LNG có thể là cầu nối giúp Mỹ và Trung Quốc giải quyết bất đồng thương mại

05:30' - 21/10/2018
BNEWS Thỏa thuận về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể giúp giảm bớt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tại Hội thảo kỹ thuật ngành dầu khí 2018 do Hiệp hội dầu mỏ Mỹ - Trung Quốc (CAPA) tổ chức, giới chuyên gia đã đưa ra nhận định rằng một thỏa thuận về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể giúp giảm bớt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, giữa bối cảnh tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Theo đó, ông Langtry Meyer, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của công ty Texas LNG, nhận định rằng LNG có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm một giải pháp cho những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông giải thích rằng Trung Quốc là một trong những nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ cũng lại là một trong những nhà sản xuất khí đốt lớn nhất toàn cầu.

Ông Meyer cho rằng nhu cầu về khí đốt của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, và Mỹ có đủ khí đốt tự nhiên để kéo dài khai thác trong hơn 90 năm nữa.
Chính vì vậy, ông Meyer kêu gọi hai nước hợp tác hơn nữa trong việc buôn bán khí đốt tự nhiên, vốn cũng phục vụ cho lợi ích của cả hai nền kinh tế.

Ông nhấn mạnh rằng đây cũng là cơ hội để Mỹ giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông Steven Lewandowski, một quan chức cấp cao của công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), cho biết rằng các biện pháp thuế quan do Mỹ và Trung Quốc tiến hành có những tác động liên đới đối với niềm tin của nhà đầu tư và giá trị các tài sản trên thị trường.

Chúng cũng có tầm quan trọng tương đương những hiệu ứng đối với hoạt động thương mại.
Ông Lewandowski nói rằng với tình hình “sức khỏe” hiện tại của kinh tế Mỹ, các biện pháp thuế quan được đưa ra không đúng lúc bởi lẽ những tác động tiêu cực sẽ vượt quá những lợi ích thương mại mà chúng mang lại.

Chuyên gia này khẳng định rằng các biện pháp trả đũa của Mỹ sẽ làm cho vấn đề tồi tệ hơn.
Còn đối với Trung Quốc, ông Lewandowski cho rằng các biện pháp thuế sẽ tác động đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới theo hai cách: cản trở hoạt động xuất khẩu và làm giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục