Lợi thế của Mỹ khi cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn

05:30' - 07/06/2022
BNEWS Trang East Asia Forum dẫn bài viết của tác giả Niky Brugnatelli thuộc Đại học Catania (Italy) cho rằng đổi mới công nghệ là một trong những lĩnh vực cạnh tranh chính giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cạnh tranh trong ngành bán dẫn là một điểm căng thẳng đáng kể khi sự can thiệp liên tục từ các bộ máy chính phủ Mỹ vào ngành này trở thành nguồn gốc của sự tranh chấp giữa hai siêu cường.

Đối với Trung Quốc, việc thu hẹp khoảng cách công nghệ với các nước tiên tiến nhất được coi là con đường khôi phục vị thế cường quốc hoặc “Giấc mộng Trung Hoa”. Chất bán dẫn đã trở thành một ví dụ điển hình cho việc Trung Quốc tìm kiếm sự độc lập về công nghệ.

Sản xuất chất bán dẫn ngày càng rời khỏi mô hình “nhà sản xuất thiết bị tích hợp”, vốn liên quan tới tích hợp dọc ở mọi giai đoạn sản xuất, sang mô hình “Fabless – Foundry” (Thiết kế - Sản xuất), tức là các công ty chuyên môn hóa từng giai đoạn sản xuất khác nhau. Sự chuyên môn hóa đã phát triển theo xu hướng địa lý, trong đó các công ty thiết kế chip lớn được đặt tại California (Mỹ) và Đài Loan (Trung Quốc). 

Có những rào cản lớn đối với đầu vào, đầu tư mạnh về nghiên cứu-phát triển và các hệ thống nâng cao hiệu quả. Những đặc điểm này đã tạo ra thách thức đặc biệt đối với việc nâng cấp khả năng bán dẫn của các người chơi cạnh tranh mới.

Các ứng dụng lưỡng dụng của chất bán dẫn cùng với tầm quan trọng của chúng trong cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cũng đã làm tăng vai trò chiến lược và thúc đẩy cạnh tranh công nghệ.

Kết quả, sản xuất chất bán dẫn trở thành nhân tố trong cạnh tranh chiến lược và bất cứ thiệt hại nào có thể xảy ra cho ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn của Mỹ đều có thể được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia nước này. Chứng khoán hóa công nghệ đã trở thành một khái niệm cực kỳ linh hoạt được Mỹ dành nhiều ưu đãi nhằm bắt kịp với sự đổi mới công nghệ.

Bước ngoặt khiến Trung Quốc quan tâm tới chất bán dẫn là vào năm 2014, khi chính phủ nước này đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn dắt toàn cầu trong lĩnh vực chất bán dẫn tới năm 2030. Trong năm 2015, dự án Made in China 2025 đã được khởi động nhằm hướng tới khả năng tự cung cấp công nghệ nhiều hơn. 

Mục tiêu đầu tiên là thúc đẩy việc hình thành các doanh nghiệp hàng đầu quốc gia trong lĩnh vực này để có thể cạnh tranh trên quy mô toàn cầu và tạo ra nhu cầu tiêu thụ lớn trong nước. Mục tiêu thứ hai là có được công nghệ nước ngoài thông qua chiến lược mua lại các công ty nước ngoài có công nghệ tiên tiến hoặc các công ty tư nhân Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài.

Tuy nhiên, mức độ tinh vi và thiết kế của các dòng chip hiện vượt quá khả năng công nghệ của Trung Quốc. Điều này buộc Trung Quốc phải phụ thuộc vào nhập khẩu chất bán dẫn. Lắp ráp là giai đoạn sản xuất đáng xem xét nhất và có giá trị gia tăng thấp nhất, theo đó các công ty Trung Quốc cố gắng chiếm lĩnh một phần của thị trường này.

Giới chức Mỹ đã viện lý do an ninh quốc gia để chặn nhiều khoản đầu tư chiến lược hoặc các thương vụ mua bán trong lĩnh vực này. Điều này là nhờ vào quyền hạn được tăng cường của Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) và việc áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các công ty Trung Quốc thông qua Danh sách thực thể do Cục công nghiệp và an ninh (BIS) duy trì. Việc mở rộng quyền hạn của các cơ quan này là nhờ khái niệm linh hoạt về “an ninh quốc gia”.

Các cơ quan quản lý của Mỹ đã chứng minh rằng họ cũng có thể can thiệp chống lại các công ty nước ngoài. Điều này được thể hiện khi CFIUS chặn Quỹ Đầu tư Phúc Kiến (Fujian Grand Chip Investment Fund - FGC) của Trung Quốc mua lại công ty Aixtron của Đức năm 2016 và BIS cũng sử dụng sức ép này để chặn công ty TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) bán chip cho tập đoàn Huawei của Trung Quốc.

Tất cả hoạt động này đã được hệ thống hóa bởi Đạo luật hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài (2018) và Quy tắc sản phẩm do nước ngoài trực tiếp sản xuất thuộc Quy chế quản lý xuất khẩu (2020). Điều này đã củng cố quyền lực pháp lý của các cơ quan Mỹ bằng cách cho phép họ thực hiện hành động chống lại bất cứ công ty nào phụ thuộc vào những công nghệ Mỹ mà không dễ dàng thay thế.

Chính sự vượt trội về công nghệ của Mỹ cho phép nước này kiểm soát các nút thắt chiến lược trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu để ngăn chặn Trung Quốc nâng cấp công nghệ. Ngoài ra, các nền kinh tế khác liên quan tới lĩnh vực này như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản, đều là những đồng minh chiến lược của Mỹ và đều nỗ lực ngăn chặn tham vọng địa chính trị của Trung Quốc.

Những nền kinh tế này phải cân bằng lợi ích kinh tế giữa họ với Trung Quốc với lợi ích địa chính trị của Mỹ. Hàn Quốc đã phải cố gắng duy trì cách tiếp cận trung lập nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục