Luật chuỗi cung ứng mới của EU ảnh hưởng tới Đức như thế nào?

05:30' - 30/05/2024
BNEWS Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua đạo luật mới, yêu cầu các công ty lớn phải thẩm định chuỗi cung ứng của họ, xác định các vấn đề như lao động cưỡng bức và thiệt hại về môi trường.

Ngày 24/5 tại Brussels (Bỉ), các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua đạo luật mới về thẩm định chuỗi cung ứng, được gọi là Chỉ thị Thẩm định Tính bền vững của Doanh nghiệp.

Một trong những mục tiêu của Luật chuỗi cung ứng mới là buộc các công ty lớn phải chịu trách nhiệm trước Tòa án châu Âu trong tương lai nếu họ thu lợi từ những vi phạm nhân quyền trong chuỗi cung ứng của mình, chẳng hạn như sử dụng lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức.

Ngoài ra, các công ty cũng phải xây dựng kế hoạch về khí hậu để đảm bảo mô hình kinh doanh của mình tương thích với mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Chỉ thị này sẽ yêu cầu các công ty lớn phải thẩm định chuỗi cung ứng của họ, xác định các vấn đề như lao động cưỡng bức và thiệt hại về môi trường. Việc thẩm định sẽ rất quan trọng vì các công ty sẽ cần chứng minh rằng họ đang tuân thủ quyền con người và bảo vệ môi trường trong chuỗi cung ứng của mình, bao gồm cả hoạt động của chính họ và của các nhà cung cấp. Các công ty cũng sẽ phải chứng minh hành động khắc phục mà họ đang thực hiện để giải quyết mọi vấn đề phát sinh.

Theo đó, các công ty sẽ được yêu cầu xây dựng các kế hoạch hành động phòng ngừa và thuyết phục các đối tác kinh doanh trực tiếp của họ đồng ý tuân thủ các kế hoạch đó. Sau khi các thỏa thuận này được thực hiện, các doanh nghiệp châu Âu cũng sẽ phải kiểm tra xem các nhà cung cấp của họ có đáp ứng các yêu cầu đặt ra hay không.

Đối tượng bị ảnh hưởng bởi các quy định mới

 

Các quy định mới của EU đã được giảm bớt trong quá trình đàm phán, có nghĩa là sẽ có ít công ty bị ảnh hưởng hơn so với kế hoạch ban đầu. Thay vì áp dụng cho các công ty có hơn 500 nhân viên và doanh thu ít nhất 150 triệu euro (tương đương 162,8 triệu USD), luật mới sẽ được áp dụng cho các công ty có từ 1.000 nhân viên và doanh thu 450 triệu euro trở lên, sau thời gian chuyển tiếp 5 năm.

Sau ba năm, các yêu cầu bắt đầu được áp dụng cho các công ty có hơn 5.000 nhân viên và doanh thu trên 1,5 tỷ euro trên toàn thế giới. Sau bốn năm, những giới hạn này sẽ giảm xuống còn 4.000 nhân viên và doanh thu trên 900 triệu euro.

Quan điểm của Đức

Chính phủ liên bang Đức đã có những tranh luận công khai về luật này, đặc biệt các đại diện của đảng Dân chủ Tự do (FDP) cho rằng luật này đi quá xa. Họ lo ngại sẽ phát sinh tình trạng quan liêu và rủi ro pháp lý cho các công ty. Trong khi đó, các chính trị gia đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Xanh lại ủng hộ. Đức đã có luật về chuỗi cung ứng nhưng quy định của EU còn vượt xa luật này ở một số khía cạnh nhất định, đặc biệt là liên quan đến trách nhiệm pháp lý của các công ty.

Trong một thời gian dài, Đức đã cố gắng ngăn chặn việc thông qua luật này. Ông Nick Heine, đồng sáng lập nền tảng dữ liệu doanh nghiệp Integrity Next, cho biết trong khi luật pháp Đức chủ yếu quan tâm đến an toàn lao động ở các quốc gia cung cấp thì EU hiện rất chú trọng đến việc bảo vệ khí hậu, đa dạng sinh học và tiêu thụ tài nguyên.

Với cơ sở dữ liệu gồm 1,8 triệu nhà cung cấp mà ông Heine đã thu thập từ năm 2016, ông đang giúp khoảng 500 khách hàng doanh nghiệp giải quyết các vấn đề phát sinh từ các nguyên tắc chuỗi cung ứng hiện có. Ông cho rằng, quy định mới của EU thắt chặt hơn cả luật chuỗi cung ứng của Đức.

Theo phân tích của ông Heine, mặc dù các quy định trong luật mới đã được giảm bớt sau các cuộc đàm phán gần đây nhất ở Brussels, nhưng ở một số điểm, nó vượt xa luật chuỗi cung ứng của Đức. Tuy nhiên các công ty Đức đã chuẩn bị tốt. Những công ty không bị ảnh hưởng bởi luật chuỗi cung ứng của Đức thì cũng sẽ không bị luật mới của EU làm khó.

Khi nào luật mới sẽ được áp dụng ở Đức?

Các quy định của Đức sẽ được điều chỉnh theo luật mới của EU và do đó sẽ được mở rộng.

Năm 2027, luật mới sẽ bắt đầu áp dụng cho các công ty có hơn 5.000 nhân viên và có doanh thu ít nhất 1,5 tỷ euro mà Đức chỉ có vài trăm công ty cỡ này. Một năm sau, luật sẽ được áp dụng cho những công ty có từ 3.000 nhân viên trở lên và doanh thu ít nhất 900 triệu euro.

Theo quy định ở Đức, các công ty có từ 1.000 nhân viên trở lên đã phải đáp ứng các yêu cầu tương tự kể từ đầu năm 2024 nhưng theo quy định mới của EU, 5 năm nữa, tức là năm 2029 mới áp dụng luật mới cho họ.

Ban đầu, Brussels dự kiến áp dụng luật mới cho các công ty có từ 500 nhân viên trở lên, thậm chí có lời đồn là luật có thể áp dụng cho cả các công ty có 250 nhân viên. Tuy nhiên, quy định này dần dần được rút lại - như một phần thỏa hiệp với Đức.

Đạo luật Chuỗi cung ứng đã có hiệu lực ở Đức kể từ đầu năm 2023 và kể từ đó, chưa có công ty Đức nào bị xử phạt vì vi phạm luật. Nhưng đã có những cuộc thanh tra của Văn phòng Kiểm soát Xuất khẩu Liên bang (BAFA), chẳng hạn như ở biên giới Ba Lan, do các lái xe tải từ Ba Lan không được nhận lương đúng hạn và phàn nàn về điều kiện làm việc tồi tệ.

Trong vụ việc này, BAFA cho rằng trách nhiệm thuộc về người nhận hàng vì hàng hoá được chuyên chở là dành cho họ mà họ lại không kiểm tra đầy đủ điều kiện làm việc của các lái xe tải.

Hậu quả đối với các nhà nhập khẩu Đức là gì?

Các nhà nhập khẩu Đức sẽ được cung cấp thông tin. Vụ việc trên giống như một phát súng cảnh báo. Nếu điều đó xảy ra một lần nữa và các nhà nhập khẩu vẫn hợp tác với công ty vận chuyển này, họ sẽ phải chuẩn bị đối mặt với việc thẩm vấn gắt gao hơn.

Theo luật mới của EU, những người bị ảnh hưởng ở các quốc gia cung cấp giờ đây cũng có thể kiện các công ty Đức đòi bồi thường thiệt hại nếu họ vi phạm các tiêu chuẩn lao động và môi trường. Tuy nhiên, việc khiếu nại đạt đến mức độ nào sẽ chỉ được thể hiện bằng thực tiễn án lệ.

Cả Luật chuỗi cung ứng của Đức lẫn Chỉ thị của EU đều không chỉ yêu cầu các công ty phải nỗ lực mà là phải có nghĩa vụ tuân thủ, có thể hiểu như: Nếu không thể loại trừ 100% khả năng ai đó sẽ bị ngã thang thì phải xây dựng thang vững chắc đến mức thường không ai có thể ngã được.

Luật chuỗi cung ứng của EU cũng tập trung vào tính bền vững

Chỉ thị mới của EU vượt xa các yêu cầu hiện tại ở Đức trong một số khía cạnh. Trong khi luật hiện hành của Đức chủ yếu liên quan đến quyền và sự an toàn của con người và lao động, thì chỉ thị của EU lại mở rộng đáng kể khía cạnh môi trường, theo hướng bảo vệ khí hậu, đa dạng sinh học, cấm phá rừng và hạn chế tiêu thụ tài nguyên.

Luật pháp của Đức chủ yếu nhằm mục đích giám sát các nhà cung cấp trực tiếp trong khi Chỉ thị của EU yêu cầu quản lý rủi ro trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Nói cách khác, một nhà bán lẻ điện phải kiểm tra cả những người vận hành mỏ nếu có nghi ngờ.

Cho đến nay, nhiều công ty chỉ đơn giản yêu cầu nhà cung cấp gửi tài liệu bằng văn bản rằng họ đang tuân thủ các yêu cầu. Giờ thì không đơn giản vậy nữa, các công ty sẽ phải giám sát các nhà giao nhận vận tải hoặc đối tác bán hàng.

Theo ước tính thì một công ty có 1.000 nhân viên sẽ phải cần thêm từ 10-20 nhân viên để đáp ứng các yêu cầu mới về thủ tục hành chính và đảm bảo việc tuân thủ luật mới. Tuy nhiên, số nhân viên cần thêm cũng còn phụ thuộc vào từng công ty, số lượng nhà cung cấp cũng như rủi ro của ngành và quốc gia.

Một số giám đốc điều hành ước tính quy định mới có thể khiến họ phải tiêu tốn thêm khoảng 2% doanh thu. Tuy nhiên, các công ty cũng sẽ có các lựa chọn tài chính rẻ hơn trên thị trường vốn, ví dụ như phát hành trái phiếu ESG, thưởng cho các hoạt động kinh doanh bền vững với lãi suất thấp hơn.

Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường và nhân quyền cho rằng chỉ thị này của châu Âu vẫn chưa đầy đủ vì còn thiếu trách nhiệm dân sự mạnh mẽ. Thời hạn thực hiện cũng quá dài đối với một số đối tượng. Tuy nhiên, quan điểm của các chuyên gia là gánh nặng đối với doanh nghiệp sẽ lớn hơn và việc thực hiện luật mới theo từng bước là hợp lý.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục