Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) - nền tảng pháp luật triển khai và vận hành dự án nhà máy điện hạt nhân

16:10' - 14/05/2025
BNEWS Việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lượng nguyên tử trong bối cảnh mới.

Đặc biệt, dự thảo Luật đã đưa ra nhiều sửa đổi quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân khi Việt Nam tái khởi động chương trình điện hạt nhân, đưa các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 vào vận hành giai đoạn 2030-2035. Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thảo luận tại hội trường vào ngày 15/5 tới.

 

Để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, cần có hành lang pháp lý đầy đủ và cơ chế đặc biệt gắn với an toàn, hiệu quả và bền vững. Về vấn đề này, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Việt Nam đang nỗ lực triển khai các dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận gồm: Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Hiện nay, các dự án đã quy hoạch xong địa điểm, xây dựng hệ thống pháp quy, đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân…

Ông Trần Chí Thành cho rằng, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) phải thực sự là nền tảng để xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, triển khai và vận hành dự án nhà máy điện hạt nhân nói riêng. Dự thảo Luật lần này tập trung vào thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ và nhiêu liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó với sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.

Theo ông Trần Chí Thành, vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất khi sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử là tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ cho việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ hạt nhân, điện hạt nhân an toàn, bền vững. Đáng chú ý, dự thảo Luật cho phép áp dụng các cơ chế đặc biệt để triển khai nhanh dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam gồm chỉ định thầu, sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của người bán, khoản chi cho thẩm định và đào tạo.

Cùng với đó, cơ quan soạn thảo cũng xây dựng một chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân. Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) cần đặt vấn đề xây dựng năng lực khoa học - công nghệ và công nghiệp, từng bước nội địa hóa thiết bị điện hạt nhân, hướng đến phát triển điện hạt nhân an toàn, kinh tế và bền vững.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Điện hạt nhân trở thành chiến lược quốc gia, là điện xanh, điện nền, vì vậy Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) lần này được xây dựng sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng để phát triển nguồn điện này an toàn. Đồng thời, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đáp ứng khung pháp lý cho quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử gồm phát triển ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh.

Nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh được thể hiện xuyên suốt cho từng đối tượng quản lý từ nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ cho đến vật liệu hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, bổ sung quy định về danh mục hàng hóa phải kiểm xạ khi nhập khẩu. Thêm vào đó, việc quy định một chương riêng về Thanh sát hạt nhân đã thể hiện vai trò phối hợp kiểm soát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để bảo đảm các hoạt động hạt nhân ở Việt Nam vì mục đích hòa bình, cũng như trách nhiệm tuân thủ các cam kết, nghĩa vụ quốc gia, đặc biệt trong giai đoạn triển khai xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới và sắp tới là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Là đơn vị trực tiếp thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá, dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý, là nền tảng pháp luật để EVN triển khai thực hiện nhanh, sớm đưa vào vận hành dự án nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, Luật cần mang tính dài hạn, tạo cơ sở phát triển các dự án nhà máy điện hạt nhân khác cũng như các vấn đề liên quan đến trình tự và thủ tục và an toàn của nhà máy điện hạt nhân.

Ông Nguyễn Tài Anh cho rằng, đối với vận hành thử nhà máy điện hạt nhân, dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đang xây dựng theo hướng tổ chức vận hành phải lập chương trình vận hành thử, Báo cáo phân tích an toàn hạt nhân cho giai đoạn vận hành thử, nộp cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân thẩm định, phê duyệt và trước khi nạp nhiên liệu vào lò phản ứng phải có giấy phép vận hành thử về an toàn hạt nhân. Về nội dung này, EVN kiến nghị cần xem xét giảm bớt thủ tục thực hiện.

Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thảo luận tại hội trường vào ngày 15/5 tới và dự kiến thông qua vào ngày 14/6 với kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và an toàn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục