Loạt giải pháp để người lao động tiếp cận nhà ở xã hội

08:35' - 02/04/2024
BNEWS Tỉnh Bình Dương đang thực hiện tốt chính sách phát triển nhà ở xã hội để giải quyết vấn đề an sinh xã hội; đồng thời, tạo điều kiện cho công nhân, người lao động an tâm lập nghiệp tại địa bàn.

Trong khi nhiều tỉnh, thành gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội thì Bình Dương đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện loại hình nhà ở này.

Khắc phục cái khó

Chị Mai Ngọc là một viên chức làm việc ở tỉnh Bình Dương đã 8 năm cho biết: Việc đăng ký mua, thuê hay thuê mua một căn hộ nhà ở xã hội phải trải qua một quy trình thủ tục phức tạp để được mua. Bởi theo quy trình sẽ phải trải qua hàng loạt xác nhận của cơ quan và chính quyền địa phương. Nếu thuận lợi thì sẽ mua được, còn nếu không may cấp phường mặc dù đã xác nhận thực tế nhưng dữ liệu cập nhật ở thành phố không khớp với xác nhận sẽ lại bị vướng.

Còn anh Lê Chí Khiêm là một công nhân mảng kỹ thuật cho một doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn tỉnh cho hay, hiện mức lương trung bình của anh khoảng 12 triệu đồng/tháng do anh làm tăng ca, còn vợ anh kinh doanh tự do không đóng bảo hiểm xã hội đạt khoảng 7 triệu đồng. Hiện, hai vợ chồng anh vẫn ở nhà thuê và với số lương hai vợ chồng cộng lại nuôi 2 con ăn học kèm các chi trả sinh hoạt thường nhật cũng khiến anh khó mua được nhà ở thương mại.

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết: Các cơ quan chức năng của Sở đều nắm bắt được những khó khăn này và đã kiến nghị lên Bộ Xây dựng cũng như các cơ quan ban ngành liên quan. Sở cũng đã tổ chức các hội nghị lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở. Đến nay, các kiến nghị đã được tiếp thu và được quy định rõ hơn trong Luật  Nhà ở về các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Theo đó, điều kiện là chỉ cần người dân chưa có nhà ở thuộc sở hữu tại tỉnh, thành phố có dự án nhà ở xã hội; chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại tỉnh, thành phố nơi có dự án nhà ở xã hội đó hoặc sở hữu nhà ở nhưng diện tích bình quân đầu người thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu...

Cùng với đó là điều kiện về thu nhập phải đáp ứng điều kiện về thu nhập theo quy định của Chính phủ đối với từng đối tượng cụ thể hoặc thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, Luật Nhà ở mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về nhà ở xã hội để phục vụ cho việc xác định nhu cầu và có kế hoạch đầu tư, phục vụ cho công tác xét duyệt đối tượng.

Minh bạch thông tin

Đến nay, Bình Dương đã xây dựng khoảng 48.417 căn nhà ở xã hội. Theo kế hoạch của tỉnh Bình Dương, trong năm nay tỉnh sẽ phấn đấu đầu tư xây dựng từ 8.000 – 10.000 căn nhà ở xã hội.

Tỉnh phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 33,5 m2 sàn/người, chất lượng nhà ở kiên cố đạt 99,9%; trong đó, khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 99,8%, không còn nhà ở đơn sơ.

Trong giai đoạn 2021-2030, dự kiến Bình Dương sẽ đầu tư xây dựng khoảng 160.000 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích đất khoảng 600 ha. Tổng mức đầu tư khoảng 87.236 tỷ đồng, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao. Từ đó, đáp ứng cho khoảng 637.000 người.

Để minh bạch thông tin các dự án nhà ở xã hội, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết: Các dự án đang mở bán cũng như phương thức mua, giá tiền trung bình mỗi dự án đều cập nhật thường xuyên trên website của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương. Tại các dự án, chủ đầu tư cũng tổ chức công khai, đặt biển ghi rõ: thông tin về dự án, quy mô xây dựng, giá bán, đối tượng được mua, hồ sơ đăng ký, hotline liên hệ.

Sở Xây dựng sẽ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý đối với các chủ đầu tư nhà ở xã hội trong việc tuyên truyền công khai, minh bạch về giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các thông tin công khai còn phải có số căn hộ đã bán, đã cho thuê; danh sách chi tiết các căn hộ còn tồn cần phải có trên website của dự án để người dân dễ dàng tiếp cận. Nơi có dự án nhà ở xã hội cũng tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh của từng thôn, khu phố để người dân dễ dàng tiếp cận với dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, rà soát, xử lý các đối tượng cò mồi, môi giới thu tiền chênh lệch trái quy định của người dân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục