Long An đưa nông sản vào chuỗi giá trị sản xuất

10:22' - 27/10/2020
BNEWS Hiện nay, đa số người tiêu dùng trên thế giới và cả những người tiêu dùng khó tính trong nước cũng đòi hỏi các loại nông sản phải được chứng minh nguồn gốc.

Theo đánh giá của các chuyên gia, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm được đánh giá có chất lượng tốt, đến từ nhà sản xuất uy tín và có xuất xứ rõ ràng. Vì vậy, xây dựng thương hiệu được nông dân và các doanh nghiệp tỉnh Long An xác định phải xuất phát từ việc làm truy xuất nguồn gốc và đa dạng sản phẩm cho nông sản.

Truy xuất nguồn gốc rõ ràng

Không riêng người tiêu dùng khó tính tại các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, hiện nay, đa số người tiêu dùng trên thế giới và cả những người tiêu dùng khó tính trong nước cũng đòi hỏi các loại nông sản phải được chứng minh nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi các sản phẩm có dán nhãn hoặc mã truy xuất nguồn gốc, họ sẽ mạnh dạn lựa chọn cho vào giỏ hàng.

Theo ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, thế mạnh hiện nay của Long An là trái thanh long và chanh không hạt. Từ các loại nông sản này, nông dân và doanh nghiệp tại Long An đã nỗ lực đẩy mạnh việc chế biến sâu thành các sản phẩm như rượu, mứt, sản phẩm sấy khô, bột, nước cốt, nước sốt,… để tăng giá trị cho trái thanh long và chanh không hạt.

Tuy nhiên, để có thể làm tăng niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm chế biến này, nguồn nguyên liệu tươi phục vụ cho chế biến cần truy xuất nguồn gốc cụ thể. Do đó, UBND tỉnh Long An đã chủ động và tích cực đề xuất cấp chỉ dẫn địa lý cho các loại nông sản thế mạnh của Long An.

Cụ thể, vào đầu tháng 10/2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00085 cho thanh long của huyện Châu Thành và UBND tỉnh Long An là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

"Sản phẩm thanh long Châu Thành là sản phẩm nổi tiếng ở cả thị trường trong nước và trên thế giới, danh tiếng của sản phẩm được khẳng định thông qua các cuộc thi, lễ hội về trái cây uy tín trong nước và trên thế giới; trong đó, nhãn hiệu thanh long Tầm Vu của huyện Châu Thành cũng đã được bảo hộ tại Việt Nam, Mỹ, Singapore, Trung Quốc…", ông Nguyễn Anh Việt chia sẻ thêm.

Nói về truy xuất nguồn gốc, ông Bùi Văn Khắp, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ nông nghiệp Thuận Bình (ở ấp Gãy, xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ, để sản phẩm chanh tươi của hợp tác xã đến được các thị trường khó tính, các thành viên của hợp tác xã phải đáp ứng các tiêu chí của nhà nhập khẩu đưa ra như sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Theo tiêu chuẩn này, các vườn chanh đều phải gắn mã truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý để người tiêu dùng châu Âu có thể xác định được nơi sản xuất. Đồng thời, các sản phẩm chế biến của hợp tác xã cũng phải dán nhãn truy xuất nguồn gốc. Có như vậy, người tiêu dùng mới tăng lòng tin và tăng sự lựa chọn trái chanh tươi và sản phẩm chế biến từ chanh của Long An.

Đa dạng sản phẩm chế biến tăng giá trị cho nông sản

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Cụ thể, để người tiêu dùng nhớ đến sản phẩm, thì sản phẩm đó phải đạt chất lượng tốt, sau đó là các vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm chế biến đa dạng, đa dòng, phục vụ đa phân khúc khách hàng.

Có như vậy, người sản xuất mới khai thác hết giá trị của từng loại nông sản, đồng thời, người tiêu dùng cũng dễ dàng nhớ đến loại nông sản này.

Việc xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản tại tỉnh Long An cũng không nằm ngoài các yếu tố trên. Là người luôn đau đáu với việc xây dựng thương hiệu cho trái chanh Long An, ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty Chanh Việt (Long An) cho biết, dưới sự hỗ trợ của chính quyền các cấp tỉnh Long An, thương hiệu Chanh Việt được ông và các đồng sự xây dựng từ 10 năm trước.

Quá trình xây dựng thương hiệu cũng lắm gian nan, từ việc xây dựng vùng nguyên liệu đến việc đầu tư nhà máy chế biến.

Khi Chanh Việt đã có sản phẩm chế biến chất lượng, thì việc tìm kiếm thị trường cũng không đơn giản. Đơn cử, để có thể đưa sản phẩm Chanh Việt vào thị trường Nhật Bản, ông và các đồng sự đã phải thực hiện nghiêm theo các tiêu chuẩn do phía Nhật yêu cầu.

Cho đến nay, sản phẩm nước cốt chanh, chanh tẩm mật ong và tinh dầu chanh của Chanh Việt đã được người tiêu dùng Nhật tín nhiệm. Trong khi đó, tại thị trường Hàn Quốc, người tiêu dùng lại ưa chuộng chanh tẩm đường để chế biến trà chanh.

Tại thị trường trong nước, sản phẩm bột chanh của Chanh Việt hầu như đã phủ khắp các tỉnh thành và chỉ có một đơn vị nước ngoài cạnh tranh với Chanh Việt về loại sản phẩm này. Ngoài ra, để đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ trái chanh và các loại nông sản khác của Long An, Chanh Việt đã tạo ra những dòng sốt rất được thị trường ưa chuộng.

Các sản phẩm này đã có mặt trên các hệ thống siêu thị lớn, các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn và resort ở các tỉnh thành.

Theo ông Hiển, để có được những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực cố gắng của Chanh Việt, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là các cơ quan, ban ngành của tỉnh Long An đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong việc tham gia các hội chợ, các cuộc triển lãm, xúc tiến thương mại cũng như việc kết nối với các khách hàng trong nước cũng như quốc tế.

Trong khi đó, đối với trái thanh long, theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, việc xây dựng thương hiệu cho trái thanh long hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Vì theo ông, muốn làm thương hiệu cho trái thanh long Long An, thay vì chỉ sản xuất và xuất khẩu trái tươi như hiện nay, ngoài chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc, người nông dân Long An phải thay đổi hoàn toàn tập quán và quy trình sản xuất trước đây sang hướng sản xuất sạch, hữu cơ; đầu tư và nâng cao công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, có như thế mới có thể nâng cao được chất lượng, uy tín và giá trị cho thương hiệu thanh long Long An./.

>>Xuất khẩu nông sản trong 9 tháng năm 2020 đạt trên 30 tỷ USD

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục