Lời cam kết dang dở với châu Phi
Hai năm trước, trong nhiệm kỳ Đức giữ vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Thủ tướng Angela Merkel đã chọn châu Phi là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự, và khởi động sáng kiến Compact with Africa (CwA, tạm dịch: Sát cánh cùng châu Phi) với kỳ vọng thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư đến với thị trường châu Phi. Nhưng thực tế sau hơn hai năm triển khai, CwA vẫn là một sáng kiến dang dở.
Với bà Merkel, CwA là một sáng kiến “hai bên cùng thắng”: Các nhà đầu tư Đức có cơ hội khai phá một thị trường rộng lớn đầy tiềm năng, trong khi châu Phi kỳ vọng nhận được nguồn đầu tư khổng lồ thông qua việc cải cách kinh tế nhằm giải quyết bài toán phát triển và qua đó, giải quyết các vấn đề xã hội.
Khi mới ra đời vào năm 2017, sáng kiến CwA nhận được sự quan tâm khá lớn từ giới chính trị cũng như các nhà đầu tư Đức.
Tuy nhiên, sự phấn khích đó ngày càng giảm theo thời gian, khi thực tế dần phơi bày những khó khăn không dễ vượt qua.
Cứ mỗi năm một lần, lãnh đạo Chính phủ Đức cùng 12 quốc gia châu Phi tham gia sáng kiến CwA gồm Benin, Burkina Faso, Cote d'Ivoire, Ghana, Guinea, Ai Cập, Ethiopia, Maroc, Rwanda, Senegal, Togo và Tunisia lại gặp nhau ở Berlin để thảo luận các kế hoạch khơi thông dòng vốn đầu tư tư nhân của Đức chảy vào châu Phi.
Hội nghị CwA năm 2019 diễn ra ngày 19/11 tiếp tục tập trung vào mục tiêu này, như một cách để cứu vãn “Kế hoạch Merkel”, giống ví von của Tổng thống Cote d'Ivoire Alassane Ouattara khi nói về sáng kiến CwA.
Trong bài phát biểu khai mạc CwA lần thứ ba, Thủ tướng Đức Merkel một lần nữa nhấn mạnh châu Phi "đóng một vai trò quan trọng" và "mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro“.
Bà Merkel cho biết đã đến thăm gần một nửa trong số 54 quốc gia châu Phi, và tin chắc rằng việc thúc đẩy đầu tư tư nhân từ nền kinh tế số một ở châu Âu sẽ giúp châu Phi tự đứng vững trên đôi chân của mình. Trong mắt bà Merkel, châu Phi là một "miền đất hứa" với các nhà đầu tư Đức.
Tuy nhiên, trái ngược với lời kêu gọi của bà Merkel, giới đầu tư tư nhân ở Đức vẫn tỏ ra hết sức thận trọng với châu Phi.
Điều mà các nhà đầu tư quan tâm, đó là cần sự đảm bảo tốt hơn, an toàn hơn cho khoản tiền rót vào châu lục này.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ARD trước thời điểm khai mạc CwA 2019, bà Merkel thừa nhận châu Phi cần phải cải thiện môi trường chính trị và nâng cao sự minh bạch, một cách nói thể hiện lo ngại trước vấn đề tham nhũng có thể ngăn cản các nhà đầu tư Đức đến với châu Phi.
CwA đã thúc đẩy một số dự án tiên phong của các công ty Đức tại châu Phi. Tuy nhiên, thực tế lại không giống như mong đợi.
Từ năm 2017, thời điểm khởi đầu của CwA, cho đến năm 2018, đầu tư của Đức tại châu Phi chỉ tăng vỏn vẹn 19 triệu euro, thấp hơn cả mức của năm 2016, thời điểm CwA còn chưa ra đời. Đặc biệt hơn, 80% số tiền này chỉ tập trung vào 4 quốc gia là Ai Cập, Maroc, Ethiopia và Ghana.
Bản thân các quốc gia châu Phi tham gia sáng kiến CwA cũng được đánh giá là đã chấp nhận thay đổi, tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi hơn, nhưng giờ đây chính họ lại cảm thấy thất vọng khi dòng vốn đầu tư không chảy vào châu Phi như mong đợi.
Số liệu dự báo thị trường lao động châu Phi sẽ đạt con số 440 triệu người vào năm 2030, một con số khổng lồ.
Tuy nhiên, cho đến giờ không ai biết những người này sẽ kiếm sống bằng cách nào, khi các dự án tạo ra công ăn việc làm vẫn thất bại, hoặc "giậm chân tại chỗ".
Đánh giá về CwA, Đại sứ Ethiopia tại Đức Mulu Solomon Bezuneh tuyên bố : "Đã có những tiến triển tốt, nhưng các khoản đầu tư trong 2 năm qua vẫn chưa đủ. Chương trình có vẻ hợp lý, nhưng so với nỗ lực và mong đợi của chúng tôi, phản hồi thực tế là quá thấp".
Ở một góc độ khác, các nhà làm chính sách kêu gọi sự kiên nhẫn, bởi nhiều dự án đầu tư có thể kéo dài hàng chục năm, và kết quả không thể có được trong một sớm, một chiều.
Và để thúc đẩy CwA, cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ cả hai phía: Các quốc gia châu Phi cần trình bày những dự án hiệu quả hơn với các nhà đầu tư, và các nước G20 cần tích cực thúc đẩy cam kết với châu Phi thông qua các công ty tư nhân.
Tại sự kiện CwA năm 2018 cũng ở Berlin, Thủ tướng Đức đã công bố một quỹ lên tới một tỷ euro nhằm hỗ trợ các công ty cả của Đức và châu Phi.
Các bộ Kinh tế và Năng lượng, bộ Phát triển của Đức cũng đưa ra các chương trình hợp tác với châu Phi. Tuy nhiên, các công ty Đức thì vẫn tìm kiếm cơ hội... ở nơi khác.
Thống kê cho thấy chỉ khoảng 800 công ty có vốn của Đức đang hoạt động tại châu Phi, so với hàng trăm nghìn công ty Đức đang vươn ra khắp thế giới.
Một nghiên cứu của Viện Allensbach cho thấy chỉ khoảng 5% công ty của Đức có kế hoạch kinh doanh tại châu Phi trong tương lai.
Một khảo sát khác cho thấy quyết định của các nhà đầu tư Đức đổ tiền vào châu Phi không liên quan đến việc nơi đầu tư có phải là thành viên của sáng kiến CwA hay không.
Điều quan trọng là các nhà đầu tư tìm được thị trường thực sự phù hợp với sản phẩm và dịch vụ, bên cạnh nguồn nguyên liệu, điều kiện sản xuất và nguồn nhân lực phù hợp.
Điều này cũng có nghĩa là việc CwA chỉ nhắm đến 12 trong tổng số 54 quốc gia châu Phi là chưa đủ, hoặc mang nhiều toan tính chính trị hơn là một kế hoạch thúc đẩy đầu tư đúng nghĩa.
Các ngân hàng Đức hầu như từ chối việc hỗ trợ tín dụng cho các công ty trong lĩnh vực năng lượng và vận tải ở châu Phi vì lý do "rủi ro là quá cao", như lời ông Stefan Liebing, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại châu Phi.
Các công ty Đức nhận được ít sự hỗ trợ hơn so với các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ hay Pháp đang hoạt động ở châu Phi, khiến họ không mấy mặn mà với sáng kiến CwA nói riêng, và hoạt động ở châu Phi nói chung.
CwA cũng được cho là dành sự quan tâm quá lớn đến vấn đề tự do hóa nền kinh tế ở châu Phi, như là một trong những điều kiện tiên quyết, trong khi không xem xét một cách đầy đủ các yếu tố phát triển bền vững.
Thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững ở châu Phi, tạo ra nhiều công ăn việc làm và môi trường lao động cũng như xã hội tốt, sẽ giữ chân những người trẻ châu Phi ở lại.
Điều này giúp giải quyết tận gốc vấn đề di cư bất hợp pháp, vốn đã tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn ở châu Âu từ cuối năm 2015 cho đến nay.
Ở góc độ này, bà Merkel nhận được sự chia sẻ của nhiều nhà lãnh đạo khác tại châu Âu, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte.
Bà Merkel đã dành sự tập trung vào châu Phi khi đang trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba, và thậm chí đã khởi động sáng kiến CwA khi chưa bước vào nhiệm kỳ thứ tư.
Nhưng cho đến nay, hơn một nửa nhiệm kỳ cuối cùng trong sự nghiệp chính trị của bà Merkel đã trôi qua, lời cam kết hợp tác và phát triển với châu Phi của bà vẫn còn dang dở.
Chỉ bằng cách thúc đẩy một cách mạnh mẽ, thông qua việc khơi nguồn từ cả hai phía châu Phi và Đức, bà Merkel mới có hy vọng cứu vãn sáng kiến CwA, mở ra một tương lai mới cho các doanh nghiệp Đức ở châu Phi, nơi được coi là tâm điểm của thế giới trong tương lai không xa./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Thách thức với các hãng hàng không trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu
18:55' - 20/11/2019
Theo một nghiên cứu mới công bố của tổ chức liên chính phủ Eurocontrol, trong thời gian qua, các hãng hàng không đã thực hiện các biện pháp để giảm lượng khí thải carbon trước sự kêu gọi của dư luận.
-
Kinh tế Thế giới
Thủ tướng Anh và thủ lĩnh Công đảng tranh luận trực tiếp trên truyền hình
06:57' - 20/11/2019
Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình giữa Thủ tướng Boris Johnson và lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn vào 20h tối 19/11 theo giờ địa phương đã diễn ra khá ôn hòa.
-
Kinh tế Thế giới
Hồi chuông cảnh báo khó khăn tài chính ở Trung Quốc
05:30' - 20/11/2019
Những khó khăn, thách thức mà kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt không chỉ liên quan đến vấn đề đầu tư nước ngoài mà câu chuyện xảy ra ở nhiều địa phương Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Bưu điện Mỹ tạm ngừng nhận bưu kiện từ Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc)
13:58'
Bưu điện Mỹ (USPS) tạm thời ngừng chấp nhận các bưu kiện vận chuyển từ Bưu điện Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) từ ngày 4/2.
-
Kinh tế Thế giới
WTO "mắc kẹt" giữa tranh chấp thương mại
13:26'
Cơ quan Phúc thẩm của WTO, bao gồm bảy chuyên gia về luật thương mại và quốc tế, đã không thể xử lý bất kỳ vụ việc mới nào kể từ tháng 12/2019, do Mỹ liên tục chặn các đề cử thành viên.
-
Kinh tế Thế giới
Quy mô thương mại dịch vụ của Trung Quốc lần đầu tiên vượt 1.000 tỷ USD
13:03'
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dịch vụ của Trung Quốc năm 2024 đã tăng lên mức kỷ lục 7.500 tỷ nhân dân tệ (1.032 tỷ USD), tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
-
Kinh tế Thế giới
Các cơ quan Liên hợp quốc lo ngại về nguồn tài trợ
10:40'
Các cơ quan của Liên hợp quốc đã đưa ra đánh giá về việc Mỹ cắt giảm nguồn tài trợ nhân đạo, đồng thời kêu gọi Washington tiếp tục có những đóng góp trong thời gian tới.
-
Kinh tế Thế giới
5 năm sau Brexit: Ngày càng nhiều người Anh ủng hộ quay trở lại EU
10:13'
Cuộc thăm dò do YouGov thực hiện mới đây cho thấy chỉ 33% số người Anh được hỏi cho rằng Brexit là quyết định đúng đắn, mức thấp nhất kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân vào năm 2016.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận kế hoạch đóng cửa USAID
07:58'
Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận kế hoạch đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), đồng thời ký văn bản dừng hợp tác với một số tổ chức trong Liên hợp quốc (LHQ).
-
Kinh tế Thế giới
Ngành công nghệ lao đao do chính sách thuế quan của Mỹ
18:12' - 04/02/2025
Nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định áp thuế lên chất bán dẫn, giá các sản phẩm điện tử có thể tăng mạnh hơn nữa trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn đang phải đối mặt với áp lực lạm phát.
-
Kinh tế Thế giới
Anh sẽ xem xét lại khoản thuế 700 triệu bảng với các “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ
15:46' - 04/02/2025
Anh đang chuẩn bị xem xét lại khoản thuế 700 triệu bảng Anh (869,05 triệu USD) đối với các “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại dường như đang leo thang toàn cầu.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc cảnh báo khiếu nại Mỹ lên WTO
15:21' - 04/02/2025
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Phó Thông khẳng định, Trung Quốc cực lực phản đối việc Mỹ tăng thuế tùy tiện và cho rằng điều này vi phạm các quy định của WTO.