Người dân Canada đối mặt với "quả bom hẹn giờ" vay thế chấp

09:46' - 17/08/2023
BNEWS Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn nhà ở và thế chấp Canada, các khoản vay thế chấp có lãi suất biến động đã tăng chóng mặt ở thời điểm hiện tại.
Việc tăng lãi suất cơ bản của Ngân hàng trung ương Canada thời gian qua đã bắt đầu có tác động tới nhiều người vay thế chấp bởi các khoản thanh toán tiền lãi đang bị điều chỉnh tăng mạnh hoặc thời gian trả nợ sẽ bị kéo dài nếu họ muốn giữ nguyên khoản lãi thanh toán hàng tháng.

 
Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn nhà ở và thế chấp Canada, các khoản vay thế chấp có lãi suất biến động đã tăng chóng mặt ở thời điểm hiện tại. Với khoản vay thế chấp 319.140 CAD (237.270 USD) kỳ hạn 25 năm, với lãi suất thả nổi trong 5 năm đầu và trả trước 20% vào quý I/2021, số tiền thanh toán hàng tháng sẽ là 1.231 CAD. Trong khi đó, cũng với khoản vay này ở thời điểm quý I/2023, việc thanh toán lãi hàng tháng sẽ là 1.939 CAD và vào thời điểm hiện nay (tháng 8/2023), tiền lãi hàng tháng sẽ là 2.031 CAD.

Đối với những khoản vay tương tự trong thời hạn 25 năm và lãi suất cố định trong 5 năm đầu, người vay sẽ không cảm thấy sự thay đổi cho tới khi họ đáo hạn lần đầu vào năm 2026. Theo dự báo của Ratehub.ca, một trang web tính toán chi phí vay thế chấp, các khoản thanh toán hàng tháng đó sẽ tăng từ 20% đến 40%.

Trường hợp người vay chọn các khoản vay có lãi suất cố định trong suốt thời hạn vay, thì thời gian khấu hao của họ có khả năng sẽ kéo dài vô hạn bởi tương lai của việc trả nợ không thể ấn định hay dự báo được do thời hạn trả nợ có thể lên tới 55 năm hoặc thậm chí là 70 năm. Theo báo chí Canada, những trường hợp này dường như rất phổ biến bởi những người đi vay thường phải cân đối chi tiêu do giá cả sinh hoạt hàng tháng đã tăng kể từ sau khi đại dịch được kiểm soát.

Tờ Toronto Star bình luận rằng những người này từng nghĩ họ "trúng số" khi mua nhà ở thời điểm sau đại dịch, với lãi suất chỉ 1,4%. Nhưng giờ đây, với mức lãi suất đã tăng hơn 6,2% và thời gian trả nợ tự động tăng lên vô hạn, thì việc sở hữu nhà đối với họ là những cơn ác mộng.

Các chuyên gia cho rằng đại dịch đã khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng khó lường và thị trường nhà đất cũng không ngoại lệ. Giáo sư Luis Silva thuộc Đại học Toronton từng nói với phóng viên TTXVN rằng, Chính phủ Canada đã quyết định bơm một lượng lớn tiền vào nền kinh tế thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính trong thời điểm mà phần lớn người dân ở nhà, không ra đường chi tiêu do bị đóng cửa và cách ly, dẫn đến tích lũy được những khoản tiết kiệm kỷ lục. Việc dư thừa tiền dẫn tới cầu tăng trong khi nguồn cung còn hạn chế đã tạo ra tình trạng lạm phát.

Vấn đề dư thừa tiền cũng đã khiến nhiều người quyết định tham gia thị trường nhà ở vì vay được tiền với lãi suất thấp hoặc tiết kiệm được do không có nhiều thứ để chi tiêu. Nhưng khi thị trường biến động đột ngột thì các kẽ hở bắt đầu lộ ra.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã báo cáo rằng trong số 38 nền kinh tế phát triển, Canada là một trong những nước có rủi ro vỡ nợ thế chấp cao nhất, cùng với Australia, Na Uy và Thụy Điển. IMF cho rằng các quốc gia có nợ hộ gia đình ở mức cao và phần lớn người dân đi vay với lãi suất biến động sẽ dễ bị tổn thương bởi các khoản thanh toán thế chấp cao hơn cũng như có nguy cơ dễ vỡ nợ hơn.

Một báo cáo mới đây của Công ty nghiên cứu tín dụng Equifax Canada về tỷ lệ nợ quá hạn cho thấy ngày càng có nhiều người Canada có thế chấp thiếu khả năng thanh toán cho các chi phí vay tín chấp như thẻ tín dụng. Con số này đã tăng 15,7% so với quý II/2022. Thông thường các chủ nhà sẽ làm bất cứ điều gì để tránh vỡ nợ đối với các khoản thanh toán thế chấp. Do vậy, họ sẽ bắt đầu vỡ nợ đối với các khoản tín chấp như thanh toán thẻ tín dụng hay trả góp xe hơi.

Chủ tịch hãng môi giới thế chấp Ron Alphonso cho biết mỗi năm sẽ có khoảng 20% các khoản thế chấp được gia hạn và điều này có nghĩa là số vụ vỡ nợ sẽ tăng bởi chủ nhà sẽ bị điều chỉnh theo mức lãi suất cao hơn. Dự kiến có khoảng 20.376 khoản thế chấp có thể bị vỡ nợ cho tới cuối năm sau, một mức tăng đáng kể so với con số 7.500 chủ nhà bị thu nợ hồi tháng 5/2023.

Để giúp các chủ nhà ở lại trong căn nhà của họ, các ngân hàng đã đưa ra đề xuất tăng thời gian thanh toán lên vô hạn, miễn là họ vẫn có tiền thanh toán hàng tháng. Nhưng nhiều chuyên gia tài chính cho rằng biện pháp này chỉ giải quyết vấn đề tức thời và nó có thể gây ra nỗi dài hạn đau về sau.         

Các ngân hàng lớn ở Canada đang được chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng các khoản thế chấp với thời gian thanh toán lên hơn 35 năm. Năm 2022, Ngân hàng TD, CIBC và RBC đã báo cáo rằng 25% các khoản thế chấp của họ đang có thời gian thanh toán lên hơn 35 năm. Trước đây chưa từng xuất hiện khoản thế chấp nào với thời gian thanh toán kéo dài như vậy.

Chuyên gia Philip Cross của Viện Macdonald-Laurier nhận xét các chuyên gia không chắc chắn có bao nhiêu vụ vỡ nợ thế chấp sẽ xảy ra, đặc biệt là với thị trường lao động mạnh mẽ như hiện nay. Nhưng đến một lúc nào đó nó sẽ phải xảy ra.     

Việc kéo dài thời gian thanh toán có thể giúp người Canada tránh vỡ nợ hôm nay, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi "quả bom hẹn giờ" này phát nổ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục