Lo ngại của Đức liên quan đến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1

05:30' - 13/07/2022
BNEWS Kế hoạch bảo trì đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (NS1) dẫn nguyên liệu thô từ Nga đến Đức dọc theo đáy Biển Baltic chưa bao giờ thu hút được sự chú ý như hiện nay.

Theo trang tin e15.cz chuyên về kinh tế của Cộng hòa Czech, kế hoạch bảo trì đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (NS1) dẫn nguyên liệu thô từ Nga đến Đức dọc theo đáy Biển Baltic chưa bao giờ thu hút được sự chú ý như hiện nay. 

Chính phủ Đức lo ngại việc đóng đường ống không chỉ kéo dài từ 10 ngày như phía Nga thông báo mà có nguy cơ trở thành vĩnh viễn. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các nước châu Âu, trong đó có Cộng hòa Czech, trong việc lấp đầy các bể chứa khí trước mùa Đông. Trong khi đó, các giải pháp thay thế vẫn bị hạn chế do một trong những cảng chứa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ vẫn chưa hoạt động.

Việc bảo trì đường ống sẽ bắt đầu từ ngày 11/7 và kéo dài đến hết ngày 21/7. Tuy nhiên, tại Đức đang có những lo ngại nghiêm trọng rằng Nga, sau khi đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho 5 quốc gia châu Âu và hạn chế đáng kể nguồn cung cấp qua NS1 vào tháng Sáu, sẽ cắt hẳn nguồn cung cấp nguyên liệu thô qua tuyến đường ống này.

Klaus Muller, người đứng đầu Cơ quan quản lý dịch vụ mạng của Đức (Bundesnetzagentur), cảnh báo cơ quan này không thể loại trừ khả năng hệ thống truyền dẫn khí đốt ‟sẽ không được khôi phục sau đó vì lý do chính trị".

Nguồn cung khó khôi phục hoàn toàn

Tình hình hiện nay càng trở nên khó lường hơn bởi theo các chuyên gia, liên lạc của phương Tây với Gazprom trên thực tế đã chấm dứt. Ngay cả Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng không loại trừ nguy cơ bị cắt nguồn cung từ Nga. Ngân hàng Goldman Sachs cũng thừa nhận việc khôi phục hoàn toàn nguồn cung khí đốt của NS1 sau khi bảo dưỡng hiện không phải là phương án khả dĩ nhất. 

Do đó, ngân hàng đầu tư đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ này dự kiến giá khí đốt sẽ duy trì ở mức khoảng 153 euro/MWh trong quý III/2022. Hiện tại, giá nguyên liệu thô tại sàn giao dịch trực tuyến TTF của Hà Lan là gần 180 euro, trong khi giá trong nửa đầu tháng Sáu còn chưa bằng một nửa con số này.

Nếu viễn cảnh u ám về việc đường ống cạn kiệt thực sự xảy ra, đó sẽ không chỉ là vấn đề lớn đối với riêng nước Đức. Cho đến nay, châu Âu phụ thuộc khoảng 40% vào khí đốt của Nga, cụ thể riêng năm 2021 đã nhập khẩu từ Nga 155 tỷ m3. Công suất của NS1 chiếm 1/3 lượng nhập khẩu này. Trong khi đó, lượng nguyên liệu thô của Nga xuất sang châu Âu đang ngày càng giảm dần. 

Cụ thể, theo spglobal.com, trong tháng Sáu lượng khí đốt chảy qua các tuyến đường ống chính ít hơn 41% so với tháng Năm và những khách hàng lớn nhất của Nga tại châu Âu như Uniper của Đức, Eni (Italy) và OMV (Áo) đều cảm nhận rõ sự sụt giảm này. Ngoài ra, không chỉ NS1, đường ống Yamal chạy qua Belarus và Ba Lan cũng đã bị đóng cửa hoàn toàn vào tháng Sáu và chỉ chảy hạn chế qua Ukraine.

Hạn chế trong việc lựa chọn nguồn cung LNG thay thế

Theo chuyên gia Henning Gloystein của tập đoàn Eurasia, nếu nguồn cung cung không được khôi phục sau khi bảo trì, kế hoạch lấp đầy các kho chứa nhiên liệu của EU vào cuối mùa Hè này sẽ không thể thực hiện được, giữa bối cảnh châu Âu không thể nhanh chóng thay thế khí đốt từ Nga với trữ lượng lớn như vậy. Trọng tâm chính trong kế hoạch của EU là LNG, song khả năng nhập khẩu mặt hàng này vẫn bị hạn chế.

Mặc dù một số quốc gia đang gấp rút xây dựng các nhà ga hay cảng, nhưng việc mở rộng công suất vẫn là vấn đề khó khăn kéo từ năm này sang năm khác và chưa thể giải quyết ngay được để chuẩn bị cho mùa Đông năm 2022. Thậm chí, tình hình còn trở nên phức tạp hơn do vụ cháy nổ tại khu cảng LNG quan trọng tại Freeport (Mỹ). 

Ban đầu, khu cảng này được dự báo là sẽ phải đóng cửa trong 3 tuần, nhưng những thông tin mới nhất cho thấy việc mở cửa trở lại chỉ có thể thực hiện vào tháng Mười tới. Trong những tháng gần đây, 70% lượng khí đốt qua cảng này được chuyển đến Anh và EU, chủ yếu là đến Pháp và Hà Lan.

Robert Songer, chuyên gia về LNL tại Công ty cung cấp dịch vụ thông tin hàng hóa độc lập (ICIS) nhận định việc nối lại hoạt động của Freeport có khả năng làm tăng thêm lo ngại về tác động của nguồn cung đang bị thắt chặt đối với giá khí đốt châu Âu.

Những thông tin tích cực

Ngược lại, một thông tin lạc quan là Chính phủ Na Uy dường như đã chấm dứt được cuộc đình công của công nhân trong ngành khai thác mỏ, vốn cũng đe dọa đến nguồn cung cho các nước châu Âu.

Bộ trưởng Lao động Na Uy Marte Mjosova Persenova nhấn mạnh khi một cuộc xung đột có thể gây ra những hậu quả xã hội to lớn đến vậy cho toàn châu Âu, Chính phủ Na Uy buộc phải can thiệp. Theo bà Persenova, Chính phủ Na Uy hy vọng có thể tăng lượng xuất khẩu khí đốt trong năm nay, nhưng sẽ chỉ ở mức vài phần trăm.

"Lục địa già" vẫn có những cơ hội khác để tăng nguồn cung khí đốt không phải từ Nga, chẳng hạn như đàm phán với Azerbaijan. Cụ thể, mới đây Tổng thống nước này, ông Ilham Aliyev đã tiết lộ với giới truyền thông rằng trong những tháng gần đây một số quốc gia châu Âu đã tiếp cận Azerbaijan với yêu cầu mua khí đốt.

Tuy nhiên, theo ông Aliyev, việc thực hiện việc mua bán này không đơn giản vì trước hết Azerbaijan cần phải chiết xuất được khí đốt đã. Baku đang có kế hoạch tăng gấp đôi công suất của đường ống dẫn khí TANAP, hiện cung cấp 16,2 tỷ m3 khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Âu mỗi năm. Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa sẽ mất từ 4-5 năm.

Sự chuẩn bị của Đức

Phương Tây cũng nhận được môt đề nghị nhập khẩu dầu và khí đốt từ Kazakhstan, quốc gia có quan hệ với Nga đang xấu đi đáng kể trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc sớm tiếp cận nguồn cung mới này bị cản trở do Kazakhstan thiếu đường ống dẫn khí để xuất khẩu. Quốc gia này đang khuyến khích EU đóng góp vào sự phát triển của Tuyến đường quốc tế xuyên Caspi, nhưng dù sao đây vẫn là vấn đề trong dài hạn.

Tháng Sáu vừa qua, Đức đã đưa ra cảnh báo trong lĩnh vực cung cấp khí đốt. Trong trường hợp nguồn cung qua NS1 bị cắt hoàn toàn, Đức có thể sẽ phải tuyên bố tình trạng cảnh báo ở mức cao nhất, nghĩa là có thể phải thực hiện phân phối khí đốt. Chuyên gia Gloystein cảnh báo rằng bất cứ điều gì xảy ra ở Đức cũng sẽ lan sang phần còn lại của châu Âu.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là nước tái xuất khẩu khí đốt quan trọng. Thụy Sỹ, Áo và Cộng hòa Czech đang theo dõi sát tình hình tại Đức. Theo truyền thông Czech, khối lượng khí đốt được công ty Gascade vận chuyển từ Đức đến Cộng hòa Czech đã giảm từ 60 đến 80% kể từ ngày 16/6./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục