Lợi và hại của Đạo luật giảm phát đối với Canada

07:12' - 21/08/2023
BNEWS Theo tờ The Financial Post, một năm trước, Mỹ đã thông qua một đạo luật dài 730 trang mở đường cho một số công ty sản xuất lớn nhất thế giới thay đổi hệ thống chuỗi cung ứng.

Được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật vào ngày 16/8/2022, Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) không chỉ nhằm mục đích giảm lạm phát mà còn hứa hẹn các khoản tín dụng thuế, trợ cấp và cho vay trị giá hơn 300 tỷ USD để tài trợ cho các dự án năng lượng sạch và giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng và chăm sóc y tế.

 

Với các doanh nghiệp Canada, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô có liên quan đến thị trường Mỹ, IRA chắc chắn sẽ có ảnh hưởng. Đó là lý do tại sao Chính phủ Canada tích cực vận động hành lang trong nhiều tháng trước khi luật được thông qua để thay đổi một số điều kiện có thể gây tổn hại cho ngành công nghiệp ô tô, năng lượng và khai thác mỏ của đất nước này. Một năm trôi qua, IRA đã có cả tác động mong muốn đối với các công ty ở Mỹ và một số hậu quả không lường trước được đối với những nước khác.

Một tháng sau khi luật này ra đời, nhà sản xuất pin của Hàn Quốc LG Energy Solution đã ký thỏa thuận cung cấp nguyên liệu cần thiết để sản xuất pin cho xe điện (EV) từ ba công ty khai thác mỏ nhỏ ở Canada. Tập đoàn vật liệu Pin Electra có trụ sở tại Toronto (Canada), đã đồng ý cung cấp cobalt cho “gã khổng lồ” sản xuất pin, mô tả thỏa thuận này là “hợp đồng thương mại lớn đầu tiên” vào tháng 9/2022. Một phát ngôn viên của Electra cho biết IRA đã giúp hoàn tất thỏa thuận. LG cũng đã ký thỏa thuận với công ty Avalon Advanced Materials của Toronto (tỉnh Ontario) và Snow Lake Resources có trụ sở tại Winnipeg (tỉnh Manitoba), những công ty khai thác đang trong quá trình phát triển các dự án lithium.

Lý do chính đằng sau khoản đầu tư vào các dự án giai đoạn đầu này nằm ở các điều khoản của IRA cung cấp khoản tín dụng 3.750 USD cho các phương tiện có pin chứa các khoáng chất quan trọng được khai thác hoặc xử lý tại một quốc gia mà Mỹ có thỏa thuận thương mại tự do hoặc được tái chế từ pin cạn kiệt tại một cơ sở ở Bắc Mỹ. Ngoài ra, còn có một khoản tín dụng thuế trị giá 3.750 USD riêng cho những phương tiện có bộ phận pin được sản xuất hoặc lắp ráp ở Bắc Mỹ.

Đề cập đến các điều khoản, cả Avalon và Snow Lake năm ngoái đều cho biết, IRA đã mở đường cho các công ty Canada khai thác kim loại sản xuất pin hợp tác với các nhà sản xuất xe điện. Đây không phải là những dự án khai thác duy nhất của Canada được hưởng lợi từ IRA. Vào tháng 11/2022, General Motors đã ký một thỏa thuận với tập đoàn đa quốc gia Vale SA có trụ sở tại Brazil để cung cấp 25.000 tấn nickel hàng năm từ nhà máy ở Bécancour, Quebec. Nguồn cung cấp nickel sẽ được sử dụng trong pin xe điện của GM để cung cấp năng lượng cho khoảng 350.000 xe điện hàng năm. Một đại diện của GM năm ngoái cho biết thỏa thuận này sẽ giúp công ty đủ điều kiện nhận các khoản tín dụng thuế năng lượng sạch được đề cập trong IRA.

Năm ngoái, Stellantis và LG cũng đã ký một thỏa thuận với Ottawa để đầu tư hơn 5 tỷ CAD (3,69 tỷ USD) để xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở Windsor (Ontario), dự kiến sẽ tạo ra 2.500 việc làm. IRA đóng vai trò trong việc lôi kéo các công ty ô tô xây dựng các nhà máy pin đầu tiên ở Canada cho xe điện.

Stellantis và LG lần đầu tiên công bố vào tháng 3/2022 mục tiêu xây dựng một nhà máy pin lithium-ion ở Windsor. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy đã bị dừng lại vào tháng 5/2023, sau khi Stellantis cho biết, chính phủ liên bang đã không đáp ứng các cam kết tài chính.

Bộ trưởng Công nghiệp François-Philippe Champagne ngày 19/5 cho biết, mặc dù Canada đã có thỏa thuận với Stellantis, nhưng các bên phải đàm phán lại vì IRA và những lợi ích mà đạo luật này mang lại. Tình hình cuối cùng đã được giải quyết vào tháng Bảy sau khi Canada xác nhận sẽ cung cấp cho dự án các ưu đãi trị giá lên tới 15 tỷ CAD. Chính phủ liên bang đã ký một thỏa thuận tương tự với Volkswagen, công ty đang tìm cách xây dựng một nhà máy pin ở St. Thomas, Ontario, Canada. Volkswagen có thể nhận được ít nhất 13 tỷ CAD tiền ưu đãi.

Bob Fay, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Đổi mới quản trị quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Ontario, cho biết các cam kết của chính phủ đối với nhà máy pin là tác động rõ ràng nhất của IRA ở Canada. Nhưng ông cũng cho rằng điều đó là chưa đủ để “thực sự định vị” Canada là nước đi đầu trong chuỗi giá trị xe điện. Ông cho biết: “Canada cần tập trung vào việc phát triển và nắm bắt tài sản trí tuệ thay vì chỉ đơn giản trở thành một nhà máy vận hành pin. Canada có vị trí tốt để làm như vậy với tài năng và nguồn lực và các nỗ lực của chính phủ nên được chuyển hướng đến những mục tiêu đó”.

IRA đã giúp đưa các khoản đầu tư vào Canada, nhưng cũng buộc một số doanh nghiệp chuyển xuống phía Nam biên giới. Ví dụ, nhà phân phối nhiên liệu Parkland có trụ sở tại Calgary vào tháng Ba cho biết họ đã quyết định không xây dựng một tổ hợp diesel tái tạo độc lập tại nhà máy lọc dầu Burnaby của mình vì những lý do như chi phí gia tăng và IRA - điều mà họ cho rằng mang lại lợi thế cho các nhà sản xuất Mỹ.

Nhận thức được “thách thức lớn” do IRA đặt ra, chính phủ liên bang đã công bố một số biện pháp trong ngân sách gần đây, bao gồm tín dụng thuế đầu tư và các chương trình mục tiêu để thúc đẩy các dự án năng lượng sạch và lộ trình tài trợ chiến lược, đồng thời tái khẳng định hỗ trợ cho lĩnh vực khai thác mỏ. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã mô tả phản ứng của chính phủ là “hạn chế” so với IRA. Heather Exner-Pirot, cố vấn đặc biệt tại Hội đồng Kinh doanh Canada (một nhóm gồm khoảng 150 công ty) cho rằng: “Trái ngược với cách tiếp cận của Canada, IRA coi khu vực tư nhân là đối tác, không phải là trở ngại, trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu”.

Matthew Holmes, Phó Chủ tịch cấp cao của Phòng Thương mại Canada cho biết, Canada không thể “đối đầu” với Mỹ và các biện pháp được thực hiện trong ngân sách là “thận trọng và thực dụng”. Tuy nhiên, Canada cần nhanh chóng giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà và bắt đầu làm việc với các tỉnh để thúc đẩy các dự án tiến triển nhanh hơn. Ông Holmes cho biết: “Chúng tôi đã thấy vốn đầu tư đang đi về phía Nam. Trong một hoặc hai năm tới, chúng tôi lo ngại rằng nhân tài, nghiên cứu và đổi mới của Canada sẽ theo sau khi Mỹ xây dựng động lực”.

Dennis Darby, Giám đốc điều hành của Tổ chức Các nhà sản xuất và Xuất khẩu Canada, đại diện cho 2.500 nhà sản xuất, cho biết các động thái của Canada không “hào phóng” như các biện pháp khuyến khích của Mỹ và việc triển khai “quá chậm”. Bất chấp những bước đi ban đầu, lĩnh vực sản xuất của Canada có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua giành việc làm và đầu tư sạch. Canada cần giành được nhiều dự án đầu tư kinh tế sạch lớn hơn như dự án với Volkswagen và Stellantis để thu hẹp khoảng cách với Mỹ và thu hút thêm đầu tư.

Một số nhà nghiên cứu như Carlo Dade, Giám đốc của tổ chức tư vấn Canada West Foundation có trụ sở tại Calgary, tin rằng Canada cần đưa ra một phản ứng toàn diện tương tự như IRA thay vì một loạt các biện pháp khác nhau. Ông Carlo Dade nói thêm: “Tôi vẫn đang chờ phản hồi của Canada. Có lẽ một lý do khiến chúng tôi quá tập trung vào IRA là vì chúng tôi không có bất cứ thứ gì tương tự ở Canada?”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục