Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Đạm Cà Mau vượt 3,7 lần kế hoạch

16:30' - 18/06/2020
BNEWS Lợi nhuận của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, Đạm Cà Mau, mã chứng khoán DCM) trong sáu tháng đầu năm 2020 đã vượt 3,7 lần so với kế hoạch lợi nhuận ban đầu.
Theo Phó Tổng Giám đốc PVCFC Nguyễn Thị Hiền, trong sáu tháng vừa qua, giá khí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đạm đã giảm mạnh theo giá dầu thế giới. Bên cạnh đó, nguồn cung cấp khí ổn định và Nhà máy Đạm Cà Mau đều hoạt động vượt 10% công suất. Nhờ vậy, lợi nhuận của Đạm Cà Mau trong 6 tháng qua đạt 200 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch 54 tỷ đồng ban đầu.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm phân bón của PVCFC chưa phải là hết khó khăn. Cụ thể, xuất khẩu phân bón của PVCFC sang Campuchia bị sụt giảm mạnh do nước bạn cấm biên để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Trong khi đó, tiêu thụ phân bón tại thị trường trọng điểm của PVCFC là các tỉnh miền Tây Nam Bộ cũng sụt giảm do hạn mặn khiến nông dân hạn chế sử dụng phân bón.

Hiện sản phẩm phân bón Cà Mau được tiêu thụ tới 70% tại thị trường Tây Nam Bộ, 30% còn lại được xuất khẩu sang Campuchia, đồng thời tiêu thụ tại thị trường phía Bắc và Tây Nguyên.

Bà Hiền cũng cho biết, PVCFC đang triển khai nhiều sáng kiến kỹ thuật nâng công suất của Nhà máy Đạm Cà Mau lên 115%. Vì vậy, dự kiến sang năm 2021, tổng sản lượng phân đạm ure Cà Mau được sản xuất ra khoảng 913.000 tấn/năm. Vì vậy, Công ty sẽ phải tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu mới.

Tuy nhiên, việc cạnh tranh với các sản phẩm phân bón của nước ngoài là cực kỳ khó khăn bởi giá khí đầu vào cao hơn giá khí trong khu vực dẫn tới giá thành sản xuất phân đạm ure Cà Mau cao hơn 15 USD/tấn so với phân bón cùng loại của các nước trong khu vực.

Thêm vào đó, Luật thuế số 71/2014/QH13 của Quốc hội ra đời năm 2014 và chính thức có hiệu lực từ năm 2015 đã quy định mặt hàng phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng VAT của nguyên vật liệu đầu vào, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón. Trong trường hợp của PVCFC, mỗi năm Công ty không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế.

Vì vậy, PVCFC và tất cả các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước khác phải tính phần thuế VAT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán nên vô hình chung giá phân bón sản xuất trong nước cao hơn giá phân bón ngoại. Với những bất cập này, doanh nghiệp phân bón nội gặp rất nhiều khó khăn trong mở rộng thị trường xuất khẩu, bà Hiền nhấn mạnh.

Hiện PVCFC và các nhà sản xuất phân bón tại Việt Nam tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam để kiến nghị sửa Luật thuế 71/2014/QH13 này nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp./.

>>>PVFCCo đề xuất phương án tăng tỷ lệ chia cổ tức năm 2019

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục