Lợi ích của “Mạng lưới ứng phó khủng hoảng” IPEF

05:30' - 22/11/2023
BNEWS Bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, các thành viên IPEF thảo luận xây dựng chuỗi cung ứng ổn định của các loại khoáng sản quan trọng và thúc đẩy hợp tác năng lượng sạch.

 

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yeol đã tham dự Hội nghị cấp cao về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), được tổ chức bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á–Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco vào ngày 16/11 (giờ địa phương), để thảo luận về các cách xây dựng chuỗi cung ứng ổn định của các loại khoáng sản quan trọng và thúc đẩy hợp tác năng lượng sạch.

IPEF là cơ chế tham vấn được Mỹ thành lập vào tháng 5/2022 nhằm ứng phó với các vấn đề thương mại toàn cầu, như chuỗi cung ứng và biến đổi khí hậu. Cơ chế này có sự tham gia của 14 quốc gia lớn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hội nghị thượng đỉnh IPEF lần thứ hai có sự tham dự của đầy đủ các quan chức hàng đầu đến từ 14 quốc gia, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về 3 trong 4 lĩnh vực đàm phán chính đã hoàn tất của IPEF, không bao gồm thương mại. Đó là chuỗi cung ứng, nền kinh tế sạch và nền kinh tế công bằng.

Trước tiên, liên quan đến thỏa thuận chuỗi cung ứng, các quốc gia tham gia IPEF đã đồng ý kích hoạt “Mạng lưới ứng phó khủng hoảng IPEF”. Ông Choi Sang-mok, trợ lý cấp cao phụ trách kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc, cho biết, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng chuỗi cung ứng, nếu các nước thành viên sử dụng mạng lưới ứng phó khủng hoảng IPEF, quốc gia đó có thể yêu cầu thông tin về các nguồn cung cấp thay thế từ chính phủ của 14 quốc gia thành viên và trong vòng 15 ngày có thể nhận được sự hợp tác để quá trình vận chuyển hàng hóa diễn ra suôn sẻ, hiệu quả hơn.

 
Thỏa thuận chuỗi cung ứng dự kiến sẽ có hiệu lực vào nửa đầu năm 2024. Các quốc gia tham gia IPEF cũng đã hoàn tất Thỏa thuận Kinh tế sạch. Theo đó, các nước tham gia quyết định đầu tư hơn 155 tỷ USD vào quỹ công đến năm 2030 để lưu trữ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và loại bỏ carbon.

Một “Quỹ Xúc tiến Kinh tế Sạch” trị giá 50 triệu USD cũng sẽ được thành lập để phát triển cơ sở hạ tầng sạch ở các nước đang phát triển trong IPEF, chẳng hạn như các cảng thân thiện với môi trường và lưới điện thông minh. Hàn Quốc có kế hoạch quyên góp 8 triệu USD.

Ngoài ra, các nước tham gia IPEF đã ký kết thỏa thuận kinh tế công bằng. Theo đó, các thành viên đồng ý xóa bỏ tệ tham nhũng như hối lộ và rửa tiền, đồng thời tuân thủ Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc (LHQ). Theo quan chức phụ trách kinh tế của Hàn Quốc, việc tham gia Hiệp định kinh tế công bằng sẽ mở ra cơ hội rộng lớn hơn để doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng thị trường.

Các nước tham gia IPEF đã đồng ý theo đuổi riêng các sáng kiến đặc biệt như Đối thoại Khoáng sản cốt lõi và Mạng lưới IPEF. “Đối thoại khoáng sản cốt lõi” sẽ được triển khai vào đầu năm tới, quy tụ các quốc gia nắm giữ tài nguyên và các quốc gia tiêu thụ tài nguyên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, để thảo luận về các vấn đề chính trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như lập bản đồ các khoáng sản cốt lõi trong khu vực, tạo thuận lợi cho thương mại về thiết bị khai thác và tinh chế cũng như tái chế các khoáng sản cốt lõi.

Tháng 5/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố khởi động tiến trình thảo luận về IPEF nhằm củng cố quan hệ kinh tế với các nền kinh tế quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực ước tính chiếm khoảng 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu hiện nay.

Các nước tham gia thảo luận về IPEF hiện gồm Mỹ, Australia, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục