Lũ dâng cao, đe dọa sạt lở các tuyến đê bao ở Cần Thơ

17:42' - 12/09/2018
BNEWS Mức nước lũ sáng ngày 12/9 tại thành phố Cần Thơ là 2,02 m, vượt báo động III (1,9 m) là 0,12 m khiến nhiều tuyến đường nội ô của thành phố Cần Thơ ngập sâu trên dưới 0,5 m.
Năm 2018, tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn xảy ra 3 lần sạt lở với chiều dài khoảng gần 200 m, làm hư hại hoàn toàn 35 ngôi nhà của người dân. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Trong các ngày qua, lũ trên thượng nguồn đổ về nhanh kết hợp với triều cường đầu tháng Tám (âm lịch) và mưa tại chỗ làm ngập nhiều tuyến đường nội ô của thành phố Cần Thơ; đe dọa sạt lở nhiều tuyến đê bao ven sông Hậu.

Mức nước lũ sáng ngày 12/9 tại thành phố Cần Thơ là 2,02 m, vượt báo động III (1,9 m) là 0,12 m khiến nhiều tuyến đường nội ô của thành phố Cần Thơ ngập sâu trên dưới 0,5 m.

Các khu vực bị ngập sâu như: Trung tâm Thương mại Cái Khế, phường Tân An, phường An Lạc; hồ Xáng Thổi, Bến Ninh Kiều, quận Bình Thủy...

Đây cũng là mức lũ cao nhất trong đợt lũ, triều cường đầu tháng Tám âm lịch tại thành phố Cần Thơ.

Tuy nước lũ dâng cao chưa gây thiệt hại lớn về người cũng như tài sản nhưng bước đầu đã làm cho việc đi lại của người dân vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều gặp nhiều khó khăn; xảy ra ùn tắc cục bộ...; nhiều hộ kinh doanh ế ẩm; sinh hoạt của một bộ phận người dân bị xáo trộn.

Đáng chú ý, nước lũ lên nhanh đe dọa sạt lở các tuyến đê bao ở các huyện đầu nguồn như: Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Ô Môn và các cồn trên sông Hậu như cồn Tân Lộc, cồn Sơn, cồn Cái Khế, cồn Khương...

Nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái và thủy sản của bà con nằm ngoài khu vực đê bao ở các huyện đầu nguồn cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Trước tình hình này, Ủy ban Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ đã có công văn gửi đến tất cả các địa phương đề nghị theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên môn cung cấp để chủ động xây dựng các phương án ứng phó, phù hợp với tình hình của địa phương.

Cùng đó, triển khai các giải pháp ứng phó với tình trạng ngập lũ, bảo vệ diện tích lúa Thu Đông ở các địa phương đầu nguồn; chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở; tổ chức bơm tát cứu lúa khi sự cố xấu xảy ra; tổ chức hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn trên các tuyến đường bị ngập lụt…

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, trong các ngày qua đã khảo sát tình hình, triển khai phòng chống lụt bão tại các địa phương; chỉ đạo những điểm nguy cơ cao như Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy... và các cồn trên sông Hậu tu bổ, nạo vét, tôn tạo tuyến đê bao.

Do đó, hiện chưa xảy ra thiệt hại diện tích lúa vụ 3, hoa màu và cây ăn trái, thủy sản của người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục