trong năm tài chính 2019.

Microsoft đánh bại những người mua tiềm năng khác như Salesforce, Facebook, Google. Với các thương vụ quy mô lớn như vậy, rất khó để giữ văn hóa độc lập với nhau, song ông Weiner yêu cầu vận hành LinkedIn như một doanh nghiệp độc lập. Đó là lý do chính khiến thương vụ thành công.

Khi Microsoft mua lại LinkedIn, CEO của Microsoft Satya Nadela đã đưa ra cam kết về việc sẽ cho phép LinkedIn có thể hoạt động độc lập 100% dưới sự dẫn dắt của Jeff Weiner với tư cách là người đứng đầu công ty, chỉ phải chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp với Satya Nadella.

Ngoài ra, nhà đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman sẽ không ra đi mà ở lại nắm giữ một vị trí trong ban giám đốc của Microsoft. Có thể nói CEO Satya Nadella đã cho LinkedIn quyền tự chủ không thể thoái mái hơn đối với một công ty con.

Sự đồng bộ, liền mạch giữa LinkedIn và hệ sinh thái ứng dụng Microsoft chính là một trong những thay đổi rõ rệt nhất, có đóng góp lớn cho thành công trên. Chẳng hạn, LinkedIn hiện có thể truy cập được nhanh chóng từ Microsoft Outlook, hay tính năng Newsfeed thông minh lấy thông tin từ các ứng dụng Office có thể được coi là một cách để các nhà quản lý hiểu nhân viên dự án đang làm gì trên LinkedIn.

Sau quãng thời gian bước đầu có phần chuệch choạc, tình hình kinh doanh của LinkedIn dần ổn định và tăng tốc khi đội ngũ lãnh đạo mới đã tự tin đưa ra những quyết sách độc lập hơn.

Bản thân LinkedIn không được quan tâm nhiều như Nokia và aQuantive sau khi trở thành công ty con của Mircosoft, nhưng chính điều này đã làm nên thành công cho họ. Với đội ngũ lãnh đạo tài năng, quyết đoán, và được tự do sáng tạo, LinkedIn chắc chắn sẽ còn đạt được nhiều thành công hơn trong tương lai.

>>>  Bí kíp "hóa rồng" của Sony
 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục