Lo ngại lạm phát, giá vàng châu Á bật tăng trở lại

15:42' - 15/03/2024
BNEWS Thị trường hàng hóa châu Á không nhiều biến động trong chiều ngày 15/3, khi các nhà đầu tư vẫn chờ đợi thêm những tín hiệu chính sách từ Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác.
Vàng tăng nhẹ

Giá vàng trên các thị trường châu Á trong phiên chiều ngày 15/3 đã tăng trở lại, sau khi bất ngờ hạ nhiệt trong sáng nay, do những kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm hạ lãi suất đang bị thu hẹp.

Vào lúc 13 giờ 57 phút, giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 2.167,72 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,5%, đạt 2.172,0 USD/ounce.

Việc vàng quay đầu tăng nhẹ, theo các chuyên gia phân tích, là do chỉ số lạm phát của Mỹ cao hơn dự báo làm dấy lên lo ngại rằng Fed sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn.

Dữ liệu mới công bố gần đây cho thấy giá sản xuất của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 2/2024, giữa bối cảnh giá hàng hóa như xăng và thực phẩm tăng cao.

Trong tuần này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng gần 20 điểm cơ bản, lên 4,27% và chỉ số đồng USD tăng khoảng 0,7%, đạt mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ giữa tháng Một.

Đồng đô la Mỹ mạnh hơn khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài. Hơn nữa, lãi suất cao hơn có khả năng sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng, một loại tài sản không có lãi suất.

Tuy nhiên, nhà phân tích thị trường Wang Tao của hãng tin Reuters (Anh) nhận định vàng giao ngay vẫn có xu hướng lên giá trong phạm vi 2.169-2.175 USD/ounce, sau khi điều chỉnh ổn định trở lại quanh mức hỗ trợ 2.152 USD/ounce.

Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạch kim giao tăng 0,4% lên 930,90 USD/ounce. Giá palladium giảm 1% xuống 1.080,19 USD/ounce, trong khi giá bạc tăng 1,1%, lên mức 25,09 USD/ounce.

Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 26 phút, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng tại thị trường Hà Nội ở mức 79,70 - 81,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá dầu đi xuống

Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch chiều ngày 15/3. Tuy nhiên, nếu tính chung trong cả tuần (từ ngày 11 đến hết ngày 15/3), dầu thô thế giới đang trên đà tăng 4% so với tuần trước.

Điều này có được là nhờ tâm lý của các thị trường được cải thiện do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) điều chỉnh nâng dự báo về mức tăng nhu cầu dầu năm 2024, lần thứ tư kể từ tháng 11/2023 và lượng dự trữ dầu của Mỹ bất ngờ sụt giảm.

Vào đầu giờ chiều nay, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tháng 5/2024 giảm 25 xu Mỹ, tương đương 0,3%, xuống còn 85,17 USD/thùng. Trong khi, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI), giảm 22 xu Mỹ, tương đương 0,3%, xuống mức 81,04 USD/thùng.

Cả hai loại dầu này đều duy trì ngưỡng cao giá cao nhất kể từ tháng 11/2023, dầu Brent Biển Bắc thậm chí đã vượt ngưỡng 85 USD/thùng lần đầu tiên từ ngày 6/11/2023.

IEA, trong báo cáo mới nhất, cho biết nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2024, tăng 110.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước. Cơ quan này cũng thực hiện điều chỉnh dự báo sản lượng khai thác, với nguồn cung có khả năng sẽ thiếu hụt nhẹ trong năm.

Ngày 14/3, IEA đã thông báo dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm trong tuần trước, do các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động, trong khi tồn kho xăng giảm do nhu cầu tăng.

Trước đó, các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cũng đã lưu ý về việc các nhà máy lọc dầu lớn của Mỹ, đã đóng cửa một thời gian dài để bảo dưỡng, sẽ quay trở lại hoạt động. Điều này làm tăng nhu cầu về dầu thô thế giới.

Chứng khoán châu Á “u ám”

Trên các thị trường chứng khoán châu Á, trong phiên giao dịch chiều ngày 15/3, hầu hết các chỉ số chứng khoán chính đều sụt giảm, theo sau sự đi xuống của nhóm cổ phiếu công nghệ Phố Wall.

Nguyên nhân xuất phát từ các dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố cho thấy lạm phát có nguy cơ tăng nóng trở lại và không loại trừ khả năng Fed sẽ dừng xem xét ý định đảo chiều chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian tới.

Trong phiên chiều nay, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng trên sàn giao dịch Hong Kong mất 262,78 điểm, tương đương 1,55%, xuống còn 16.698,88 điểm. Nhưng chỉ số Shanghai Composite trên sàn giao dịch Thượng Hải vẫn tăng nhẹ 16,4 điểm, tương đương 0,54%, lên 3.054,64 điểm.

Các nhà giao dịch trên sàn chứng khoán Tokyo được cho là đang bán ra để chốt lời, khiến chỉ số Nikkei 225 giảm 99,74 điểm, tương đương 0,26%, còn 38.707,64 điểm.

Các chỉ số chứng khoán chính như Kospi của Hàn Quốc, IDX của Thái Lan và PSEI của Philippine đều quay đầu đi xuống. Theo chân nhóm cổ phiếu chủ lực trên sàn giao dịch Phố Wall, các cổ phiếu bluechip của Trung Quốc cũng bị giảm giá trong phiên chiều nay, giảm tổng cộng 0,6%.

Trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones, chỉ số tổng hợp S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq đều bị mất điểm trong phiên giao dịch sáng nay. 

Fed được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần tới. Theo thước đo FedWatch của công ty CME, tỷ lệ dự báo về việc Fed sẽ hạ lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng Sáu đã giảm từ 81,7% của một tuần trước xuống còn 62,9% vào hiện tại.

Tại Nhật Bản, các dầu hiện tiếp tục cho thấy có khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ kết thúc chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp chính sách trong tuần tới.

Trong khi, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tuyên bố giữ nguyên lãi suất chính sách quan trọng nhưng hứa hẹn sẽ tăng thanh khoản cho thị trường, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tại Việt Nam, cuối phiên giao dịch chiều ngày 15/3, chỉ số VN-Index giảm 0,48 điểm, tương đương 0,04%, xuống còn 1.263,78 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 0,15 điểm, tương đương 0,06%, còn 239,54 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục