Lực đẩy cho nền kinh tế xanh của châu Phi (Phần 1)

06:30' - 10/03/2019
BNEWS Trang mạng africa.com đăng bài viết về vai trò kinh tế xanh ở châu Phi và triển vọng Nhật Bản trong việc hỗ trợ lục địa này phát triển kinh tế xanh.

Bộ trưởng Nhật Bản và các nước tham dự Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 7 vào cuối năm 2018. Ảnh: Kyodo/TTXVN

* Tiềm năng kinh tế châu Phi

Bài viết của Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc (LHQ) tại Kenya Siddharth Chatterjee cho rằng mặc dù nền kinh tế xanh có thể cung cấp một loạt các giải pháp cho những vấn đề kinh tế châu Phi, nhưng châu lục này chưa dành sự quan tâm đúng mức và chưa khai thác hiệu quả nền kinh tế xanh. Hơn 1/4 dân số châu Phi đang sống và kiếm kế sinh nhai trong phạm vi dọc 100km bờ biển. 

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đến năm 2020, giá trị kinh tế hàng năm của các hoạt động năng lượng liên quan đến các vấn đề hàng hải ở châu Phi sẽ đạt 2,5 tỷ euro.  Trong số 54 quốc gia châu Phi, có 34 quốc gia ven biển và hơn 90% xuất - nhập khẩu của châu Phi được vận chuyển bằng đường biển. 

Vùng lãnh hải thuộc quyền tài phán của các nước châu Phi có diện tích bề mặt là 13 triệu km², với thềm lục địa khoảng 6,5 triệu km² bao gồm cả các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Châu Phi chiếm 17% tài nguyên nước mặt thế giới. 

Các khía cạnh chiến lược của nền kinh tế xanh phải là một phần tất yếu đối với các nước châu Phi. Do đó, kinh tế xanh đã được đưa vào Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi (AU) và tháng 3/2016 Ủy ban Kinh tế về châu Phi LHQ đã công bố cẩm nang thiết thực về nền kinh tế xanh.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), tổng giá trị gia tăng của ngành thủy sản và nuôi trồng thủy sản ở châu Phi ước tính đạt khoảng 24 tỷ USD, tương đương 1,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của tất cả các nước châu Phi. 

FAO đánh giá mặc dù ngành thủy sản và nuôi trồng thủy sản châu Phi chưa được tận dụng khai thác, nhưng ngành này đang thu hút khoảng 12,3 triệu lao động. Do đó, cần phải phát triển ngành thủy sản và nuôi trồng thủy sản một cách chuyên nghiệp. 

Dựa theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, châu Phi đang khai thác dưới mức, thậm chí đang lãng phí lớn tiềm năng kinh tế xanh. Theo một số ước tính, hàng năm, ngành hàng hải châu Phi đạt doanh thu khoảng 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu có các chính sách kinh tế đúng đắn, châu Phi có thể tăng gấp 3 lần doanh thu trên chỉ sau 2 năm. 

*Vai trò của Nhật Bản đối với nền kinh tế xanh châu Phi

Về cơ bản, Nhật Bản là nền kinh tế xanh và cường quốc kinh tế. Châu Phi có thể học hỏi và hưởng lợi từ Nhật Bản. Từ ngày 26-28/11/2018, tại Nairobi, Nhật Bản cùng với Kenya và Canada đồng tổ chức Hội nghị kinh tế xanh bền vững (SBEC).

Hội nghị kinh tế xanh bền vững nhằm bảo vệ và phát triển các vùng nước trên thế giới và các hệ sinh thái sống ở các khu vực đó. Với sự tham dự của hơn 17.000 đại biểu đến từ 184 quốc gia, SBEC đã thảo luận các biện pháp khai thác tiềm năng của đại dương, biển, sông, hồ bằng cách tận dụng kiến thức khoa học và đổi mới sáng tạo mới nhất, đồng thời vẫn đảm bảo bảo tồn nguồn nước phù hợp cho các thế hệ sau. 

Tại hội nghị, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã đưa ra một số cam kết bao gồm tăng cường an ninh trên biển quốc tế, chống nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, cũng như hỗ trợ đánh bắt bền vững và có trách nhiệm các loài có nguy cơ tuyệt chủng và nguồn cá chính. 

Để có thể phát triển nền kinh tế xanh khả thi, trước hết, các nước châu Phi cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và năng lực hiện tại nhằm đảm bảo an ninh hàng hải và bảo vệ bờ biển. Ngoài ra, lục địa này cần thiết lập quan hệ đối tác, bao gồm các mô hình tài chính sáng tạo và ưu tiên dựa trên khu vực tư nhân.

Sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với nền kinh tế xanh sẽ đảm bảo rằng nền kinh tế xanh/đại dương sẽ là nhân tố chính cho sự chuyển đổi và tăng trưởng của châu Phi như tầm nhìn được đưa ra trong Chương trình nghị sự 2063. 

Ngoài ra, khả năng của Nhật Bản về an ninh và an toàn hàng hải sẽ hỗ trợ tích cực đối với nền kinh tế xanh của châu Phi. Nhật Bản đã khẳng định được khả năng chuyên môn và đóng góp thực sự trong đảm bảo tự do và an toàn hàng hải, chẳng hạn những đóng góp của cường quốc châu Á này trong cải thiện an toàn hàng hải ở Eo biển Malacca.

Là một cửa ngõ vào châu Phi với các cảng biển, cơ sở hạ tầng, sự kết nối với châu lục, Kenya như “ngọn hải đăng”của hy vọng trong một khu vực bất ổn. Trong thực tế, nước này đang mang đến nhiều thứ chúng ta mong muốn hiện thực hóa trên khắp châu Phi. 

Do đó, Kenya càng trở nên quan trọng hơn trong vai trò hiệu triệu và điều phối toàn bộ cuộc đối thoại về nền kinh tế xanh. LHQ sẵn sàng hỗ trợ Nhật Bản trong việc thúc đẩy nền kinh tế xanh bền vững ở Kenya.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục