Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh do biến động tỷ giá, lãi vay

10:21' - 02/11/2022
BNEWS Đồng USD tăng giá, cộng thêm lãi suất USD cũng như lãi suất trong nước có xu hướng tăng mạnh đã tác động tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp.

Đồng USD tăng giá, cộng thêm lãi suất USD cũng như lãi suất trong nước có xu hướng tăng mạnh đã tác động tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp thâm dụng vốn như bất động sản đa ngành, hàng không, nhiệt điện… Điều này đã phần nào tác động lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III/2022 và khả năng sẽ còn ảnh hưởng trong thời gian tới.

* Tỷ giá kéo lợi nhuận doanh nghiệp đi lùi

Trong những ngày qua, cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát liên tiếp nằm trong xu hướng giảm giá, khi giảm tới gần 30% trong vòng một tháng gần đây. Đóng cửa phiên 1/11, cổ phiếu HPG còn 15.000 đồng/cổ phiếu, xuống mức thấp nhất trong vòng 52 tuần.

 

Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng của thị trường chung, kết quả kinh doanh quý III/2022 không như kỳ vọng được cho là một trong những yếu tố khiến cổ phiếu này lao dốc.

Kết thúc quý III/2022, Hòa Phát ghi nhận khoản lỗ 1.786 tỷ đồng, giảm tới 117% so với cùng kỳ. Theo giải trình của lãnh đạo Tập đoàn này, bên cạnh thị trường thép đang gặp nhiều bất lợi, chi phí vận chuyển tăng, Hòa Phát cũng phải chịu sức ép lớn từ biến động lãi suất và tỷ giá.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Hòa Phát mới công bố cho thấy, mặc dù dư nợ cuối quý III đã giảm hơn 7% so với cuối quý II/2022, tuy nhiên sự gia tăng của lãi suất đã khiến cho chi phí lãi vay trong quý III của Hòa Phát cao hơn 17% so với quý trước đó; đồng thời tăng 24% so với cùng kỳ, ghi nhận 837 tỷ đồng.

Mặt khác, hầu hết các nguyên liệu đầu vào của Hòa Phát được nhập khẩu chủ yếu thanh toán bằng USD, cộng thêm việc vay nợ USD lớn. Do đó, việc đồng USD tăng giá đã gây ảnh hưởng đến chi phí tài chính của doanh nghiệp này. Tính đến cuối quý III, Hòa Phát ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá (đã thực hiện cũng như chưa thực hiện) lên tới 1.414 tỷ đồng, cao gấp 5,6 lần cùng kỳ.

NVL – cổ phiếu của Tập đoàn đầu tư Địa ốc Novaland cũng bị “réo” liên tục trong những phiên gần đây do những tin đồn thất thiệt và lợi nhuận quý III của Tập đoàn này bất ngờ suy giảm mạnh.

Cụ thể, quý III/2022, NVL ghi nhận lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh gần 56% so với cùng kỳ, chỉ đạt 236 tỷ đồng. Nguyên nhân chính được xác định là do chi phí tài chính tăng mạnh; trong đó, lỗ do chênh lệch tỷ giá lên gần 748 tỷ đồng, trong khi cùng kỷ chỉ lỗ hơn 27 tỷ đồng; chi phí lãi vay cũng tăng gấp đôi, lên hơn 640 tỷ đồng…

Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO 3 – mã: PGV) cũng ghi nhận mức lợi nhuận sụt giảm mạnh trong quý III/2022, xuống chỉ còn 1/3 so với cùng kỳ, đạt 315 tỷ đồng trong báo cáo tài chính hợp nhất.

PGV ghi nhận tăng trưởng doanh thu 38%, đạt hơn 12.100 tỷ đồng trong quý III. Tuy nhiên, do tỷ giá USD/VND tăng lại khiến chi phí tài chính của công ty tăng lên đáng kể và ảnh hưởng đến thành quả từ hoạt động kinh doanh. Theo đó, trong quý này, PGV ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 793 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 541 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay cũng tăng tới 45% so với cùng kỳ.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airline – mã: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu thuần đạt 21.156 tỷ đồng, tăng gần 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước và gần lấy lại mốc trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Tuy nhiên, nhiều loại chi phí của doanh nghiệp cũng tăng vọt, đặc biệt khoản lỗ chênh lệch tỷ giá gần 1.100 tỷ đã nhấn chìm toàn bộ lợi nhuận quý III/2022 của HVN. Kết quả, Vietnam Airline vẫn lỗ sau thuế 2.546 tỷ đồng trong quý này.

Báo cáo cập nhật về ngành hàng không của Công ty Chứng khoán VNDirect mới đây cho biết, trong điều kiện tỷ giá biến động và lãi suất USD tăng cao, các hãng hàng không phải đối mặt với tình trạng bị lỗ tỷ giá khi đánh giá lại các khoản nợ bằng USD. Ngoài ra, chi phí đầu tư máy bay (bán bằng USD) cũng trở nên đắt đỏ hơn khiến việc mở rộng đội bay của các hãng hàng không khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, khi tài trợ cho đội bay mới trong giai đoạn này, các hãng hàng không phải vay với lãi suất cao hơn và có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong tương lai.

Mặt khác, tỷ giá USD/VND tăng và lãi suất USD tăng cũng có thể ảnh hưởng đến việc vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không bằng USD trong các giai đoạn tới; trong đó, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) dự kiến vay 2,5 tỷ USD cho siêu dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

* Thích ứng với mặt bằng tỷ giá, lãi suất mới

Không chỉ riêng các doanh nghiệp trên bị ảnh hưởng nặng nề bởi tỷ giá, lãi suất tăng, nhiều doanh nghiệp niêm yết khác cũng có lợi nhuận suy giảm trong quý III/2022.

Tại một tọa đàm mới đây, ông Cao Việt Hùng, Trưởng bộ phận Phân tích tài chính của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, lợi nhuận của các doanh nghiệp vay nợ bằng đồng USD đang bị ảnh hưởng, đặc biệt trong bối cảnh lãi vay tăng lên đáng kể. Tương tự với nhà sản xuất, chi phí nhập khẩu trang thiết bị, máy móc, công nghệ… cũng tăng lên so với trước kia.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Mỹ cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực, vì tiền đồng tăng giá so với các đồng tiền khác trên thế giới. Từ đó, có thể ảnh hưởng đến nguồn thu của các doanh nghiệp.

Giới phân tích cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành cũng như điều chỉnh biên độ giao dịch tỷ giá giao ngay từ ±3% lên ±5% cũng khiến áp lực tài chính của các doanh nghiệp dự báo gia tăng trong thời gian tới. Chưa kể, trường hợp Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới, tỷ giá USD/VND theo đó cũng sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực.

Ở góc độ quản trị, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất và tỷ giá vừa qua có thể sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đến doanh nghiệp. Song đây chỉ là những khó khăn ngắn hạn.

Theo ông Lệnh, việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát mới bảo đảm giá trị của tăng trưởng, giá trị của sản xuất kinh doanh đem lại. Vì vậy, có thể phải hy sinh, chịu những khó khăn ngắn hạn nhưng để mang lại sự ổn định bền vững có giá trị to lớn hơn rất nhiều.

“Khó khăn hiện nay chỉ là ngắn hạn và khác với khủng hoảng kinh tế. Bởi lẽ, những khó khăn này xuất hiện do xung đột địa chính trị, giá dầu mỏ và nguyên vật liệu tăng cao và sẽ dần được khắc phục khi lạm phát tại các nước và khu vực trên thế giới được cải thiện, kinh tế phục hồi trở lại.

Do vậy, mỗi doanh nghiệp, mỗi hộ kinh doanh cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức để mang lại hiệu quả cao nhất trong điều kiện hiện nay”, ông Nguyễn Đức Lệnh nói.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Hữu Huân, các doanh nghiệp cần nhìn nhận thực tế là đã qua thời kỳ tiền rẻ và bắt đầu bước sang thời kỳ tiền đắt, tức chi phí để có được tiền sẽ cao hơn rất nhiều. Do đó, doanh nghiệp cần đưa ra những chiến lược ứng phó cho phù hợp trong hoàn cảnh mới.

Cụ thể, doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn thu nhập, cắt giảm các chi phí chưa thật sự cần thiết đồng thời đánh giá chi phí sử dụng vốn sẽ gia tăng để có phương án lựa chọn cho hoạt động kinh doanh, sản xuất phù hợp.

Đối với rủi ro tỷ giá, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nên đa dạng thị trường nhập khẩu, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi để trung hòa tác động của sức mạnh đồng USD. Đồng thời, đây cũng là thời điểm doanh nghiệp cần tập trung củng cố nội lực, tăng sức cạnh tranh, hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu.

Trong dài hạn, doanh nghiệp nên chú trọng việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá bằng cách tìm kiếm các ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi… để hạn chế rủi ro tỷ giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục