Lời giải cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Bài cuối: Thời điểm tốt nhất để Việt Nam cải cách lại thị trường vốn

16:00' - 22/03/2023
BNEWS Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN mới đây, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, nhận định hiện nay là thời điểm tốt nhất để Việt Nam cải cách lại thị trường vốn.

Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, về những bài học kinh nghiệm của nước ngoài mà Việt Nam có thể áp dụng trong quản lý, giám sát thị trường này, cũng như những triển vọng và thách thức đối với thị trường trong năm nay, những công cụ mà Việt Nam có thể sử dụng để hỗ trợ thị trường

Trước hết, ông Nguyễn Minh Cường nêu lên ba bài học từ các quốc gia trên thế giới để Việt Nam có thể tham chiếu trong nỗ lực khôi phục và phát triển lành mạnh, hiệu quả thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bài học đầu tiên mà ông Nguyễn Minh Cường đề cập tới là khi nền kinh tế chuyển trạng thái, khâu yếu nhất bao giờ cũng có rủi ro cao nhất. Đó là những bài học của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và cũng là điều đang xảy ra ở Việt Nam. Trên thị trường tài chính, khâu quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp thường không chặt chẽ như với thị trường tiền tệ, cổ phiếu và đây là một thực tế không chỉ có ở Việt Nam. Khi nền kinh tế chuyển từ trạng thái nới lỏng sang thắt chặt, thông thường khâu yếu nhất sẽ bị bộc lộ. Năm 2008, khi Mỹ chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ sau một thời gian dài thực hiện chính sách nới lỏng, thị trường đổ vỡ đầu tiên là trái phiếu và bất động sản, những lĩnh vực quản lý lỏng lẻo. Việt Nam đang xảy ra hiện trạng tương tự.

Thời điểm bùng nổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu là thời điểm Việt Nam đang tiến hành chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ trong giai đoạn dịch COVID-19. Sự bùng nổ đó là do hai lý do, một là do sản xuất đi xuống, nhu cầu đi xuống, chuỗi cung ứng đứt gãy đã hạn chế nhu cầu tín dụng của sản xuất. Khi kinh doanh, sản xuất không bắt nhịp được, kết hợp với sự quản lý dòng tiền chưa thật sự hiệu quả, thì dòng tiền sẽ đổ vào thị trường cổ phiếu, bất động sản, dẫn tới sự bùng nổ của thị trường này trong thời gian đại dịch.

Bài học thứ hai là công khai, minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Một trong những biện pháp quan trọng để tăng cường công khai, minh bạch, là đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp trong phát hành trái phiếu riêng lẻ. Tại Việt Nam, Nghị định 65/2022/NĐ-CP phần nào đã được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm của các nước. Nghị định này đã yêu cầu tăng cường đánh giá tín nhiệm của các tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ. Một doanh nghiệp muốn tiếp tục phát hành trái phiếu riêng lẻ thì phải được đánh giá tín nhiệm để cung cấp thông tin, đáp ứng đầy đủ các điều kiện chào bán trái phiếu quy định, hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến đợt chào bán trái phiếu (với đơn vị tư vấn, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, với đại diện người sở hữu trái phiếu, đại lý quản lý tài sản...). Những nội dung này đã được đưa vào Nghị định 65.

Việc thực hiện sớm đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp sẽ tăng cường tính công khai mình bạch, củng cố niềm tin của nhà đầu tư và từ đó tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp tục phát hành trái phiếu, đảo nợ nếu có tín nhiệm tốt, thay vì kêu gọi chính phủ hay ngân hàng hỗ trợ. Do vậy, việc tiến hành đánh giá tín nhiệm sớm nhất sẽ là một trong những “van mở” cho doanh nghiệp, bởi nếu doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu về tín nhiệm thì có thể tiếp tục phát hành trái phiếu. Nếu trì hoãn việc thực hiện đánh giá tín nhiệm có thể sẽ lại tạo ra những trái phiếu doanh nghiệp dưới chuẩn trong tương lai, tăng rủi ro nợ xấu.

Về vấn đề các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các nước đều siết chặt việc quản lý nhóm các nhà đầu tư này. Việt Nam còn rất hạn chế về các nhà đầu tư chuyên nghiệp, vì các nhà đầu tư chuyên nghiệp mạnh hiện chỉ chiếm dưới 10% trong tổng số các nhà đầu tư. Tăng cường tính chuyên nghiệp cũng là để tăng cường hiểu biết của nhà đầu tư về thị trường để nhà đầu tư có thể tự bảo vệ mình. Trên thực tế, không một quy định nào có thể bảo vệ nhà đầu tư nếu nhà đầu tư không hiểu biết.

Bài học thứ ba là hạn chế sự lây lan giữa các thị trường, giữa cổ phiếu sang trái phiếu, hệ thống ngân hàng. Đây là kinh nghiệm của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều nước khác trong việc hạn chế sự lây lan. Rủi ro lớn nhất của Việt Nam là sự lây lan, đặc biệt là với thị trường bất động sản.

Đa phần trái phiếu doanh nghiệp được phát hành là của các công ty bất động sản, chiếm 43%. Thị trường bất động sản và ngân hàng có sự gắn kết, cả trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là ngân hàng cho vay bất động sản (ví dụ cho doanh nghiệp bất động sản vay, hay thông qua vay tiêu dùng) và cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng, gián tiếp là qua tài sản thế chấp. Khi bong bóng bất động sản vỡ thì sẽ tác động đến ngân hàng qua cả hai kênh trực tiếp và gián tiếp.

Đặc biệt, tài sản thế chấp của các ngân hàng thương mại Việt Nam trung bình 60% là bất động sản. Nếu giá bất động sản đi xuống sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến các ngân hàng. Do sự liên thông giữa thị trường bất động sản và ngân hàng rất lớn và sự liên thông giữa thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng rất lớn nên cần hạn chế tác động liên thông đối với các thị trường ngách là cổ phiếu, trái phiếu và ngân hàng.

Về tình hình thị trường năm 2023, ông Nguyễn Minh Cường nhận định đây là một năm mà thách thức và cơ hội đều rất nhiều với Việt Nam.

Về mặt quản lý, Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp lý rất kịp thời như Nghị định 65/2022/NĐ-CP, Nghị định 08/2023/NĐ-CP và Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng hạ lãi suất điều hành. Những động thái này sẽ có tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Động thái của Ngân hàng Nhà nước trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ là hành động quyết đoán và biện pháp thiết thực, cho dù chỉ mới là tín hiệu ban đầu và chưa có tác động thực sự, nhưng đã phần nào góp phần giảm sự căng thẳng của thị trường; đồng thời được đón nhận tích cực hơn là những chính sách chung chung. Nhưng điều này cần hết sức thận trọng, vì dư địa chính sách tiền tệ vẫn rất hạn hẹp trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn lớn và áp lực nợ xấu đang gia tăng.

Về thách thức, ngoài những thách thức bên ngoài như suy thoái kinh tế toàn cầu, sự bất ổn định của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới trong thời gian vừa qua và xung đột Nga- Ukraine (U-crai-na), thì thách thức chính với Việt Nam sẽ là từ nội tại. Ông Nguyễn Minh Cường cho rằng một trong những thách thức lớn nhất là áp lực đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp đến thị trường tài chính.

Theo các nguồn như VNDIRECT, khoảng 10 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2023. Đây là sức ép rất lớn đối với hệ thống tài chính.

Để khơi thông được điểm tắc nghẽn của thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường khuyến nghị Việt Nam cần kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, cân nhắc đến dư địa của chính sách tiền tệ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn chính sách tài khóa, đặc biệt là vấn đề giải ngân đầu tư công, hỗ trợ nền kinh tế. Việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa và đa chiều đến nền kinh tế, kể cả thị trường xây dựng, từ đó đến bất động sản, trái phiếu. Việt Nam có dư địa chính sách tài khóa lớn, với gói giải ngân đầu tư công 30 tỷ USD (hơn 711 nghìn tỷ đồng) trong năm 2023.

Điểm mấu chốt cuối cùng mà ông Nguyễn Minh Cường nhấn mạnh là các quy định củng cố thị trường trái phiếu, đặc biệt là xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ nên được thực hiện sớm thay vì trì hoãn. Hiện nay là thời điểm tốt nhất để Việt Nam cải cách lại thị trường vốn./.

Tài chính & Ngân hàng

Lời giải cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Bài 1: Những "lỗ hổng" pháp lý

Tài chính & Ngân hàng

Lời giải cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Bài 2: Đi tìm căn nguyên

Tài chính & Ngân hàng

Lời giải cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Bài 3: Chờ “cú hích” chính sách

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục