Lợi thế mới mà Australia có được nhờ Brexit

06:00' - 29/04/2019
BNEWS Việc nước Anh rời khỏi EU (hay Brexit) có thể sẽ mang tới nhiều cơ hội cho Australia, dù chúng phụ thuộc vào bản thỏa thuận Brexit cuối cùng, nhưng Australia có thể hành động để phát triển tiềm năng.
Cờ Anh (phía trên) và cờ EU tại Westminster, London ngày 12/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhận đinh này được Alan Oxley, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu APEC của Đại học RMIT, Cựu Đại sứ Australia tại Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch (tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO), đưa ra trong bài viết được đăng tải trên trang mạng của Học viện Quốc tế Australia. 

Theo tác giả Oxley, khi cuộc trưng cầu dân ý về Brexit cho thấy đa số người dân Anh muốn rời khỏi EU, ngành công nghiệp thịt bò của Australia đã coi đây là một cơ hội. Người nông dân chăn nuôi Australia đã phải chịu sự “ghẻ lạnh” của Anh kể từ khi nước này gia nhập Thị trường chung châu Âu vào thập niên 1970 và ban hành quyết định cắt giảm sản lượng nhập khẩu thịt bò Australia.

Các quan chức thương mại Australia đã nhanh chóng tiếp cận với chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May ngay sau khi có kết quả cuộc bỏ phiếu quyết định Brexit. Họ biết rằng đó là cơ hội để xuất khẩu một số lượng lớn thịt bò vào Anh với mức giá rẻ hơn so với quy định của EU.

Đối với Australia, khả năng cung ứng thịt bò trong thời gian trước mắt là rất hạn chế, do hạn hán và lũ lụt đã gây những thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành chăn nuôi gia súc trong thời gian qua. Tuy Australia không nên quá lo lắng về nguy cơ mất cơ hội giành lại thị phần thương mại thịt bò ở Anh, nhưng nước này cũng đừng mong đợi sẽ nhanh chóng thu được những khoản lợi nhuận đáng kể.

Có một vấn đề lớn hơn, rất rõ ràng trên các phương tiện truyền thông quốc tế, đó là bà May không thể nhận được đa số phiếu trong Quốc hội Anh để thực thi mô hình rút khỏi EU của mình. 

Tác giả bài viết cho rằng có ba lý do cơ bản. Thứ nhất, bà May đã hành xử vụng về về chính trị. Sau khi ông David Cameron, thành viên Đảng Bảo thủ từ chức, bà May được bổ nhiệm làm Thủ tướng Anh. Ngay trong tháng 7/2016, bà đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu sớm vào tháng 6/2017 – khiến bà suýt phải rời khỏi vị trí của mình. Bản đề xuất bà May đem tới các cuộc bỏ phiếu đã không thu hút được cử tri từ Đảng Bảo thủ.

Thứ hai, Thủ tướng May sau đó lại phạm phải một sai lầm lớn hơn, rất nghiêm trọng, khiến ông David Davis, người được bà May chỉ định là Bộ trưởng Thương mại, phải từ chức. Tháng 7/2018, Thủ tướng Anh triệu tập Nội các để xem xét 100 trang kế hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình Brexit. Ông Davis hay Bộ của ông chưa từng được xem bản kế hoạch. Chỉ khoảng 1/3 số tài liệu liên quan bản kế hoạch đề cập đến vấn đề thương mại một cách hết sức “nghèo nàn”. Ông Davis ngay lập tức đã từ chức.

Sai lầm thứ ba đến từ thất bại trong việc đối phó với các nhà điều hành EU tại Brussels. Có vẻ như bà May cho rằng mình có thể đàm phán được với Brussels. Như Canada đã nhận ra khi đàm phán một hiệp định thương mại tự do khá đơn giản với EU, chỉ riêng việc giải quyết các điểm nhỏ, chưa nói tới các điểm lớn, đã tốn rất nhiều thời gian. Bà May cho rằng có thể dễ dàng đàm phán với nhà lãnh đạo tại Brussels. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Cuối cùng, bà May thậm chí còn gặp nhiều rắc rối hơn khi cố gắng xác định lập trường của nước Anh. Trước khi nêu vấn đề này ra trước Brussels, bà May đã phải tìm kiếm một lập trường chung với các thành viên nghị viện. Bà đã không làm được điều này. Những khác biệt giữa các thành viên Đảng Bảo thủ, vốn chia thành hai phe, và Công đảng, vốn không có lập trường thực tế, cùng lợi ích của các đảng thiểu số, đã không thể vượt qua.

Thủ tướng May đã tính toán sai cách đối phó với EU. Sự chú ý đổ dồn vào việc làm thế nào để tách được quản lý hải quan đối với các sản phẩm đến và ra khỏi Vương quốc Anh. EU áp dụng một hệ thống chung để điều tiết thương mại đối với tất cả 27 thành viên. 

Nhưng đó không phải là vấn đề lớn và khó khăn nhất. Điều mà Thủ tướng May và Nội các của bà không nắm bắt được là cốt lõi cách thức hoạt động của EU. Đây là một tổ chức lớn, được lãnh đạo bởi 27 người đứng đầu chính phủ. Không có quyết định nào được đưa ra một cách dễ dàng.

Thực tế là để đi đến một lập trường chung cho tất cả thành viên EU về các vấn đề khác ngoài đề xuất đơn giản được đưa ra cho Vương quốc Anh, bao gồm việc tiếp tục tham gia theo quy định trong hệ thống thương mại EU, là điều gần như không thể.

EU cũng luôn chậm trong việc hoàn thành các thỏa thuận. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, nhiều nước thuộc Liên Xô cũ đã chọn tham gia EU. Các nước này cần phải cải cách lại hệ thống thuế quan để hoàn thành tiến trình gia nhập WTO với tư cách là thành viên của EU. Hiện tiến trình này vẫn chưa kết thúc.

Điểm yếu lớn nhất của bà May là không xác định được chính xác Vương quốc Anh cần gì. Điều này không thể chỉ được quyết định trong nội bộ.

Kết thúc bài viết, tác giả nhận định Canberra đã nhìn thấy hai lĩnh vực chính có thể ngay lập tức thu lợi được từ Brexit. Một là tiếp cận thị trường thịt bò của Anh. Thịt bò Australia chất lượng cao, nhưng giá lại rẻ hơn. Tuy nhiên, việc tiếp cận này không hề đơn giản khi Ireland và Bắc Ireland khăng khăng muốn duy trì việc bảo hộ ngành thương mại thịt bò giữa Anh và Ireland (nghĩa là được bảo hộ ở mức cao) như một điều kiện ủng hộ Brexit.

Cơ hội thứ hai mà Canberra thấy được là trong lĩnh vực đầu tư. Anh là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Australia. Cả Australia và Anh đều hưởng lợi từ việc cấp cho Anh quyền đầu tư lên tới hàng tỷ USD mà không cần phải xem xét trước, như quy định tại hầu hết các hiệp định tư do thương mại khác mà Australia đã ký kết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục