Vai trò của các công ty Đông Á trong sự phát triển của ngành bán dẫn Mỹ

05:30' - 11/05/2022
BNEWS Theo tạp chí Diplomat, việc loại trừ các đối tác nước ngoài khỏi Đạo luật tạo động cơ khuyến khích sản xuất chất bán dẫn (CHIPS) sẽ là "thảm họa" đối với hệ sinh thái chất bán dẫn của Mỹ.
Sự thiếu hụt chip đã cho thấy rõ lỗ hổng kinh tế cũng như vấn đề an ninh quốc gia. Ảnh: Reuters
Hai năm sau đại dịch COVID-19, tình trạng thiếu chip trên toàn cầu, vốn đang gây ảnh hưởng nặng nề đến các nhà sản xuất ô tô, không có dấu hiệu giảm bớt mặc dù các nhà sản xuất đã nỗ lực đáp ứng nhu cầu tăng vọt.

Công nghệ bán dẫn đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống hiện đại với các vi mạch hoặc mạch tích hợp (IC), được thấy trong mọi thiết bị điện tử, từ điều khiển tivi trong các gia đình đến các radar quân sự phòng thủ tên lửa tối tân.

Khi các công ty và chính phủ trên khắp thế giới nhận ra tầm quan trọng chiến lược của việc duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu có sức phục hồi và hợp tác đảm bảo nguồn cung, nhiều người đã xem việc thiết hụt chất bán dẫn là một vấn đề mang tính an ninh quốc gia.

Chính vì vậy, Nhật Bản đã đầu tư 6,8 tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) cũng hứa hẹn sẽ tăng gấp đôi thị phần toàn cầu vào năm 2030 và Mỹ cũng đang phấn đấu đạt được khả năng tự cung cấp chip.

Để đạt được mục tiêu đó, Mỹ đang củng cố hệ sinh thái chất bán dẫn trong nước của mình thông qua các dự luật, bao gồm Đạo luật tạo động cơ khuyến khích sản xuất chất bán dẫn (CHIPS) nằm trong Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ (USICA) và Đạo luật Cạnh tranh của Mỹ.

Trong khi Hạ viện và Thượng viện Mỹ vẫn đang trong quá trình điều chỉnh các dự luật cạnh tranh tương ứng, các công ty đã vận động hành lang để được tiếp cận với một phần trong số 52 tỷ USD trợ cấp đã được phê duyệt theo đạo luật CHIPS nói trên.

Giám đốc điều hành tập đoàn Intel, ông Pat Gelsinger, đã ủng hộ chống lại việc các công ty nước ngoài đủ điều kiện có thể nộp đơn xin trợ cấp theo Đạo luật CHIPS, cho rằng chỉ những công ty có "nguồn gốc sâu xa ở Mỹ", những công ty "có trụ sở tại Mỹ" mới đáng nhận được sự hỗ trợ từ người đóng thuế ở Mỹ.

Ông Gelsinger tiếp tục vẽ nên bức tranh về Intel với tư cách là công ty bán dẫn duy nhất của Mỹ có khả năng thiết kế và sản xuất tiên tiến hàng đầu, rất quan trọng để thúc đẩy "đổi mới và sở hữu trí tuệ (IP) ở Mỹ.

Quan điểm này đã bỏ qua một thực tế rằng nhiều công ty hàng đầu trong ngành, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Intel, lại là những doanh nghiệp Mỹ nổi tiếng sử dụng các dịch vụ đúc của các công ty Đông Á.

Những doanh nghiệp này bao gồm Apple vốn thiết kế riêng CPU cũng như các công ty thiết kế vi mạch NVIDIA, AMD, Qualcomm và Broadcom. Các công ty Mỹ này từ lâu đã phát triển quan hệ với các đối tác châu Á như TSMC và Samsung, thông qua đó, sự đổi mới và sở hữu trí tuệ của Mỹ được duy trì.

Các nhà cung cấp chất bán dẫn ở Đông Á cũng đang đáp lại lời kêu gọi của Chính phủ Mỹ để đưa sản xuất sang Mỹ, với việc tập đoàn TSMC khởi công nhà máy sản xuất chất bán dẫn trị giá 12 tỷ USD ở Arizona, sử dụng công nghệ sản xuất chip 5 nm tiên tiến và tập đoàn Samsung cũng đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 17 tỷ USD tại Texas.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp này cho thấy các công ty nước ngoài cam kết thúc đẩy phát triển các cụm sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ cùng với các đối tác của nước này. Việc loại trừ các công ty này khỏi Đạo luật CHIPS sẽ không khuyến khích việc tiếp tục đầu tư.

Tập đoàn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) hoạt động theo mô hình kinh doanh thuần túy, theo đó cố gắng giúp các công ty trên toàn thế giới - bao gồm cả các công ty Mỹ - nhận ra giá trị thương mại và lợi ích kinh tế của việc phát triển sở hữu trí tuệ của họ.

Tại Nhật Bản, TSMC và Sony đang hợp tác thực hiện kế hoạch đầu tư 8,6 tỷ USD vào một hãng sản xuất mới, với việc Chính phủ Nhật Bản tài trợ khoảng 3,49 tỷ USD để đổi lại cam kết duy trì hoạt động sản xuất tại nước này trong ít nhất 10 năm và bảo vệ công nghệ thiết yếu. Đây là một ví dụ về thái độ cởi mở đối với vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp, cùng với các điều kiện được xác định rõ ràng, là cơ sở của quan hệ đối tác quốc tế cùng có lợi trong nước. Mỹ có thể áp dụng một mô hình tương tự.

Bài viết cho rằng, sự thiếu hụt chip đã cho thấy rõ lỗ hổng kinh tế cũng như vấn đề an ninh quốc gia. Tuy nhiên, đa dạng hóa và đảm bảo chuỗi cung ứng không giống như việc Mỹ đang làm bằng cách cắt đứt hợp tác quốc tế tiềm năng. Loại trừ các công ty Đông Á mà vốn từ lâu đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ sẽ chỉ gây hại cho hệ sinh thái chất bán dẫn ở Mỹ.

Các đối tác nước ngoài không chỉ là những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hiện tại mà còn phải là những đối tác không thể thiếu trong tầm nhìn của Mỹ về một liên minh bán dẫn toàn cầu mới hơn, linh hoạt hơn. Trong việc tạo dựng các liên kết này, sự an toàn cũng như việc bao gồm các đối tác đáng tin cậy là chìa khóa để thành công lâu dài./.  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục