Uniper yêu cầu chính phủ Đức hỗ trợ vốn

07:59' - 11/07/2022
BNEWS Công ty năng lượng Uniper, khách hàng lớn nhất tại Đức mua khí đốt của Nga, đã yêu cầu Chính phủ Đức hỗ trợ bình ổn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, công ty năng lượng Uniper, khách hàng lớn nhất tại Đức mua khí đốt của Nga, đã yêu cầu Chính phủ Đức hỗ trợ bình ổn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh. Uniper cũng muốn đẩy toàn bộ gánh nặng về giá cho khách hàng nhằm ngăn chặn lỗ lũy kế và đảm bảo tính thanh khoản của công ty.

Phát biểu họp báo cùng ngày tại Dusseldorf (Đức), Giám đốc của Uniper, ông Klaus-Dietet Maubach cho biết mặc dù gặp vấn đề về nguồn cung và giá khí đốt tăng cao, Uniper vẫn ổn định về mặt tài chính và không có nguy cơ vỡ nợ.

 

Người đứng đầu Uniper cũng thông báo cổ đông chính của Uniper là công ty Fortum của Phần Lan đang đàm phán với Chính phủ Đức về khả năng tái cấu trúc để tạo ra một công ty cung ứng an toàn thuộc sở hữu của Đức.

Trước đó, truyền thông Đức từng gợi ý rằng Chính phủ Đức có thể nắm giữ hơn 30% cổ phần của Uniper để cứu công ty năng lượng này và ngăn chặn phản ứng dây chuyền gây ảnh hưởng đến người dân Đức. Thậm chí, tác động của phản ứng đó cũng có thể ảnh hưởng đến CH Séc, quốc gia láng giềng có các công ty thương mại mua khí đốt của Đức.

Ngay cả Thủ tướng Olaf Scholz cũng không loại trừ khả năng chính phủ sẽ hỗ trợ Uniper hoặc các công ty năng lượng quan trọng khác. Mới đây, ông cho biết nội các đang xem xét các công cụ chính sách từng được sử dụng để cứu các công ty lớn như Lufthansa trong đại dịch COVID-19. Tại thời điểm đó, Berlin đã cung cấp cho hãng hàng không quốc gia Đức gói cứu trợ trị giá 9 tỷ euro (9,18 tỷ USD).

Trong tháng 6/2022, Uniper trở thành công ty năng lượng đầu tiên của Đức gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu khí đốt và giá mặt hàng này tăng cao. Đồng thời, Uniper cũng đề cập đến khả năng về một cuộc “giải cứu” của chính phủ.

Quốc hội Đức mới đây cũng đã thông qua việc sửa đổi một điều luật cho phép chính phủ cứu trợ các công ty năng lượng gặp khó khăn về tài chính do giá năng lượng tăng cao. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục