Ljubljana – Hòn ngọc xanh của Trung Âu

08:20' - 05/06/2024
BNEWS Ljubljana - thủ đô của Cộng hòa Slovenia, một đất nước xinh đẹp nằm ở khu vực Trung Âu - đang trở thành điểm đến ngày càng cấp dẫn nhờ không gian xanh độc đáo của mình.

Bên cạnh những giá trị văn hóa, kiến trúc được bảo tồn, thành phố đặc biệt quan tâm quy hoạch và đầu tư cho hạ tầng xanh, qua đó cung cấp môi trường lành mạnh và không gian xanh cho các hoạt động giải trí, bảo vệ đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời mang lại lợi ích kinh tế.

Ljubljana đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử với các cuộc chiến tranh và thảm hoạ thiên nhiên. Từ vị trí của một địa danh ít được biết đến, thủ đô của Cộng hòa Slovenia, quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurzone), đã vươn mình trở thành một trong những điểm đến hàng đầu châu Âu.

Năm 2016, thành phố này trở thành “Thủ đô Xanh” của châu Âu. Trong nhiều năm liền, Ljubljana được trao danh hiệu “Thành phố thân thiện với Trái Đất”. Ngày nay, Ljubljana và Slovenia thường được gắn liền với danh xưng “Trái tim xanh của châu Âu”. Riêng thủ đô Ljubljana còn được gọi với cái tên “Athens mới của Trung Âu”.

Những thành quả này của Ljubjana không phải tự nhiên mà có được. Dựa trên chiến lược phát triển xanh, Ljubljana thúc đẩy tái tạo các khu vực bỏ hoang, khuyến khích phát triển, bảo vệ không gian xanh. Chính quyền thủ đô Slovenia tuyên bố “đổi mới xanh là một phần ADN của thành phố”.

Bản sắc xanh của Ljubljana được thể hiện rõ qua chỉ số 540 mét vuông không gian xanh công cộng cho mỗi người dân và diện tích cây xanh bao phủ gần 75% thành phố thủ đô. Hầu hết mọi con phố, khuôn viên của Ljubljana đều rợp bóng cây.

Đan xen những tuyến đường lớn, quảng trường là các mảng “rừng trong thành phố”, công viên xanh yên tĩnh. Điển hình như công viên Tivoli với chiều dài lên tới 5 km, là nơi lý tưởng cho các hoạt động dã ngoại, trải nghiệm.

Mặc dù có dân số ít (chưa đến 300.000 dân), song trước năm 2007, thủ đô của Slovenia cũng bị ảnh hưởng nặng nề do lưu lượng giao thông cao và tình trạng tắc nghẽn hằng ngày trên các tuyến phố.

Tầm nhìn Ljubljana 2025 đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt thành phố khi kết hợp các khái niệm phát triển bền vững với quy hoạch đô thị một cách chặt chẽ và hài hòa.

Nếu trước đây, người dân thủ đô Ljubljana thường xuyên di chuyển bằng xe ô tô cá nhân, ít sử dụng phương tiện công cộng, đi bộ hay đạp xe thì đến nay, tỷ lệ này đã được đảo ngược khi phương tiện được yêu thích là chiếc xe đạp thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, nhiều người chọn cách đi bộ kết hợp sử dụng phương tiện công cộng chạy bằng nhiên liệu xanh vì sự tiện lợi và chi phí thấp.

Chính quyền thành phố đã quyết định hạn chế ô tô đi vào nội thành, đồng thời đóng cửa nhiều tuyến phố, các quảng trường công cộng đối với phương tiện cơ giới. Chính sách này giúp Ljubljana tạo ra không gian lý tưởng, có tổng diện tích lên tới 17 ha, dành cho người đi bộ và đi xe đạp.

 

Một trong những tuyến giao thông huyết mạch của Ljbljana là đại lộ Slovenska nằm theo trục Bắc-Nam đã trở thành không gian chung cho người đi bộ, đạp xe và phương tiện giao thông công cộng. Từ năm 2017, Ljubljana áp dụng chiến lược giao thông tích hợp, tập trung vào khả năng di chuyển bền vững và ít phụ thuộc vào ô tô hơn.

Đến nay, thủ đô của Slovenia là thành phố duy nhất 2 lần giành Giải thưởng Giao thông châu Âu. Để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi bộ, đạp xe và sử dụng phương tiện công cộng, Ljubljana đã tạo ra những bước đột phá về hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến phố trước đây không có làn dành riêng cho xe đạp, nay đã có vỉa hè phân làn cho người đi bộ và đạp xe có độ rộng tương đương, thậm chí lớn hơn đường chính.

Tổng chiều dài các tuyến đường dành cho xe đạp tại Ljubljana lên tới hơn 300 km và tiếp tục được mở rộng hàng năm. Hạ tầng dành cho người đi xe đạp cũng được ưu tiên với các giá để xe đạp, bãi đỗ xe an toàn. Bên cạnh đó, thành phố phát triển rộng rãi hệ thống chia sẻ xe đạp qua ứng dụng BicikeLJ, trở thành một trong những chương trình chia sẻ xe đạp thành công nhất châu Âu.

Cùng với hạ tầng xanh và giao thông, Ljubljana còn được coi là “thành phố không rác thải” duy nhất ở châu Âu với hệ thống phân loại, thu gom và xử lý rác thải hàng đầu thế giới. Thành phố hợp tác với Trung tâm Sinh học và Công viên Sinh thái để thúc đẩy các công nghệ bền vững môi trường trong quản lý chất thải.

Trung tâm Quản lý Chất thải Khu vực Ljubljana (RCERO) là trung tâm quốc gia về quản lý chất thải thân thiện với môi trường, thu hồi hầu hết rác thải của thành phố và chưa đến 5% được đưa vào bãi chôn lấp.

Với những thành tựu đáng nể về phát triển hạ tầng xanh, không gian công cộng thân thiện môi trường, Ljubljana còn được đặt biệt danh là “thành phố nhỏ với tầm nhìn lớn”. Tầm nhìn 2025 đã giúp Ljubljana tạo ra hàng loạt đột phá, giúp nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời đưa thủ đô Slovenia trở thành điểm đến ngày càng thu hút đối với bạn bè quốc tế. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục